QĐND - “Nói về ý nghĩa, vai trò của công tác bảo đảm kỹ thuật (BĐKT) có thể sẽ cần rất nhiều lý luận. Tuy nhiên, tôi có thể nói đơn giản thế này cho dễ hình dung: Trong một trận đánh, bộ đội ta có thể nhịn khát một ngày, nhịn đói vài ba ngày, nhưng nếu thiếu vũ khí, đạn dược dù chỉ vài chục phút hoặc súng bắn không được, đạn không nổ... thì sẽ thế nào?”. Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hà Minh Thám, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (TCKT) nêu một thực tế sinh động và dễ hiểu như thế trong cuộc trò chuyện cởi mở với phóng viên Báo Quân đội nhân dân khi TCKT đang chuẩn bị kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống…

Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hà Minh Thám. Ảnh Tuấn Tú.

Dấu mốc lịch sử và những thăng trầm

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Chính ủy, ngày 10-9-2014, TCKT kỷ niệm 40 năm Ngày truyền thống. Nói truyền thống 40 năm là nói tới mốc TCKT-cơ quan kỹ thuật đầu ngành của quân đội được thành lập. Trong thực tế, ngành kỹ thuật đã sớm hình thành và từng bước trưởng thành cùng với sự ra đời, phát triển lớn mạnh của quân đội. Vậy xin đồng chí Chính ủy có thể giải thích vì sao đến tháng 9-1974 TCKT mới được thành lập?

Trung tướng Hà Minh Thám: Trên thực tế, người ta thường nghĩ, phải thành lập TCKT rồi mới có ngành kỹ thuật, theo kiểu “có cha rồi mới sinh con”. Nhưng quân đội ta lại khác! Từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta đã tổ chức xây dựng những đội vũ trang: Xích vệ, du kích, cứu quốc quân, giải phóng quân... Trên cơ sở kế thừa sáng tạo truyền thống tự lực, tự cường của dân tộc, quân và dân ta đã tạo ra  những nguồn vũ khí vô cùng phong phú, bảo đảm kịp thời cho các lực lượng chiến đấu và giành chiến thắng. Chính vì thế mà mãi tới tháng 9-1974 mới thành lập TCKT, có cả khách quan và chủ quan: 

Thứ nhất là, khi vũ khí, trang bị của chúng ta đang còn thô sơ và ít, thì công tác bảo đảm vũ khí chưa có hệ thống lý luận, chưa có cơ quan quản lý, chỉ đạo một cách hệ thống, bài bản.

Thứ hai là, khi đó quân đội các nước lớn như Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ trong tổ chức biên chế không có cơ quan kỹ thuật chiến lược, bởi vì họ tự sản xuất được vũ khí, trang bị để trang bị cho quân đội, nên tư duy của họ theo sản xuất công nghiệp. Nếu vũ khí hư hỏng đều do nhà máy sản xuất chịu trách nhiệm sửa chữa. Còn quân đội ta lại chủ yếu  dựa vào nguồn vũ khí, trang bị từ viện trợ. Do các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) được trang bị theo hướng ngày càng nhiều về số lượng, hiện đại về chất lượng... nên các chuyên ngành kỹ thuật như: Quân giới, quân khí, xe-máy, công binh, thông tin liên lạc... lần lượt được hình thành và phát triển, từ nhỏ lẻ, phân tán đến tập trung thống nhất. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầu cách mạng và gần hết hai cuộc chiến tranh giải phóng, cơ quan chiến lược của ngành trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác kỹ thuật (CTKT) toàn quân khi do Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, khi do Tổng cục Cung cấp (nay Tổng cục Hậu cần) quản lý...

Trung tướng Hà Minh Thám kiểm tra công tác bảo quản, niêm cất xe tăng của Kho KT 789 (Cục KTBC). Ảnh: Đức Minh.

