Không khuất phục trước đòn thù

Bà Hoàng Thị Khánh có vóc dáng nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu, giọng nói nhỏ nhẹ, tạo cảm giác thân thiện, gần gũi với người đối diện. Tiếp chuyện chúng tôi, bà nhớ như in ký ức những năm chiến tranh, bắt đầu từ thời điểm sau khi nổ ra Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ngày ấy, Hoàng Thị Khánh là Đội trưởng Đội Vũ trang tuyên truyền thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Cô gái trẻ Hoàng Thị Khánh với nhiều vỏ bọc khác nhau thoắt ẩn thoắt hiện ở chốn đông người như: Chợ, bến xe, sân bay, cảng sông, trung tâm Sài Gòn...

Cô được giao thực hiện nhiệm vụ vận động, giác ngộ quần chúng, bóc trần sự thật của ngụy quân, ngụy quyền; phổ biến thông tin, tuyên truyền về tình hình địch bị đánh bại, thua cuộc, thiệt hại nặng nề trước Quân giải phóng; những chiến công của ta trên chiến trường Nam Bộ, động viên đồng bào vận động con em đi lính ngụy trở về hoặc quyết không đi lính cho ngụy... Ở những nơi đó, cô thường xuất hiện bất ngờ, thực hiện nhiệm vụ chỉ trong thời gian rất ngắn rồi nhanh chóng trà trộn vào đám đông, tìm chỗ thay trang phục và thoát ra ngoài. Ngoài ra, cô còn tham gia hoạt động treo cờ, treo biểu ngữ tuyên truyền ở khu vực trung tâm, tham gia “diệt ác, phá kìm”, theo dõi, điều tra những đối tượng ác ôn, nguy hiểm với cách mạng để báo cáo tổ chức, triển khai phương án tiêu diệt chúng. Năm 1969, đường dây bị lộ nên Hoàng Thị Khánh bị địch bắt khi đang tổ chức rải truyền đơn. Thời điểm đó, cô vừa tròn 22 tuổi.

Hồi tưởng về những năm tháng bị tù đày, bà Hoàng Thị Khánh kể: “Sau khi bị địch bắt, tôi bị chúng tra tấn rất dã man, nhưng nhất quyết không khai thông tin về tổ chức. Địch đưa tôi và các chị em tù khác giam giữ ở nhiều nơi, từ các nhà tù Chí Hòa, Tân Hiệp, Thủ Đức và cuối cùng là đày ra Côn Đảo. Dù ở đâu, tôi cũng bị địch tra tấn dã man, nhưng khốc liệt nhất, dã man nhất vẫn là ở nhà tù Côn Đảo. Vừa xuống tàu, tôi và các đồng chí của mình bị đưa thẳng xuống chuồng cọp nằm sâu trong lòng đất, nhồi nhét 4-5 người trong buồng giam có diện tích chỉ 3-5m2. Ở đó, địch tra tấn chúng tôi bằng các hình thức man rợ như: Rút móng tay, móng chân, dùng dùi cui đánh vào đầu, mặt; dùng cây đâm vào bộ phận sinh dục...

Nhiều nữ tù bị chúng tra tấn đến bất tỉnh vẫn chưa ngừng lại, chúng tiếp tục hắt nước vào mặt đến khi tỉnh lại thì tiếp tục tra tấn. Mục đích của địch tra tấn ở chuồng cọp lúc mới ra đảo là nhằm phủ đầu, gieo nỗi khiếp sợ và hoảng loạn đối với các nữ tù rồi đưa ra điều kiện để người tù lựa chọn. Chúng dụ dỗ: Ai nghe theo lời chúng thì sẽ không bị tra tấn và được chuyển ra khỏi chuồng cọp... Mỗi ngày, bọn cai ngục phân phát lượng nước ít ỏi, mỗi nữ tù một lon nước (khoảng 0,75 lít nước) dùng để uống, vệ sinh, tắm giặt. Nữ tù nào chống đối lập tức bị chúng rải vôi bột vào người rồi hắt nước gây bỏng, khiến cho da của người tù bị nhiễm trùng nặng, lở loét...

Mặc dù chịu nhiều hình thức tra tấn dã man nhưng Hoàng Thị Khánh luôn kiên định với lý tưởng đã chọn, cắn răng chịu đau đớn, quyết không đầu hàng, quy phục. Cô cùng các nữ đồng chí kiên trung tích cực động viên chị em, “truyền lửa” cách mạng ngay trong lòng địch, đấu tranh đòi quyền lợi cho tù nhân, giữ vững khí tiết người cộng sản trong mọi điều kiện, hoàn cảnh...

leftcenterrightdel
 Bà Hoàng Thị Khánh.

