Buổi sinh hoạt về lịch sử truyền thống tại nhà họa sĩ Lê Đức Tuấn lần này do bà Nguyễn Thị Bình, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học 1, phường Ô Chợ Dừa tổ chức. Sau khi tổ chức một số trò chơi để ôn lại những kiến thức lịch sử, bà Bình giới thiệu với các cháu nhỏ thuộc tổ dân phố về họa sĩ, thương binh Lê Đức Tuấn. Ông là người có cuốn “nhật ký bằng tranh” được phía Hoa Kỳ trao trả lại cho Việt Nam về những ngày tháng ông trong quân ngũ, ở chiến trường Tây Nguyên.

Họa sĩ Lê Đức Tuấn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cũng như thế hệ thanh niên ngày đó, tháng 3-1967, ông tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Sau thời gian huấn luyện ở Hòa Bình, cả đơn vị của ông được điều động vào chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Ông cùng đơn vị tham gia đánh trận ở điểm cao 995-núi Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum).

Trước khi vào trận đánh, tất cả quân tư trang phải để lại ở hậu cứ. Trong số đó có cả quyển ký họa của chiến sĩ Lê Đức Tuấn vẽ phong cảnh làng quê Việt Nam, cảnh sinh hoạt trong quá trình huấn luyện, những đồng chí, đồng đội và cả những cụ, những mế... tại nơi đơn vị đóng quân và hành quân. Trận chiến quá ác liệt, họ chiến thắng nhưng nhiều đồng đội của Lê Đức Tuấn đã hy sinh. Quân tư trang của họ ở vòng ngoài lọt vào tay địch khi chúng đi càn.

Lê Đức Tuấn cũng bị thương trong trận đánh này và được chuyển vào bệnh xá... Thời gian sau, ông chuyển sang công tác ở Báo Tây Nguyên, rồi về làm họa sĩ ở Báo Quân đội nhân dân. Năm tháng dần trôi, chiến tranh lại quá ác liệt, ông nghĩ không bao giờ còn thấy được cuốn ký họa những ngày quân ngũ ấy nữa.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Lê Đức Tuấn kể về những năm quân ngũ và cuốn nhật ký bằng tranh của mình. 

Thế nhưng nhân duyên kỳ diệu, một hôm, con rể của ông đọc báo, được biết phía Hoa Kỳ trao trả cho Việt Nam một số hiện vật, trong đó đáng chú ý là một cuốn ký họa với nét vẽ rất đẹp. Người Mỹ bày tỏ thán phục với tài năng và tâm hồn của bộ đội Việt Nam. Họ không hiểu vì sao giữa mưa bom bão đạn cùng điều kiện sống khó khăn như vậy mà một chiến sĩ của Quân đội Việt Nam lại vẫn có thể vẽ tranh, cảm thụ cuộc sống quanh mình. Con rể ông nhìn chữ ký và nét vẽ của bức tranh được đăng trên báo, thấy quen thuộc nên mang tờ báo sang hỏi ông. Cả nhà vỡ òa, ngạc nhiên khi ông nói rằng đây là những bức tranh ông đã bị mất từ mấy chục năm trước.

Ngày nhận lại cuốn ký họa, ông run run cảm động. Lật giở từng trang và hồi tưởng quá khứ, nhớ những gương mặt, cảnh quan quen thuộc như mới ngày hôm qua. Cảnh vật đã có nhiều thay đổi, người trong tranh đa phần đã không còn sống. Một số gương mặt đồng đội ông khi ấy trẻ măng giờ đã hằn những nếp nhăn, tóc bạc, da mồi. Có người mang thương tích. Đồng đội cùng ông đã gọi tên từng người trong tranh: Kia là Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm. Đây là Ngô Lê Phong đẹp trai ở 79 phố Mã Mây. Còn có Nguyễn Đăng Hùng ở 38 phố Bát Sứ. Em trai Hùng giống anh quá. Thành “méo” nữa (ông Đào Duy Thành bị thương ở mặt, trên khuôn mặt rất đẹp trai khi xưa lõm mất một bên vì bị một viên đạn địch xuyên qua hàm)...

“Trong này có nhiều cháu 12-13 tuổi. Nhưng các cháu biết không, đồng đội của ông khi xưa có người mới 16-17 tuổi. Thế hệ trẻ ngày ấy, ai cũng mang tinh thần yêu nước vô bờ, ai cũng sôi nổi và đều muốn ra trận để đánh giặc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay, đất nước đã hòa bình. Các cháu hãy cố gắng học tập thật tốt để mai sau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhé”, họa sĩ Lê Đức Tuấn kết thúc câu chuyện của mình trong tiếng vỗ tay của các cháu học sinh.

Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: “Tôi tình cờ biết ông Lê Đức Tuấn và không ngờ câu chuyện về ông lại hay đến vậy. Câu chuyện góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ lòng tự tôn, tự hào dân tộc, yêu thích lịch sử và trân trọng thế hệ cha ông. Chúng tôi mong muốn tổ chức được nhiều hơn những buổi sinh hoạt như thế này”.

Bài và ảnh: ĐỨC MINH