Sự đánh đồng khiên cưỡng
Chúng tôi được mời đến dự cuộc họp mặt của một câu lạc bộ (CLB) hoạt động thiện nguyện ở TP Hồ Chí Minh. Một trong những nội dung CLB này hướng đến là vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm để thực hiện các chương trình tri ân, chăm lo gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng... có hoàn cảnh khó khăn. Tại cuộc họp mặt, một số người trong ban tổ chức chương trình có ý kiến đề xuất nên mở rộng đối tượng thụ hưởng các chương trình tri ân, gồm những gia đình có thân nhân là sĩ quan, binh sĩ của ngụy quân Sài Gòn, tử trận trước năm 1975. Những người này lấy lý do, đất nước đã thống nhất gần nửa thế kỷ, thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn “nhân văn”, “bình đẳng” đối với sự “hy sinh” của những người từng ở bên kia chiến tuyến. Họ lại cho rằng: “Đã là người Việt Nam thì cho dù ở bên nào, sự hy sinh xương máu cũng đều đáng trân trọng như nhau...”.
Vừa mới thốt ra, ý kiến này lập tức bị nhiều người khác phản đối. Thực hiện chủ trương, chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, các hoạt động thiện nguyện hướng đến chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội là rất quan trọng và cần thiết. Nhưng trong môi trường văn hóa tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, việc đánh đồng những đối tượng từng phục vụ cho chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn trước năm 1975 với các TBLS và những người có công với đất nước là rất khiên cưỡng, không thể chấp nhận. Ai cũng hiểu rõ, ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn là chính quyền tay sai do Mỹ dựng lên nhằm thực hiện âm mưu xâm lược, thôn tính miền Nam Việt Nam. Không thể coi những thành phần trong bộ máy chính quyền tay sai này là những người “có công” với đất nước, cũng không thể coi những sĩ quan, binh sĩ ngụy quân tử trận là “liệt sĩ”. Những tổ chức, cá nhân hoạt động thiện nguyện cần nhận thức rõ vấn đề này, tránh thực hiện những việc làm sai trái, tạo dư luận xấu trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc...
Câu chuyện trên đây là một dẫn chứng thể hiện sự nhận thức lệch lạc trong một bộ phận đời sống xã hội về công tác đền ơn đáp nghĩa. Điều này một phần xuất phát từ âm mưu, thủ đoạn “tẩy sử”, “lật sử”, với chiêu bài “đánh bùn sang ao”, “vàng thau lẫn lộn” của các thế lực thù địch. Những năm gần đây, cứ vào dịp toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện các chương trình, hoạt động tri ân TBLS và người có công với cách mạng, trên không gian mạng lại xuất hiện những thông tin trái chiều mang tư tưởng thù địch, phản động. Nhiều phương tiện truyền thông phát tiếng Việt, mang tư tưởng thù địch ở hải ngoại liên tục thực hiện các chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc cho cái gọi là “hòa hợp”, “bình đẳng” về chế độ, chính sách đối với những người từng làm việc cho chế độ cũ ở Sài Gòn trước năm 1975. Họ cố tình cắt ghép thông tin để cổ xúy cho các hành vi đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta phải có chế độ, chính sách đối với sĩ quan, binh sĩ ngụy quân tử trận. Họ rêu rao rằng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975 thực chất chỉ là cuộc “nội chiến” của người Việt giữa hai miền Nam-Bắc. Họ kêu gọi thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc, cố tình đánh tráo khái niệm, đánh đồng bản chất, coi những người lính ngụy quân tử trận đều là sự “hy sinh” cho Tổ quốc. Từ đó, họ đặt ra và rêu rao các yêu sách vô lý như vận động xây dựng nghĩa trang, tượng đài, bia tưởng niệm, đài Tổ quốc ghi công... dành cho những đối tượng này.