Đến tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) xác định cần nắm vững thời cơ chiến lược, chuẩn bị mọi mặt để thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Theo đó, các LLVT đã có bước phát triển nhanh chóng, các đơn vị chủ lực được trang bị một khối lượng lớn vũ khí trang bị hiện đại do Liên Xô và các nước XHCN viện trợ. Do đó, cần có một cơ quan chiến lược đảm trách chỉ đạo tập trung thống nhất công tác bảo đảm trang bị, BĐKT và sản xuất, sửa chữa quốc phòng. Chính vì vậy, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký Nghị định số 211/CP ngày 10-9-1974 về thành lập TCKT thuộc Bộ Quốc phòng. Đây là một sự kiện rất quan trọng, mang tính lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới về chất của quân đội ta trong việc chỉ đạo tập trung, thống nhất CTKT quân sự.

PV: Trong lịch sử, khi đã có nhà nước, quân đội thì phải có việc chế tạo và bảo đảm vũ khí để sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến tranh. Đảng ta luôn xác định, con người và vũ khí là hai yếu tố tạo nên sức mạnh của quân đội, trong đó yếu tố con người là quyết định, yếu tố vũ khí là quan trọng. Về mặt lý luận và thực tiễn là như vậy. Nhưng khi nghiên cứu lịch sử, truyền thống của TCKT Quân đội, tôi vẫn thắc mắc là tại sao tổng cục từ khi thành lập tới nay lại có những “thăng trầm”, lúc tách, lúc nhập, có giai đoạn tưởng chừng như giải thể... Có thể hiểu vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Hà Minh Thám: Theo tôi hiểu, nhà báo muốn đề cập đến giai đoạn 1987-1989 và đầu những năm 90 của thế kỷ 20, khi mà TCKT có sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, cũng như có sự thay đổi về tổ chức lực lượng có đúng không?

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất và nhất là sau khi chúng ta giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, quân đội ta thực hiện chiến lược điều chỉnh tổ chức lực lượng cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, từ tháng 1-1988, ngành kỹ thuật chuyển từ cơ chế quản lý, chỉ đạo BĐKT theo cấp sang quản lý, chỉ đạo BĐKT theo chuyên ngành. Giai đoạn này nhiều người đã gọi tổng cục là “Tổng cục mi-ni” và nhiều người lầm tưởng tổng cục giải thể... Sau hơn một năm thực hiện cơ chế này, tháng 3-1989, Hội nghị kỹ thuật toàn quân đã thống nhất đánh giá, cơ chế quản lý, chỉ đạo BĐKT theo chuyên ngành bộc lộ nhiều hạn chế. Việc duy trì hệ số kỹ thuật của vũ khí trang bị cho các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là các đơn vị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị làm nhiệm vụ ở biển đảo và đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sẵn sàng chiến đấu và xây dựng chính quy của quân đội. Chính vì vậy, đến tháng 4-1989, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định kiện toàn lại TCKT với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ mới là cơ quan quản lý, chỉ huy, chỉ đạo BĐKT toàn quân, đồng thời điều chuyển các cục chuyên ngành trực thuộc Bộ về trực thuộc tổng cục. Điều này một lần nữa khẳng định trong xây dựng và phát triển của quân đội ta không thể thiếu cơ quan chỉ đạo đầu ngành CTKT quân sự-đó là TCKT. Sự điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và tổ chức lực lượng đó có thể đã gây ra sự hiểu nhầm rằng TCKT giải thể vào năm 1987 và được thành lập lại vào năm 1989, nhưng thực tế chưa hề có quyết định nào về giải thể TCKT.

Kỷ luật quân đội và tình đồng đội

PV: Nghị quyết 382 là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới, được toàn quân hưởng ứng và đã tạo chuyển biến quan trong trong thực tế. Nghị quyết được đánh giá không chỉ có ý nghĩa với ngành kỹ thuật mà còn lan tỏa trong các ngành tham mưu, chính trị, hậu cần. Sau gần 7 năm, những chủ trương, biện pháp, mục tiêu, chỉ tiêu nào cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hoặc điều chỉnh cho phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, thưa đồng chí?

