Tiểu thuyết “Chim én bay” khép mở hai không gian hôm qua và hôm nay. Nhiều khi nhà văn kéo chúng về một mặt phẳng “đồng hiện” để độc giả khám phá, phân tích, đối thoại cùng nhau về một chủ đề rất ý nghĩa: Con người hãy cùng nhau sống để yêu thương!
Trung tâm của tác phẩm là nhân vật Quy, trước kia là thành viên đội diệt ác có tên “Chim én”.
Bắt đầu từ thời hiện tại, một chiều thứ bảy, Quy trở lại nhà giám Tuân thăm vợ con hắn. Một gia cảnh buồn: Bà vợ góa sức yếu; thằng con lớn vượt biên sang Thái Lan, để lại lời đe dọa sẽ trở về trả thù; thằng thứ hai đang sống giang hồ trên Tây Nguyên; thằng út gầy còm, thất học... Vừa mới giải phóng, tất nhiên, mọi chuyện ổn định đời sống còn nhiều dang dở, thậm chí là bi kịch, mà gia đình giám Tuân chỉ là một. Vì là chiêu hồi trở thành ác ôn, dù người có tội đã bị trừng trị nhưng gia đình Tuân vẫn bị kỳ thị sâu sắc: Chia cho ruộng xấu, ở chỗ xa; đời sống bần hàn, bấp bênh, không được quan tâm, chia sẻ vì “đó là thành phần có nợ máu với cách mạng”.
Quy đã nói với Chủ tịch huyện Cường, với Bí thư xã Tư Nhơn - những người bạn chiến đấu, nhưng chính họ cũng thường ngày gặp phải những cảnh kỳ thị trong nhân dân, một bên là con em gia đình cách mạng, bên kia là “quân phản động”. Thậm chí có nơi còn vác cả gậy gộc, đòn càn, cuốc, thuổng... đuổi đánh nhau “trả hận”. Mối căm thù trong chiến tranh là một động cơ chiến đấu. Theo quán tính, đến ngày hòa bình, nó vẫn còn âm ỉ trong nhiều người, có khi trở thành lực cản.
Đó là một “tàn dư” của chiến tranh, dường như cũng là một lẽ thường tình của thế nhân. Con người không phải là thánh thần, cũng có ghen ghét, đố kỵ, thù hận... Mỗi khi bức xúc, mỗi khi nỗi đau quá khứ trở về thì người ta dễ có hành động bột phát. Thế nên chính những Cường, Tư Nhơn cũng rất “đau đầu” tìm biện pháp giải quyết.
Cũng buổi chiều thứ bảy ấy Quy đến, chị sững sờ khi chứng kiến ngay ở cổng nhà giám Tuân, một đám trẻ liệng đất, liệng đá vào nhà và đuổi đánh đứa con trai út của hắn. Mẹ nó chỉ biết đứng nhìn. Cô can đám trẻ. Có đứa hung hăng: “Cô bênh chi, nó là con thằng ác ôn...”. Cái mệnh đề sau như khoan sâu vào tâm thức Quy: Trời ơi, cùng dòng máu Việt, cùng “một bọc” đồng bào, bao giờ mới hết được thù hận? Quy đành tự mình làm tất cả những gì có thể góp phần lấp dần hố sâu mà chiến tranh đã nhẫn tâm ngăn cách tình người. Việc đầu tiên là Quy cứu đói gia đình giám Tuân. Một chiều, cô đến với bao tải gạo sau xe đạp. Thằng bé út hỏi gạo gì, Quy nói tránh đi là gạo cô nợ mẹ nó...
Nhưng một mình Quy không thay đổi được cả một tình thế. Gia đình giám Tuân vẫn bị kỳ thị, đau đớn, nhục nhã đến mức vợ hắn định quyên sinh. Trên giường bệnh, bà ta nhắn gặp Quy để gửi lại đứa con, nhờ cô chăm nom thì “chết mới nhắm mắt”. Với nghệ thuật tiểu thuyết, chi tiết đắt giá như ngọn đèn điện làm bừng sáng nhận thức ở bạn đọc. Chi tiết vợ giám Tuân gửi con cho người đã bắn chết cha nó là “ngọn đèn điện” như vậy...
Đến đây, câu chuyện ngược về quá khứ với cảnh đội “Chim én” đi diệt ác...
Đó là cảnh anh Dương và chị Hảo của Quy chết ngay trước mắt cô vì bị giám Tuân chỉ điểm. Cha cô-lão du kích từng cưu mang giám Tuân-vì quá phẫn uất mà ốm rồi chết. Quy quyết vào đội “Chim én”... Chưa là thiếu nữ, Quy bị giặc bắt. Chính giám Tuân lệnh cho hai thằng giặc chiếm đoạt cô. Vết thương do bị cưỡng hiếp ấy sau này trở thành ổ ung thư giết chết Quy, khi cô chuẩn bị đón hạnh phúc muộn mằn... Một con người là nạn nhân của chiến tranh, nhưng cũng chính con người ấy là một tấm lòng cao cả đã gắn nối tình người, gắn kết tình đời do chiến tranh làm chia lìa.
