Tôi biết chị Trần Duy Phương qua một bài báo nói về cuộc đời của chị trên xe lăn mà vẫn không rời xa tiếng hát. Từ đó, tôi liên hệ điện thoại và chúng tôi quen nhau, thường kể cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn của cuộc đời hay những câu chuyện trong đời sống hằng ngày.

Chị Trần Duy Phương sinh năm 1950, quê ở Điện Quang, Điện Bàn, Quảng Nam. Gia đình chị có truyền thống yêu nước. Năm 1955, cha của chị bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt. Năm 1957, ông bị đày ra Côn Đảo và hy sinh trong một đợt đấu tranh chống khủng bố trắng của địch ngay trong hầm đá tại Côn Đảo vào ngày 20-5-1960.

leftcenterrightdel

   Nữ cựu tù Trần Duy Phương thời trẻ. Ảnh tư liệu

Gương hy sinh của người cha thân yêu và tình yêu quê hương, đất nước thôi thúc chị Trần Duy Phương tham gia cách mạng từ tháng 2-1965. Là nữ sinh trung học nên chị được phân công làm kế toán trong Ban Kinh tài tỉnh Quảng Nam. Thiên phú cho chị có giọng hát hay, gương mặt đẹp, ít lâu sau, chị được chuyển về công tác ở Ban Tuyên huấn Huyện ủy Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trong một trận tập kích của Mỹ, chị bị  thương nặng và bị bắt ngày 7-10-1968 trong lúc đang làm việc tại văn phòng. Vết thương do đạn bắn vào cột sống khiến hai chân của chị bị liệt. Mặc dù địch đưa chị vào bệnh viện điều trị, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật nhưng chị vẫn không đi lại được, phải di chuyển bằng cáng.

Bị thương tích như vậy, song địch cũng không tha, luôn giày vò, tra tấn chị. Chúng bắt tù nhân dùng cáng khiêng chị di chuyển qua nhiều nhà tù, từ Nhà tù Non Nước (Đà Nẵng) đến Phú Tài (Quy Nhơn), rồi ở Cần Thơ, Lộc Ninh (Bình Phước)... Trên cáng, chị vẫn hát cho tù nhân nghe, động viên tinh thần, giữ vững chí khí đấu tranh với những đòn thù, chế độ tù khắt khe của Mỹ, ngụy Sài Gòn. Năm 1973, chị được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Ngày trao trả, chị vẫn phải nằm trên cáng, do các đồng đội, cựu tù binh giúp đỡ.

Có được cuộc sống tự do nhưng Trần Duy Phương vẫn không thể tự đi lại. May mắn có một người bạn tù luôn bên cạnh, giúp chị đẩy xe lăn. Dù trải qua nhiều lần phải mổ lại vết thương, chịu đựng đau đớn, song chị vẫn lạc quan, đem tiếng hát của mình phục vụ bệnh nhân, hát ở các cuộc giao lưu, gặp mặt cựu tù binh... Năm 2013, chị Trần Duy Phương điện thoại báo tin cho tôi đã hoàn thành cuốn tự truyện về cuộc đời mình. Tôi vui với chị, song cũng biết rằng chị đã cố gắng lắm, phải bao đêm thức trắng, vượt qua những cơn đau hành hạ. Rồi cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2013, dày 213 trang.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn tự truyện "Tôi nghe tôi hát" của Trần Duy Phương.

Mùa đông năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về cuốn  tự truyện của chị tại Hà Nội. Chị Trần Duy Phương và bạn bè, đồng đội, bạn cựu tù cũng từ miền Nam ra Hà Nội dự tọa đàm. Những ngày đó, tôi cùng chị đến nghĩa trang thắp hương cho những người bạn, cựu tù đã khuất; đến thăm các cháu khuyết tật, các gia đình bạn tù năm xưa... Chị Quế, người bạn tù đưa chị Phương từ trong Nam ra, nói nhỏ với tôi: “Chị Phương luôn bị vết thương hành hạ. Cách đây không lâu, chị vẫn phải mổ lại vết thương. Nhưng sau những cơn đau, qua các lần mổ, chị lại gượng dậy để viết sách. Chị viết với một ao ước thật bình dị là tặng lại những người bạn tù, những người đang sống và cả những người đã khuất! Chị muốn kể về những chiến sĩ cách mạng, sự đấu tranh gian nan trong tù, lòng trung kiên của những người đồng đội khi bị tra khảo... sẽ mãi là tấm gương sáng về lòng yêu nước, nhắc nhở các bạn trẻ thêm yêu cuộc sống và góp sức mình giữ gìn sự bình yên của đất nước”.

Cuốn tự truyện “Tôi nghe tôi hát” của chị Trần Duy Phương đã được công nhận như một tác phẩm văn học có giá trị, được bạn đọc đón nhận. Hôm tổ chức tọa đàm về cuốn tự truyện của chị, tôi chọn bộ quân phục đã để dành từ lâu để đến dự và đọc bài thơ “Đẹp tựa bông hồng” mà tôi viết tặng chị. Sự thành công của cuốn tự truyện như một động lực giúp chị vượt qua những khó khăn, những cơn đau và cất lên tiếng hát luôn đồng hành với chị từ thời thiếu nữ cho đến bây giờ...

ĐỖ THU YÊN