Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chủ nhiệm Chính trị, công tác kỹ thuật được tiến hành ngay từ khi ra đời của Quân đội ta, vậy tại sao đến ngày 10-9-1974, TCKT mới được thành lập?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mỹ: Đúng là TCKT mới thành lập được gần 50 năm, nhưng công tác kỹ thuật trong Quân đội đã tiến hành từ rất sớm. Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời với 34 cán bộ, chiến sĩ, trang bị, vũ khí lúc đó là các loại súng khác nhau, cùng một số lựu đạn, mìn, thuốc nổ... Quá trình chiến đấu, xây dựng lực lượng, từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay, công tác kỹ thuật luôn được chú trọng. Chúng ta tiến hành bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) từ nhiều nguồn như tự chế tạo, mua sắm, viện trợ của các nước bạn, đặc biệt là chiến đấu, lấy VKTBKT của địch trang bị cho ta. Cán bộ, chiến sĩ cũng có nhiều sáng tạo trong bảo đảm kỹ thuật (BĐKT), nhằm bảo đảm chất lượng VKTBKT tốt nhất cho chiến đấu, huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ.

Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta phải đối phó với kẻ thù có trang bị vũ khí tối tân, hiện đại bậc nhất thế giới. Để chiến đấu và đánh thắng địch, Quân đội ta được trang bị số lượng lớn VKTBKT tiên tiến, hiện đại như máy bay, tên lửa, radar, pháo phòng không, pháo mặt đất, vũ khí hải quân... Phần lớn VKTBKT tiên tiến, hiện đại do các nước xã hội chủ nghĩa anh em viện trợ. Sau khi Quân đội ta tiếp nhận đã tổ chức huấn luyện, BĐKT VKTBKT, làm chủ khai thác, sáng tạo trong sử dụng, góp phần lập nên nhiều chiến công vang dội, bắn rơi hàng nghìn chiếc máy bay của Mỹ; đặc biệt là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, đòn quyết định buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

leftcenterrightdel

Đoàn công tác Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra công tác bảo đảm kỹ thuật tại Kho KV1 (Cục Quân khí). Ảnh: VŨ TIẾN 

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và kế hoạch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cùng với việc thành lập các quân đoàn chủ lực, ngày 10-9-1974, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 211/CP về việc thành lập TCKT thuộc Bộ Quốc phòng, giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo công tác bảo đảm và quản lý VKTBKT trong toàn quân, nghiên cứu kỹ thuật quân sự và trực tiếp quản lý các xí nghiệp quốc phòng. Thành lập TCKT đánh dấu bước phát triển quan trọng của công tác kỹ thuật Quân đội, bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất ngành kỹ thuật toàn quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chưa đầy một năm kể từ khi thành lập, TCKT đã điều động 811 cán bộ đi chiến trường. Đồng thời chỉ đạo, bảo đảm trang bị, BĐKT cho 5 cánh quân chủ lực, với khối lượng VKTBKT rất lớn, gồm: Gần 520 khẩu pháo mặt đất, 550 tên lửa phòng không và 1 trung đoàn pháo phòng không, 1 phi đội máy bay A37; 320 xe tăng và xe thiết giáp, 1.600 xe công trình, hơn 10.000 xe vận tải, 15.000 tấn đạn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

PV: Quá trình xây dựng, trưởng thành của TCKT luôn gắn liền với sự phát triển tổ chức và nhiệm vụ của Quân đội ta, đồng chí có thể nêu những thành tích nổi bật của TCKT trong gần 50 năm qua?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mỹ: Gần 50 năm xây dựng và phát triển, trải qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và Quân đội, TCKT cũng có nhiều thay đổi về tổ chức và nhiệm vụ. Song ở bất cứ thời điểm nào, Đảng ủy, chỉ huy TCKT cũng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các biện pháp tích cực, phù hợp, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. TCKT đã chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển ngành kỹ thuật Quân đội cách mạng, chính quy, từng bước hiện đại. Ngay sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (năm 1975), TCKT đã tổ chức tiếp quản, thu hồi phân loại, bảo quản, khai thác số lượng lớn cơ sở kỹ thuật và VKTBKT của quân ngụy Sài Gòn để lại; kiện toàn, bố trí, sắp xếp hệ thống kho tàng, xây dựng các nhà máy, xí nghiệp sửa chữa, sản xuất VKTBKT, vật tư kỹ thuật; kịp thời bảo đảm trang bị, BĐKT cho VKTBKT phục vụ chiến đấu bảo vệ biên giới, làm nghĩa vụ quốc tế...