Đáng tiếc và đáng bàn là những luận điệu xuyên tạc, sai trái đó lại nhận được sự cổ xúy của một số người, trong đó có một số thành phần cá biệt trong giới trí thức, văn nghệ sĩ. Lấy danh nghĩa hoạt động từ thiện, một số tổ chức phi chính phủ có sự tham gia của một bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài và một số tổ chức tự nguyện, tự phát dưới dạng hội, nhóm, CLB thiện nguyện, đã có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc. Trên các nền tảng mạng xã hội, họ bày tỏ ý kiến cho rằng, sự “hy sinh” nào cũng là mất mát, thương đau; người lính nào cũng đều là con của người mẹ Việt Nam. Để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn nhân ái, đối xử bình đẳng với những người lính ở bên kia chiến tuyến...
Thống nhất nhận thức và hành động
Cần phải khẳng định ngay, với chủ trương xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không có sự phân biệt đối xử với bất cứ thành phần nào trong xã hội. Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Ngoài lợi ích của quốc gia, dân tộc và toàn dân, Đảng không có bất cứ lợi ích nào khác. Chính vì vậy, trong thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là các phong trào, chương trình hành động hướng đến chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội, mọi tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp đều nhất quán phương châm, nỗ lực thực hiện bảo đảm không để ai bị bỏ lại phía sau. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân... Cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, những năm qua, việc thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội đã được triển khai rộng khắp, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng cao, đặc biệt là các chương trình hướng đến chăm lo cho người nghèo, người yếu thế...
Trong các hoạt động thiện nguyện, cần phân biệt rõ việc bảo đảm an sinh xã hội với thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đối với TBLS và người có công với cách mạng. Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là sự tôn vinh, tri ân, đãi ngộ của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những cống hiến, hy sinh của TBLS, người có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chính vì vậy, các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động tri ân, chăm lo người có công, cần xác định rõ đối tượng thụ hưởng để có các hình thức tổ chức phù hợp với quy định của luật pháp, truyền thống văn hóa và đạo lý của dân tộc. Việc đánh tráo, đánh đồng đối tượng như đã nêu trên không chỉ đi ngược với nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn có tội với lịch sử, với cha ông. Về bản chất sâu xa, sự đánh đồng này là thủ đoạn nhằm “tẩy sử”, “lật sử” của các thế lực thù địch và đối tượng phản động nhằm phủ nhận thành quả cách mạng và giá trị của độc lập dân tộc mà các thế hệ cha anh đã đổ bao nhiêu xương máu mới lập nên.
Hòa hợp dân tộc là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Chủ trương này không phải đến giai đoạn hiện nay mới coi trọng, mà ngay từ ngày đầu đất nước thống nhất, chúng ta đã nhất quán, nỗ lực triển khai thực hiện nhằm phát huy sức mạnh của cả dân tộc, chung tay xây dựng, kiến thiết đất nước. Lợi dụng chủ trương, chính sách hòa hợp dân tộc và môi trường thông thoáng, thuận lợi trong các hoạt động xã hội, không ít đối tượng cực đoan chính trị, có tư tưởng thù địch trong nước và ở nước ngoài đã có những hành động tuyên truyền, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia các hoạt động núp bóng từ thiện để thực hiện mưu đồ chính trị. Chúng ta cần tỉnh táo, sáng suốt nhận diện, không cổ xúy, tiếp tay cho việc làm sai trái, đồng thời kiên quyết đấu tranh, chấn chỉnh, loại bỏ những hành vi trái đạo lý, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang triển khai các phong trào, chương trình hành động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2025) và 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025). Các phong trào, nghĩa cử tri ân TBLS, người có công với cách mạng tiếp tục được triển khai sâu rộng, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Trong môi trường đó, chúng ta trân quý và đón nhận tất cả những đóng góp về vật chất, tinh thần của mọi tổ chức, cá nhân bằng cái tâm trong sáng và thái độ tri ân theo đạo lý dân tộc. Bên cạnh đó, mỗi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động thiện nguyện, cần thống nhất nhận thức và hành động, nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, giật dây. Môi trường văn hóa tri ân, “Đền ơn đáp nghĩa” không thể chấp nhận kiểu “đánh bùn sang ao”, “vàng thau lẫn lộn”...
PHAN NGUYỄN