Gọi là vách đá Thần vì trên vách đá cao chừng hơn chục mét có một tấm bia khắc chữ “Thần”. Dân làng quanh vùng đào cổ thường thì thầm với nhau rằng bia đá rất thiêng, nhưng trong làng, những cụ già thông thạo Hán văn đều lắc đầu phủ nhận. Theo các cụ, tấm bia trên vách đá đó chính là cột mốc đánh dấu một chặng đường hành binh Nam tiến của quân đội Đại Việt thuở “mang gươm đi mở cõi”.

Trong sách “Nam Ông mộng lục”, Hồ Nguyên Trừng đã kể về chuyện này rằng: Đời Tống Nhân Tông, nhà Lý nước An Nam đem binh thuyền đi đánh dẹp Chiêm Thành. Tới cửa Thần Đầu thì bỗng có sóng gió nổi lên liên tục mấy ngày liền, không sao qua được. Hoàng đế nghe tin ở dãy núi gần đấy có vị đạo sĩ tu luyện một mình trong am, bèn cho mời tới để giúp việc cầu khẩn. Đạo sĩ tới và nói rằng: “Đã có sức mạnh của phúc đức thì thần cam đoan rằng tất cả chẳng đáng phải lo. Ngày mai xin cứ việc lên đường, chớ ngại gì cả”. Nửa đêm hôm đó, trời bỗng ngưng nổi gió. Sáng sớm, khi quân vừa ra biển, trông xa vẫn thấy sóng cao như núi, nhưng binh thuyền tới đâu thì sóng yên tới đó. Bấy giờ lại còn thoáng thấy bóng đạo sĩ bước đi trên mặt nước, khi ở phía trước, lúc lại đàng sau, rõ ràng mà không sao gần tới được.

Ngày trở về, tới cửa Thần Đầu, đạo sĩ ra để nghênh tiếp, Hoàng đế vui mừng cho úy lạo, đạo sĩ nói: “Thần biết Hoàng đế có phúc lớn, chẳng có gì phải lo, tất cả là nhờ thần linh giúp đỡ chứ chẳng phải là do hạ thần”. Hoàng đế lấy làm lạ, liền phong cho đạo hiệu là Áp Lãng Chân Nhân, ban thưởng cho đạo sĩ nhiều vàng và lụa, nhưng đạo sĩ không nhận. Sau đó, đạo sĩ vào núi mà không rõ đi đâu. Hoàng đế hỏi người trong làng thì họ đều nói: “Từ dạo ấy, đạo sĩ đi hái lá làm thuốc, không thấy trở về am”. Đạo sĩ người họ La, còn tên thì chưa rõ, chỉ gọi theo đạo hiệu ngắn gọn là Áp Lãng Chân Nhân (nghĩa là “vị chân nhân đè được sóng”). Đạo sĩ từ hồi còn trẻ đã rời bỏ vợ con để đi học đạo. Trong số các con cháu của đạo sĩ, có La Tu đỗ Tiến sĩ, làm quan thời Trần Nghệ Tông, được phong tới chức Thẩm Hình viện sứ.

Vậy là chữ “Thần” trên vách đá nói trên xuất hiện sau chiến dịch chinh phạt Chiêm Thành của vua Lý Thái Tông vào năm 1044. Có người cho rằng, chữ “Thần” do đạo sĩ họ La-Áp Lãng Chân Nhân-tạc vào. Giả thuyết đó lập tức bị phủ nhận từ hai lập luận. Một là, tấm bia đó một người không thể làm được, nhất là khi tấm bia hiện tại cách mặt nước sông tới hơn chục mét, không cho phép thi công trong điều kiện hạn chế về kỹ thuật xây dựng và kiến trúc thời đại đó. Hai là, các ẩn sĩ theo đạo Lão Trang đều sống theo đạo lý vô vi, tức là theo nguyên tắc sống bất động, không can thiệp vào tự nhiên, vì vậy không bao giờ có ý nghĩ đục đá, “khai sơn phá thạch”.

leftcenterrightdel
 Vùng biển Thần Phù ngày nay. Ảnh: BÍCH ĐẶNG

Chữ “Thần” trên vách đá hiện tại cao tới hơn chục mét tính từ mặt nước sông. Liệu có phải Lý Thái Tông đã cho lính treo mình lên vách đá mà khắc bia? Vấn đề đặt ra nữa là có cần phải lao động nặng nhọc đến thế không? Đặt câu hỏi đó, các nhà địa chất rất dễ mỉm cười, vì đó không phải là một bí ẩn về mặt công nghệ kiến trúc. Vào thế kỷ 11, vùng đất này còn là vùng biển sóng dữ, nước ngập mênh mang. Mấy nghìn năm sóng vỗ dập dờn còn để lại những hang hốc, ngấn biển trên vách đá hiện tại. Đục đá, khắc chữ vào vách núi lúc đó chắc chắn không cần phải treo mình hay dựng giàn giáo như ta hình dung, mà chỉ cần đứng trên thuyền, với tay lên là đục được.

Vùng biển tâm linh này được đặt tên là cửa biển Thần Phù, gắn liền với câu ca dao nổi tiếng: “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm”.

