Liên văn hóa trong một nền văn hóa chính là quan hệ chiều dọc truyền thống-hiện đại. Cảm hứng đạo lý và ý thức tự chủ về nền độc lập từ “Nam quốc sơn hà” (Sông núi nước Nam) của Lý Thường Kiệt được Nguyễn Trãi kế thừa, cụ thể hóa và phát triển thành tư tưởng nhân nghĩa: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo và tư tưởng độc lập dân tộc: Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu... Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu, phát triển và nâng cao thành tư tưởng tỏa sáng ở thời đại mới. Văn bản của Bác mở rộng ý nghĩa hơn nhiều, không chỉ là “Tuyên ngôn Độc lập” của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc nói chung. Nhờ ý nghĩa phổ quát rộng rãi này mà “Tuyên ngôn Độc lập” mang giá trị toàn nhân loại. “Tuyên ngôn Độc lập” rất chú ý tới liên văn hóa về thời gian lịch sử, vì thế các thời điểm luôn được nhấn mạnh mang tính xâu chuỗi, kết nối các sự kiện nổi bật như là những bằng chứng lịch sử.

Điểm nổi bật, đặc sắc của “Tuyên ngôn Độc lập” chính là sự kết tinh ánh sáng tư tưởng về quyền được sống, quyền tự do, hạnh phúc đã được khẳng định trên thế giới.

Một là ánh sáng của Chủ nghĩa Tam dân. Bác Hồ từng khẳng định: “Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Tòa tháp Chủ nghĩa Tam dân có 3 trụ cột chính với chủ nghĩa dân tộc (dân tộc độc lập), chủ nghĩa dân quyền (dân quyền tự do) và chủ nghĩa dân sinh (dân sinh hạnh phúc). Xét về bản chất, Chủ nghĩa Tam dân, theo lời của chính lãnh tụ Tôn Dật Tiên là “chủ nghĩa cứu nước” nên rất chú trọng đến vấn đề “dân sinh” (với 3 phương diện: Sinh tồn, sinh kế, sinh mệnh) và “dân quyền” (với 4 quyền cơ bản: Tuyển cử, bãi miễn, sáng chế, phúc quyết). Như vậy, Chủ nghĩa Tam dân có những hạt nhân rất tích cực và đi vào “Tuyên ngôn Độc lập” như là sự đương nhiên, tự nhiên vì chung mục đích cứu nước, đòi độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân, đưa Việt Nam bình đẳng với các nước lớn.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn Độc lập" tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Hai là lấy điểm tựa công lý từ “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ. Mở đầu “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh trích dẫn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ do Thomas Jefferson soạn thảo và được công bố ngày 4-7-1776, rằng: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Linh hồn của bản tuyên ngôn này chính là chữ “quyền” mà tác giả Hồ Chí Minh đã rất chú ý nhấn mạnh trong 2 câu văn (dịch) nhưng có tới 6 chữ “quyền”.

Ba là ngọn lửa nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp, “Tuyên ngôn Độc lập” trích một câu từ “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” nổi tiếng năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Các chữ: “Tự do”, “bình đẳng”, “quyền lợi” được nhấn mạnh chính là linh hồn của bản tuyên ngôn này. Như vậy, điểm tựa đạo lý đã trở thành vũ khí pháp lý: Nước Mỹ và nước Pháp đã đặt vấn đề và mở ra kỷ nguyên mới cho loài người, quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của con người. Từ bình diện con người ở hai bản tuyên ngôn này, Bác Hồ nâng lên ở bình diện mới: Quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của các dân tộc. Hàm ý bật ra từ “liên văn hóa” Mỹ-Pháp-Việt Nam: Chúng tôi làm đúng theo tuyên ngôn của các người. Các người hãy công nhận chúng tôi. Xa hơn là: Các người đã tuyên bố thế thì hãy làm theo tuyên bố của mình! 

