Tham quan Nhà truyền thống Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 470 (Công ty 470), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, chúng tôi được Đại tá Ngô Thúc Huỳnh, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 470, giới thiệu: “Công ty 470 được kế thừa truyền thống Sư đoàn 470, Bộ tư lệnh Trường Sơn, thành lập ngày 15-4-1970, tại vùng rừng núi tỉnh Attapeu (Lào). Nhiệm vụ của Sư đoàn là đánh địch, mở đường, bảo đảm giao thông và vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, Mặt trận Tây Nguyên và làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Campuchia.

Làm nhiệm vụ ở tuyến cuối Đường Trường Sơn, Sư đoàn thường xuyên bị địch tập trung đánh phá, ngăn chặn tuyến chi viện của ta. Song, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn luôn nỗ lực, vượt qua gian khổ, hy sinh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nổi bật nhất là cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã bảo đảm đường cơ động, đường vận chuyển, đánh địch, tổ chức vận chuyển bộ đội, vũ khí, đạn dược, vật chất hậu cần chi viện cho các chiến trường, trong đó có việc mở bến phà, làm cầu nổi, ngầm vượt sông Sê-rê-pốk, đoạn qua địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk hiện nay”.

Bến phà, bến ngầm vượt sông Sê-rê-pốk thuộc hệ thống Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, được công nhận theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Khi về làm việc ở Công ty 470, chúng tôi đã có dịp gặp các nhân chứng lịch sử từng công tác tại Sư đoàn 470 từ những ngày đầu thành lập, trong đó Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá, nguyên Giám đốc Công ty 470, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 4 (Sư đoàn 470), là người trực tiếp chỉ huy tổ chức thi công bến vượt sông, làm cầu nổi và ngầm vượt sông Sê-rê-pốk.

Đại tá Lê Xuân Bá kể: “Tháng 10-1972, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Công binh 4, được giao nhiệm vụ mở đường, bảo đảm giao thông vào Nam Tây Nguyên, từ Đường số 19 vượt qua các sông suối ở Ia Đrăng, đèo Phượng Hoàng, suối Ia Mơ, Ia Lốp, Ea H’Leo, Đá Bằng, sông Sê-rê-pốk. Tôi trực tiếp cùng tiểu đội đi khảo sát, với tấm bản đồ trong tay, đi đến đâu vạch tuyến đến đó. Quãng đường dài hơn 100km, qua phía Nam sông Sê-rê-pốk phải đổi hướng tuyến, vì đi thẳng gặp địch đồn trú ở Đức Lập. Do đó, chúng tôi phải mở tuyến vượt suối Đắk Đam sang đất bạn để đi về hướng Lộc Ninh. Để bảo đảm vượt sông Sê-rê-pốk, chúng tôi tính toán làm ngầm cho xe tăng, xe bọc thép đi qua và mở bến, làm phà, cầu nổi cho xe pháo vượt qua.

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng Lao động Lê Xuân Bá (giữa) giới thiệu sa bàn vị trí đóng quân của Sư đoàn 470 trên địa bàn Tây Nguyên. Ảnh: THÁI OANH 

Theo chỉ đạo của Bộ tư lệnh Trường Sơn, chúng tôi mở đường tiêu chuẩn, mặt đường cấp phối rộng 6m, bán kính hơn 15m, độ dốc dưới 10%, bảo đảm xe hành trình 70km/giờ. Đơn vị chúng tôi được trang bị xe máy, máy ủi, san gạt, xe ben, xe lu... Đường và bến mở rồi, cần phải làm phương tiện vượt sông. Chúng tôi làm cầu nổi bằng vật liệu sẵn có tại địa bàn, chọn các loại gỗ có đường kính từ 0,7 đến 1m, chiều dài hơn 15m làm đà giáo. Ván gỗ chúng tôi xẻ đến đâu, ghép đến đó. Khó khăn nhất là không có đinh ghép ván. Tôi nảy ra sáng kiến dùng cột dây thép gai đưa về rèn đinh ghép ván. Chúng tôi lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có tay nghề tốt, xuất thân từ các làng nghề ở Nam Định, Hà Nam, Nghệ An... để xẻ gỗ, rèn đinh, bu-lông và các dụng cụ cần thiết để ghép cầu nổi. Khi ghép được cầu nổi và thuyền làm phà rồi, khó khăn với chúng tôi là làm sao để trát kín các mạch gỗ ghép. Sống gần đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên và Lào, tôi thấy đồng bào dùng nhựa cây cà bong để trát kín tường nhà. Vậy là tôi cử các chiến sĩ đi tìm cây cà bong, chặt về, đục thành lỗ rồi đốt cháy lỗ đã đục. Khoảng một tuần, dầu trong cây cà bong chảy ra đầy lỗ, chúng tôi gom về trộn với sợi bao tải đem nêm chắc vào mạch ván. Nhờ đó, nước không vào được thuyền, phà.