Trung tướng Hà Minh Thám: Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, ngày 29-11-2007, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) đã ban hành Nghị quyết số 382-NQ/ĐUQSTW về lãnh đạo CTKT trong tình hình mới. Nghị quyết 382 có ý nghĩa rất quan trọng, là bước đột phá mới về sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương đối với CTKT. Đây là lần đầu tiên ngành kỹ thuật quân đội có nghị quyết chuyên đề của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo CTKT.

Sau một thời gian triển khai thực hiện nghị quyết; CTKT trong toàn quân đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc duy trì nền nếp chế độ CTKT và BĐTB, BĐKT duy trì tiềm lực quân sự, sức mạnh chiến đấu của quân đội.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình thế giới, khu vực sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường, nhất là những diễn biến gần đây trên Biển Đông; CTKT có nhiều thuận lợi, song cũng còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Do đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong toàn quân phải không ngừng nâng cao năng lực, đề cao trách nhiệm chính trị, có giải pháp đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo để tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, giải pháp được nêu trong Nghị quyết 382 và 6 nhóm nhiệm vụ đã đề ra trong Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 382 và Kết luận 763/KL-QUTW ngày 19-12-2012 của Quân ủy Trung ương về tăng cường CTKT trong thời gian tới; trong đó tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả CTKT, nghiên cứu đổi mới phương thức BĐKT; xây dựng cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của xã hội và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự; rà soát quy hoạch trang bị; khai thác làm chủ VKTBKT mới và nghiên cứu cải tiến, hiện đại hóa VKTBKT hiện có để nâng cao tính năng chiến kỹ thuật; sức mạnh chiến đấu của quân đội; tiếp tục dồn dịch cân đối lượng dự trữ chiến lược theo vùng, miền; quy hoạch hệ thống kho tàng, trạm xưởng; đầu tư chiều sâu công nghệ để nâng cao khả năng sửa chữa, sản xuất VKTBKT... nhằm bảo đảm kịp thời và đầy đủ VKTBKT có chất lượng tốt, đồng bộ cho quân đội, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

PV: Xin được hỏi một nội dung có tính chất cá nhân, mong được Chính ủy chia sẻ. Đồng chí là một cán bộ trưởng thành từ cơ sở, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ và biên giới Tây Nam, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1989 và là thương binh với 12 vết thương trên cơ thể. Đồng chí có kỷ niệm gì sâu sắc trong những ngày lửa đạn đó? Qua thực tiễn chiến đấu và công tác, đã để lại những bài học, kinh nghiệm như thế nào cho việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đồng chí?

Trung tướng Hà Minh Thám:  Nói đến những kỷ niệm sâu sắc trong những năm tháng học tập, công tác, chiến đấu xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc thì rất nhiều cán bộ cấp tướng đều sẽ có những kỷ niệm để nhớ, rút kinh nghiệm rèn luyện mình và truyền bá, bồi dưỡng cho thế hệ trẻ. Riêng với tôi, kỷ niệm thì nhiều nhưng sâu sắc nhất vẫn là 11 năm, 3 tháng cùng đồng đội làm nhiệm vụ giúp bạn ở đất nước Cam-pu-chia. Điều mà mãi mãi nhớ ghi để phấn đấu, rèn luyện mình và vận dụng cụ thể vào thực hiện nhiệm vụ chức trách từ khi đảm nhiệm cương vị trung đội trưởng đến cán bộ trung đoàn, sư đoàn, Chính ủy Quân đoàn 3 và đến nay là Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật đó là: Kỷ luật quân đội, mệnh lệnh chiến đấu và tình cảm đồng đội. Nhất là từ khi trở thành cán bộ cao cấp trong quân đội thì những vấn đề đó càng có ý nghĩa sâu sắc, vừa rèn luyện, vừa xây dựng cho tôi quan điểm, phương pháp, nhân cách và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy.