Bốn là, liên văn hóa không gian đương đại. Người dựa vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại Hội nghị Tehran và Hội nghị Cựu Kim Sơn (hay còn gọi là Hội nghị San Francisco) để ràng buộc cả thế giới vào sự công nhận Việt Nam độc lập là một “liên văn hóa” theo chiều rộng không gian: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Tehran và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Nếu ở trên là sự ràng buộc với Mỹ, Pháp thì đến đây là ràng buộc với đồng minh. Hội nghị Tehran ở Iran là hội nghị cấp cao họp từ ngày 28-11 đến 1-12-1943 với sự có mặt của nhà lãnh đạo Liên Xô J.Stalin, Tổng thống Mỹ F.Roosevelt và Thủ tướng Anh W.Churchill. Hội nghị đã củng cố khối đoàn kết của các nước đồng minh trong đấu tranh chống phát xít. Cũng tại đây, thời điểm ấy, Liên Xô đã tuyên bố tham gia chống quân phiệt Nhật sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu.

Hội nghị Cựu Kim Sơn ở San Francisco, Mỹ họp từ ngày 25-4 đến 26-6-1945, gồm đại biểu của 50 nước, đã thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc. Hiến chương nêu bật mục đích của Liên hợp quốc là giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế, giải quyết những vấn đề tranh chấp và xung đột bằng biện pháp hòa bình, củng cố, giữ gìn, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng các quyền bình đẳng và tự quyết dân tộc, tăng cường hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực. Hiến chương Liên hợp quốc là cơ sở chính trị, pháp lý rất cơ bản và quan trọng, là một điểm tựa cho sự bảo đảm chủ quyền đối với các quốc gia, dân tộc mới giành độc lập. Nó có ý nghĩa sâu sắc, mang tính phổ quát rộng rãi cho mọi dân tộc, mọi cộng đồng. Hiểu chủ đề cơ bản của hai hội nghị này càng thấy sự ràng buộc các nước lớn (Hội nghị Tehran), ràng buộc cả thế giới (Hội nghị Cựu Kim Sơn) phải công nhận nền độc lập của Việt Nam như là một sự đương nhiên vậy!

Được đặt dưới thấu kính văn hóa kết tinh ánh sáng các đỉnh cao tư tưởng ấy nên “Tuyên ngôn Độc lập” như ngọn lửa bùng cháy tỏa sáng mạnh mẽ, có sức lan tỏa lớn. Nhờ hội tụ các liên văn hóa nên về mặt cấu trúc tổng thể chúng ta cũng thấy sự chặt chẽ mang tính thuyết phục lớn: Từ điểm tựa đạo lý (về nhân quyền, dân quyền, về lẽ phải bảo vệ giang sơn, đất nước). Cái lõi của điểm tựa đạo lý này chính là chữ “quyền” được tác giả nhắc lại 13 lần, đến sự thật chân lý (Pháp lợi dụng lá cờ tự do đến cướp nước ta)... Tác giả như chôn đứng kẻ thù trong một chữ “chúng” được nhấn mạnh nhiều lần trong những câu văn ngắn xuống dòng nhiều lần để liệt kê kể tội: “Chúng lập ra nhà tù... Chúng thẳng tay chém giết... Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa...”, để nêu bật một công lý (ta có quyền hưởng tự do, độc lập và quyết giữ vững tự do, độc lập. Các chữ ta, nước ta, dân ta, đồng bào ta, công nhân ta được nhấn mạnh để cần được thừa nhận, khẳng định như là một “đối trọng” một trời một vực với “chúng”-tức Pháp).

Phần cuối “Tuyên ngôn Độc lập” mang tính khẳng định, khái quát nên ý tứ cũng dồn về một chữ “quyền”: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Như vậy, Hồ Chí Minh là người tô đậm thêm chữ “quyền” trong lịch sử văn hóa nhân loại để mở ra trang mới cho các dân tộc thuộc địa là đòi quyền (tự do, độc lập) và quyết giữ cái quyền ấy. “Tuyên ngôn Độc lập” của Bác Hồ lại tỏa ánh sáng liên văn hóa đến các vùng văn hóa khác!

Đến đây, ta thấy Bác Hồ đặt tên bản tuyên ngôn nước Việt Nam giống như bản tuyên ngôn của nước Mỹ là hoàn toàn có chủ ý: Cảm ơn nhân dân Mỹ đã khởi đầu, đã làm tấm gương cho các dân tộc trên thế giới đòi quyền độc lập-quyền thiêng liêng nhất của mỗi con người, mỗi dân tộc. Chúng tôi là một trong số đó, nhiều dân tộc khác sẽ học tập chúng tôi để có những tuyên ngôn độc lập của riêng họ!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