Làm việc nghĩa tình, thắp sáng ngọn lửa cách mạng

Sau khi Côn Đảo được giải phóng ngày 1-5-1975, bà Hoàng Thị Khánh trở về Sài Gòn và tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị công tác. Bà tham gia công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại cuộc sống mới. Trước lúc nghỉ hưu, bà là Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh. Lẽ thường sau khi nghỉ hưu, nhiều người sẽ chọn an dưỡng tuổi già, vui cùng con cháu, nhưng với bà Hoàng Thị Khánh thì không như thế. Chất lửa và khí tiết, tinh thần tận hiến đến cùng cho quê hương, đất nước, chăm lo cho đồng đội của người cựu tù Côn Đảo không cho phép bà dừng lại. Bà tiếp tục tham gia Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh từ những năm đầu, hằng ngày tất bật với công việc nghĩa tình, vận động tìm nguồn kinh phí, triển khai xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo cho các cựu tù có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.

Tìm hiểu và chứng kiến những công việc hằng ngày của bà Hoàng Thị Khánh, chúng tôi mới thấy được sự vất vả, sức cống hiến bền bỉ, không mệt mỏi của bà. Lúc thì bà tất bật hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, liên hệ cơ quan chức năng giải quyết chế độ, chính sách cho các cựu tù chính trị, tù binh; lúc thì đi vận động quỹ nghĩa tình, triển khai xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, rồi thực hiện các chương trình triển lãm, giới thiệu chuyên đề về cựu tù chính trị, tù binh ở các bảo tàng, trường học, trung tâm văn hóa các quận, huyện. Bà thường tổ chức các chương trình “Về nguồn”, đưa đồng đội về thăm lại chiến trường xưa, trở lại những nơi từng giam giữ các cựu tù chính trị, tù binh; sưu tầm, tập hợp tài liệu, sách báo về lịch sử hoạt động, đấu tranh của các cựu tù chính trị, tù binh để làm tài liệu “truyền lửa” cách mạng cho thế hệ trẻ.

Với sự nhiệt huyết, nhiệt tình, hết lòng với các cựu tù, đồng đội, bà Hoàng Thị Khánh đã cùng tập thể Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh gây dựng mạng lưới, kết nối các cựu tù chính trị, tù binh rộng khắp các địa phương, thực hiện nhiều việc nghĩa tình. Từ khi thành lập vào năm 1991, ban đầu chỉ với 15 thành viên, đến nay Ban liên lạc đã quy tụ, tập hợp được trên 98% cựu tù chính trị, tù binh vào tổ chức, xây dựng được 189 tổ chức cựu tù chính trị, tù binh hoạt động ở cơ sở tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

leftcenterrightdel
 Bà Hoàng Thị Khánh (ngoài cùng, bên phải) thăm, tặng quà gia đình cựu tù Côn Đảo ở huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Số hội viên hoạt động hiện nay là hơn 8.200 người. Quỹ Nghĩa tình đồng đội do Ban liên lạc phát động, kết nối đã vận động được hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ các hội viên bị bệnh nan y, vận động, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trao tặng học bổng cho các cháu cựu tù nhà nghèo học giỏi và các cháu học sinh khác; phối hợp giải quyết hơn 1.000 hồ sơ tồn đọng của cựu tù. Ban liên lạc đã viết, biên soạn, sưu tầm, in 6 đầu sách về tù chính trị, tù binh, nhà tù; in kỷ yếu ảnh của hơn 11.000 cựu tù chính trị và tù binh. Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TP Hồ Chí Minh đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động (hạng Nhì, Ba) và được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh tặng nhiều bằng khen...

Bản thân bà Hoàng Thị Khánh và hai đồng chí Phó trưởng ban Ban liên lạc đã trích lương hưu đỡ đầu 11 học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở TP Hồ Chí Minh. Bà Hoàng Thị Khánh chia sẻ: “Các cựu tù chính trị phần lớn tuổi đã cao, sức yếu, có không ít đồng chí hoàn cảnh khó khăn. Đảng, Nhà nước ta có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho các cựu tù chính trị, các chính sách hỗ trợ ngày một cải thiện, nâng cao. Để thực hiện được các chủ trương, chính sách đó ở cơ sở, rất cần phải phát huy vai trò của các tổ chức cựu tù chính trị, tù binh, đặc biệt là các hoạt động kết nối, hỗ trợ, chăm lo cho các cựu tù hoàn cảnh khó khăn, phát huy khí phách, ý chí của cựu tù, tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.

Mỗi cựu tù là một tấm gương, là nhân chứng của lịch sử cách mạng, là pho sử sống quý giá của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, là niềm tự hào, vẻ vang của sự nghiệp cách mạng. Đây là những trang sử sống có giá trị rất to lớn trong giáo dục, “tiếp lửa” truyền thống, lan tỏa tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Tôi chỉ mong muốn mình giữ được sức khỏe. Sức còn tới đâu thì cống hiến tới đó, hỗ trợ nhiều hơn cho đồng chí, đồng đội”.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN - ĐÌNH HÙNG