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mỹ. Ảnh: VŨ TIẾN 

Từ năm 1989 đến nay, Đảng ủy, chỉ huy TCKT tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, kiện toàn tổ chức, cơ sở kỹ thuật, bảo đảm trang bị và BĐKT VKTBKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Đặc biệt, TCKT đã tham mưu với Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW ngày 29-11-2007 về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới. Triển khai thực hiện Nghị quyết 382, TCKT đã xây dựng 9 chương trình công tác, bao gồm: 7 đề án hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của ngành kỹ thuật Quân đội, 2 dự án quy hoạch hệ thống cơ sở BĐKT và 22 kế hoạch dài hạn thực hiện công tác kỹ thuật...

Hơn 10 năm trở lại đây, TCKT chỉ đạo ngành bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đồng bộ VKTBKT cho các đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất; đồng bộ và tái đồng bộ VKTBKT cho các sư đoàn bộ binh đủ quân; các tỉnh biên giới; các trung đoàn, lữ đoàn phòng không, pháo binh, tăng thiết giáp... Toàn ngành bảo đảm tốt VKTBKT phục vụ huấn luyện, duyệt binh, diễu binh kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hội nghị quốc tế diễn ra tại Việt Nam; tổ chức thành công các cuộc diễn tập; hoàn thành nghiên cứu, nghiệm thu, triển khai ứng dụng nhiều đề tài khoa học-công nghệ... TCKT đã tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng phê duyệt và triển khai thực hiện nhiều đề án mới; làm tốt chức năng Cơ quan Thường trực của Bộ Quốc phòng về thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” (Cuộc vận động 50)...

leftcenterrightdel

Cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Cục Xe máy (Tổng cục Kỹ thuật) và đơn vị kết nghĩa báo công với Bác Hồ tại Điểm di tích lịch sử quốc gia

"Bác Hồ với ngành xe máy Quân đội", tại xã Bạch Đằng, huyện Hòa An (Cao Bằng), năm 2018. Ảnh: XUÂN THU 

PV: Những kết quả trên của TCKT đã góp phần xây dựng, tiếp nối truyền thống “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” của ngành kỹ thuật Quân đội. Đồng chí có thể nêu những giải pháp để tiếp tục phát huy truyền thống đó?

Thiếu tướng Nguyễn Văn Mỹ: “Chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường” là giá trị truyền thống đặc trưng, bản chất và sâu sắc nhất của TCKT, được hình thành, củng cố và phát triển qua những năm tháng hy sinh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ công tác kỹ thuật mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao. Giá trị truyền thống đó được thể hiện thông qua việc quán triệt, thực hiện và có sự vận dụng, phát triển sáng tạo đường lối quân sự, đặc biệt là quan điểm, đường lối khoa học, kỹ thuật quân sự của Đảng ta, của Quân ủy Trung ương trong từng giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày nay.

Phát huy truyền thống và để truyền thống trở thành động lực cho mỗi cán bộ, nhân viên, chiến sĩ TCKT phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy TCKT quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống và rèn luyện bản lĩnh chính trị cho bộ đội. Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung, vận dụng linh hoạt hình thức giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, khai thác tốt cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa vào giáo dục truyền thống cho bộ đội. TCKT lấy chất lượng giáo dục truyền thống là một trong những nội dung đánh giá Phong trào Thi đua Quyết thắng, thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và kết quả xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”...

leftcenterrightdel
 Tổng cục Kỹ thuật kiểm tra, đánh giá chất lượng xe tăng thiết giáp sau khi đồng bộ tại Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308). Ảnh: XUÂN HÒA

Trong thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy TCKT tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, đồng thời quán triệt, triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 05-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII); Nghị quyết số 230-NQ/QUTW ngày 2-4-2022 của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch số 1228/KH-BQP ngày 25-4-2022 của Bộ Quốc phòng về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 382, TCKT đã tham mưu giúp Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết số 1656-NQ/QUTW ngày 20-12-2022 về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật đến năm 2030 và những năm tiếp theo”; giúp Bộ Quốc phòng chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trong toàn quân và ban hành Điều lệ công tác kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam... Hơn lúc nào hết, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cần được đẩy mạnh, để tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn TCKT, là động lực để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

HƯƠNG HỒNG THU (thực hiện)