Câu lục bát trên đã trở thành một mã văn hóa cần được giải cấu trúc. Lâu nay, phần lớn các nhà nghiên cứu chỉ dừng lại ở cách hiểu “tu” là tu nhân tích đức. Người có đức khắc có sự giúp sức của thần linh, giống như Lý Thái Tông có đức nên thuyền chiến của người mới vượt qua sóng dữ. Nhưng thật ra câu ca còn hàm chứa một nghĩa rất thực chứng. Sự chìm-nổi trong câu ca không hẳn là chìm-nổi của con thuyền, mà còn là chìm-nổi của cơ thể con người khi đi trên mặt nước. Vùng Thần Phù thời hậu Bắc thuộc (với các triều đại Ngô-Đinh-Lý) vốn có tục tu tiên, trong đó có thuật tu phù thủy, luyện cho cơ thể thoát tục, không trọng lượng để có thể đi trên mặt nước nhẹ nhàng như giẫm lên mảnh chiếu. Đạo sĩ họ La với hình ảnh thoắt biến thoắt hiện trước-sau đoàn thuyền thủy chiến của vua Lý Thái Tông được kể trong “Nam Ông mộng lục” chỉ là đạo sĩ giỏi nhất trong số những đạo sĩ “khéo tu” đã đắc đạo.

Thêm nữa, cửa biển Thần Phù là tên gọi xuất hiện mãi sau này, khi vùng biển Nga Sơn-Yên Mô (Ninh Bình) đã trở thành yết hầu giao thông xuyên Việt, một “nút” giao thông cản trở cuộc hành binh của vua Lý Thái Tông. Bởi vì dòng kênh nhà Lê được đào từ vùng Cố đô Hoa Lư xuyên về châu Ái-châu Hoan đến đó là phải tạm dừng. Áp Lãng Chân Nhân là đạo sĩ đã có công giải tỏa, dẫn đoàn thuyền của nhà Lý vượt qua vùng biển dữ. Từ chối ban thưởng công trị sóng dữ, đạo sĩ họ La trả lời nhà vua rằng: “Thần biết Hoàng đế có phúc lớn, chẳng có gì phải lo, tất cả là nhờ thần linh giúp đỡ chứ chẳng phải là do hạ thần”. Câu nói đó không chỉ chứng tỏ đức khiêm nhường của một bề tôi mà còn chứng tỏ ý thức Nho giáo của đạo sĩ với nguyên tắc “tam cương”.

leftcenterrightdel

Vùng cửa biển Thần Phù ngày nay. Ảnh: BÍCH ĐẶNG 

Sang triều đại Hậu Lê, vùng cửa biển Thần Phù vẫn là một không gian văn hóa Đạo giáo. Tục tu tiên, ở ẩn vẫn in đậm dấu vết trong cổ tích truyền kỳ về hang Từ Thức và truyện Từ Thức lên tiên, về trần rồi biến mất. Mô típ ẩn sĩ và các hiền nhân biến mất không có nghĩa là mất tích, là cái chết, mà là một biểu tượng cho sự hòa mình và trở về với thiên nhiên vạn đại. Ngay trên vùng cửa biển Thần Phù vẫn còn nhô lên dãy núi Mai An Tiêm với giai thoại cổ tích vị con nuôi Vua Hùng bị đày ra hoang đảo và sau đó tìm được giống dưa hấu đỏ.

Trong bài thơ “Thần Phù hải khẩu”, cảm khái về số phận cá nhân trong cõi vô thường, Nguyễn Trãi đã mô tả quang cảnh Thần Phù: Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên/ Thu phong nhất diệp hải môn thuyền/ Kình phun lãng hống lôi Nam Bắc/ Sóc ủng sơn liên ngọc hậu tiền. Dịch nghĩa là: Theo cánh nhạn hướng lòng về quê cũ/ Chiếc thuyền ở cửa biển như chiếc lá trước gió/ Sóng tung như kình phun, sấm gầm ở Nam Bắc/ Núi liền như giáo dựng, ngọc bày cả trước cả sau. Nguyễn Trãi còn có 3 bài thơ khác về Thần Phù. Các bài thơ đó đều khắc họa quang cảnh Thần Phù như một miền biển hoang sơ, kỳ bí nhưng quyến rũ đối với các ẩn sĩ và những bậc chân Nho đã từ bỏ chốn quan trường. Tương truyền chính nhà Nho Nguyễn Dữ đã về đây viết và hoàn thành tác phẩm “Truyền kỳ mạn lục”.

Sang thế kỷ 15, Lê Thánh Tông cử quan Thái phó Lê Niệm đi trị thủy Thần Phù. Một hệ thống đê chắn sóng và ngăn mặn mang tên Hồng Đức được xây dựng, nắn các dòng phù sa bồi đắp, tạo dựng nhiều vùng đất màu cùng những ngôi làng mới. Biển mỗi năm bị đẩy lùi ra xa. Đến cuối thế kỷ 20, chỉ những đêm lặng gió, người vùng Thần Phù mới nghe thấy tiếng sóng biển rì rầm.

Vào những thập niên đầu của thế kỷ 21 này, các tour du lịch Ninh Bình thường được kéo dài từ Bích Động-Tràng An về phương Nam, tới vùng cửa biển Thần Phù. Du khách trong và ngoài nước có thể dễ dàng viếng thăm hai ngôi đền thờ Áp Lãng Chân Nhân ở hai bờ kênh nhà Lê xưa và ghé thuyền đến vách đá Thần. Tấm bia Thần nghìn năm qua vẫn lặng lẽ soi bóng xuống dòng sông, lặng lẽ thực hiện chức năng lịch sử của một di tích thời ông cha ta “mang gươm đi mở cõi”.

PGS, TS PHẠM THÀNH HƯNG