Tôi không thể nào quên những giờ phút chỉ huy đơn vị giữ chốt bảo vệ biên giới Tây Nam và chốt giữ chùa Prếch-vi-hia (Cam-pu-chia). Địch pháo kích điên cuồng, không gian không khi nào ngừng tiếng gầm rú của các loại súng pháo bắn phá vào chốt. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã trụ bám chốt cả tháng trời, chỉ có ban đêm lực lượng vận tải mới bổ sung súng đạn, nước và gạo sấy, nhưng chỉ đủ để pha gạo sấy và uống tiết kiệm. Anh em chờ trời mưa mới được tắm. Vậy nhưng, khi tôi đến từng hầm chữ A, từng hố cá nhân kiểm tra canh gác ban đêm thì cả đơn vị ai ai cũng tâm sự: “Chúng em không sợ đói, chỉ sợ vận tải không tiếp kịp đạn, khi địch xung phong không có đạn mà đánh”. Trong trận đánh ngày 14-9-1978, sau 11 giờ chiến đấu bảo vệ chốt, khi các đồng đội hy sinh và bị thương phải đưa về tuyến sau, tôi đã cùng những cán bộ, chiến sĩ còn lại thay nhau sử dụng các loại vũ khí dải dọc theo tuyến hào và các hố chiến đấu. Chúng tôi sử dụng 9 loại vũ khí hiện có để ngăn chặn không cho địch lên chiếm chốt với quyết tâm bảo vệ chốt đến người chiến sĩ và viên đạn cuối cùng. Hình ảnh sống mãi trong tôi là các đồng đội bế tôi lên võng cứu thương và 4 người thay nhau khiêng tôi vượt qua bao cánh rừng ô rô rậm rạp, khi trời mưa nhường tăng mưa che võng làm cáng thương cho tôi. Những vết thương quái ác ở lưng bắt buộc các đồng đội phải cho tôi nằm úp bụng xuống võng. Khi qua suối, đồng đội phải đồng thời đưa cáng thương lên đầu để tôi khỏi bị ướt. Chặng đường từ trận địa về trạm phẫu của trung đoàn dài gần chục ki-lô-mét đường rừng, các anh luôn thay nhau động viên tôi, không một lời kêu ca vất vả. Điều đó tiếp thêm sức mạnh để tôi gắng chịu đau đớn, nằm úp bụng trên võng hơn 4 giờ với 12 vết thương trên cơ thể.

Tình cảm đồng chí, đồng đội trong chiến đấu ấy đã nuôi dưỡng, vun đắp lên ý chí, trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ của tôi mấy chục năm qua. Tôi tâm niệm, phải kiên quyết, thẳng thắn, nghiêm túc trong công việc; những nhiệm vụ đã đề xuất và được tập thể đồng tình thì có quyết tâm, biện pháp tổ chức làm cho bằng được. Đồng thời,  luôn quan tâm sẵn lòng giúp đỡ bạn bè, đồng chí đồng đội, cán bộ chiến sĩ thuộc quyền cả về sự rèn luyện, phấn đấu trong công tác và tình cảm gia đình, cá nhân... Tôi luôn ghi nhớ và thực hiện nghiêm túc lời huấn thị của Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong các hội nghị quân chính toàn quân: Trong thời bình, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần phải quan tâm, chăm lo tốt cho đời sống cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền và gia đình họ khi khó khăn thì lúc có yêu cầu nhiệm vụ cao, lúc có chiến tranh họ mới sẵn sàng tận tâm tận lực thi hành nhiệm vụ. Đó cũng chính là những bài học rút ra của bản thân tôi suốt mấy chục năm qua...

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chính ủy!

HOÀNG TIẾN (thực hiện)