Do yêu cầu nhiệm vụ, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, lưu lượng vận chuyển tăng và số lượng phương tiện sử dụng nhiều, tôi tổ chức cho đơn vị cải tạo bến vượt sông Sê-rê-pốk, làm cầu nổi qua sông rộng hơn 100m, xe pháo lưu thông ngày đêm qua cầu nổi. Vinh dự với chúng tôi là được phục vụ các đoàn công tác của Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào chỉ đạo chiến dịch; Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Định đi công tác ở Cuba về nước, trở lại miền Nam qua Đường Hồ Chí Minh và các đồng chí: Tố Hữu, Đinh Đức Thiện, cùng nhiều đoàn cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội vào chiến trường, chỉ huy các chiến dịch, chiến trường miền Nam... Nhờ có hệ thống bến phà, cầu nổi và ngầm qua sông Sê-rê-pốk, chỉ trong những tháng mùa khô các năm 1973-1974, Sư đoàn 470 đã vận chuyển chi viện cho chiến trường Nam Bộ tăng gấp 193 lần; cho Mặt trận Tây Nguyên tăng 236,5 lần. Cũng từ đây, tuyến đường chi viện chiến lược Đông Trường Sơn tiếp tục được mở sâu vào các địa bàn Nam Tây Nguyên”.

Cuối năm 1974, Trung đoàn Công binh 4 tổ chức cải tạo, tôn ngầm qua sông Sê-rê-pốk, làm cho ngầm bằng phẳng, xe tăng, xe bọc thép vượt qua sông dễ dàng. Nhờ có cầu nổi, ngầm vượt sông Sê-rê-pốk do Trung đoàn Công binh 4 thi công, cuối năm 1974, đầu năm 1975, Sư đoàn 470 và các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, đạn dược, vật chất hậu cần phục vụ Chiến dịch Tây Nguyên; thần tốc vượt sông đưa xe tăng, pháo, xe cơ giới cùng bộ đội các quân đoàn, sư đoàn vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cũng vào đầu năm 1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn thành lập Trung đoàn Công binh 575 (nay là Lữ đoàn Công binh 575, Quân khu 1), trực thuộc Sư đoàn 470. Trung đoàn Công binh 4 đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với Trung đoàn Công binh 575 cùng các đơn vị bạn, bảo đảm cơ động phương tiện và bộ đội vượt sông, bảo đảm đường cơ động và công trình, công sự hỏa lực cho trận đánh then chốt Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên. Việc bí mật, thần tốc mở đường và sáng tạo bảo đảm công binh cho Chiến dịch Tây Nguyên đã góp phần làm nên thắng lợi của đòn quyết định Buôn Ma Thuột, tạo thế và lực, thời cơ Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Đại tá Lê Xuân Bá nhớ lại: “Tháng 11-2013, tôi cùng đoàn công tác của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đi khảo sát lại khu vực bến phà vượt sông Sê-rê-pốk để xây dựng luận cứ, đề nghị công nhận di tích lịch sử quốc gia và tôn tạo, phục vụ phát triển du lịch truyền thống. Ngồi trên xe đi lại con đường Trường Sơn năm xưa, lòng tôi bồi hồi, miên man suy nghĩ. Bây giờ rừng núi, sông suối, bến bãi đã thay đổi do tác động của con người và thiên nhiên khắc nghiệt. Nhưng khi đến gần khu vực bến, tôi vẫn nhận ra con đường rộng 6m. Rồi xuống bến vượt sông Sê-rê-pốk, còn lại cái cọc bằng gỗ rừng-gỗ cây cà chít để làm mố cầu. Cái cọc gỗ còn lại này chỉ cao hơn mặt đất 20cm, rêu bám xanh xung quanh. Nhìn bến và dấu tích con đường, tôi nhớ về một thời khói lửa, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ đường, bảo vệ bến phà và những chuyến xe qua sông Sê-rê-pốk... Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bến phà vượt sông Sê-rê-pốk đã hứng chịu nhiều bom đạn đánh phá của địch, góp phần lập những chiến công trong các chiến dịch lớn. Từ bến sông này, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ lại qua sông chiến đấu bảo vệ biên giới và vào giải phóng đất nước Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary. Cách mép nước khoảng 200m từ bến là tấm biển chỉ dẫn vành đai biên giới viết bằng hai thứ tiếng Việt và Campuchia. Tại đây được xây một Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, anh linh của cán bộ, chiến sĩ Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh. Đài tưởng niệm thường xuyên được chăm sóc, hương khói bởi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 743, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk...”.

Sau ngày giải phóng miền Nam, Sư đoàn 470 tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Khi chuyển đổi thành Công ty 470, cán bộ, công nhân Công ty vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, xây dựng các công trình thủy điện trên sông Sê-rê-pốk và các dòng sông ở Đắk Lắk; xây dựng các công trình thủy lợi, dân dụng, đường giao thông và các công trình phòng thủ. “Những kinh nghiệm mở đường, vượt sông, bảo đảm giao thông đã được vận dụng trong xây dựng các công trình của Công ty 470 sau này. Nhưng trước hết đó là sự tri ân các thế hệ đi trước, những người lính Trường Sơn đã làm nên Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, con đường của ý chí và khát vọng thống nhất đất nước. Tinh thần và ý chí Trường Sơn đang được phát huy và luôn hiện thực trong cán bộ, công nhân, nhân viên Công ty 470 hôm nay”, Đại tá Ngô Thúc Huỳnh khẳng định. 

XUÂN GIANG