Cấu trúc nền móng của nhân vật Quy là tình thương. Đi diệt thằng giám Tuân chiêu hồi, với Quy vừa là tình riêng (trả thù cho mình, cho gia đình) vừa là nhiệm vụ chung (tiêu diệt kẻ chỉ điểm cực kỳ nguy hiểm đối với cách mạng). Mỗi lần chuẩn bị lên đường, những hình ảnh theo dòng hồi ức hiện lên rõ mồn một, nức nở, đau đớn trong cô: Thằng giám Tuân đến nhà uy hiếp cha cô, không được nên nó cho nổ mìn. Anh trai (Dương) của Quy chết. Chị gái (Hảo) của cô quyết trả thù nhưng không thành, bị giám Tuân bắt, tra tấn dã man, cho xe kéo xé xác... Những kẻ như giám Tuân bị tiêu diệt là đích đáng. Thế nhưng, lần thứ nhất, Quy có cơ hội gặp đối tượng ngay trước cổng nhà hắn. Một phát đạn sẽ kết liễu tên phản bội. Nhưng Quy không bắn vì giám Tuân đang bế con... Lần thứ hai, Quy bắn, hắn chỉ bị thương. Để kẻ phản bội tiếp tục sống và nhậm chức Phó quận trưởng cảnh sát sẽ vô cùng nguy hiểm nên dù có phần mạo hiểm, cô đã bắn chết hắn tại trụ sở xã trưởng.
|
|
Bìa tiểu thuyết “Chim én bay”.
|
Ở thời đại toàn cầu hóa hôm nay, quan niệm văn học là một cuộc đối thoại càng trở nên phổ biến thì tiểu thuyết là thể loại đối thoại đúng nghĩa nhất. Đối thoại bằng cách kiến tạo một mô hình đời sống mới để người đọc đánh giá, luận bàn, đối chiếu. Đối thoại theo cả nghĩa đen, nghĩa là đưa vào tác phẩm những đoạn hội thoại làm bật toát ra hình bóng cả một thời đại, một lối sống, một nhân cách. “Chim én bay” có nhiều đoạn đối thoại như vậy:
- Tôi chỉ thấy kỳ kỳ khi đích thân chị tới xin học cho nó (con trai út của giám Tuân-PV).
- Cũng có vẻ kỳ kỳ thật nếu nghĩ theo cách nghĩ của anh. Tôi chỉ muốn bù đắp cho thằng nhỏ.
- Hình như chị ân hận vì đã giết chết cha nó?
- Anh không nên suy diễn như vậy. Tôi không nhìn nó dưới khía cạnh là con thằng ác ôn đáng giết một trăm lần, mà nhìn dưới khía cạnh của
mẹ nó”.
Đây là đoạn đối thoại giữa Quy và một lãnh đạo. Vị lãnh đạo thấy lạ lùng khi Quy đi xin học cho đứa con của kẻ đã giết gần như cả nhà cô. Điều ấy chứng tỏ xã hội thời đó vẫn chưa gạt bỏ hết thù hận hẹp hòi. Về phía Quy, câu nói: “Tôi chỉ muốn bù đắp cho thằng nhỏ”; “Tôi không nhìn nó dưới khía cạnh là con thằng ác ôn đáng giết một trăm lần, mà nhìn dưới khía cạnh của mẹ nó” không còn là câu nói thông thường, mà là câu nói của tình người, của tình mẫu tử. Mà trên đời này, có gì đáng quý hơn tình người? Có gì thiêng liêng hơn tình mẫu tử? Nhìn từ góc độ này, “Chim én bay” đậm đà tinh thần nhân bản.
Nhưng Quy cũng là con người. Thời trẻ, trong tình huống cô và Cường phải nằm chung hầm bí mật, một câu hỏi bật ra theo bản năng giới tính: “Liệu hòa bình chúng mình có còn sống với nhau không anh?”. Rất tinh tế, Cường nói tránh đi. Nhưng khi bị “hấp dẫn” bởi tiếng kêu làm tình “của bọn gái điếm” ở ngay trên đầu, không kìm nén được, Cường ôm choàng lấy cô. Chính lúc đó, Quy bỗng ghê tởm hành động của Cường và đẩy anh ra xa... Đó là những trang viết sâu sắc!
Đất nước thống nhất, người nữ du kích trở về từ Côn Đảo, được đi du học Liên Xô, được phong danh hiệu anh hùng, làm Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh. Nhưng chiến tranh đã khiến cô bị vô sinh. Niềm hy vọng về hạnh phúc tưởng chừng vỡ òa khi cô nhận được một bức thư tình. Đó là tình yêu của người đàn ông ở Trung đoàn Sao Vàng, từng sống và chiến đấu trên quê hương cô. Họ hẹn nhau... Tình yêu tiếp cho Quy thêm nghị lực, vượt lên nỗi cô đơn, thiệt thòi, góp phần xóa đi những khoảng cách do chiến tranh gây ra, để con người xích lại gần nhau, cùng chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Tiểu thuyết khép lại nhưng dư âm cứ vấn vương mãi ở người đọc về sự hòa giải dân tộc, cùng nhau hướng về tương lai tươi sáng, như lời bài hát “Em như chim câu trắng” (Trần Ngọc): “Em mong sao không có nước mắt rơi chia lìa/ Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất mỗi con người/ Như em đây là chim trắng, chim hòa bình/ Sống để yêu thương...”.
NGUYỄN THANH TÚ