Đam mê công nghệ dựng và phục chế ảnh
Sinh năm 1996, sau khi tốt nghiệp THPT, Phùng Quang Trung (quê ở Sóc Sơn, Hà Nội; hiện trú tại đường Vũ Khâm Lân, phường Tân Hưng, TP Hải Phòng) gắn bó với nghề marketing chuyên chụp ảnh và dựng video. Phùng Quang Trung vẫn nhớ chuyện về bức ảnh đầu tiên anh phục chế. Đó là những ngày trong đại dịch Covid-19 năm 2021, sau khi kết thúc ngày làm việc, Trung lên mạng xã hội và đọc được thông tin về những gia đình mất người thân không kịp có tấm ảnh chung. Quang Trung đã liên hệ và nhận làm hoàn toàn miễn phí giúp những gia đình mất người thân “đoàn viên” bằng cách ghép hình ảnh của người đã mất vào tấm ảnh chung. Sau đó, anh tiếp tục làm thêm ảnh thờ tặng những gia đình mất người thân trong đại dịch.
Việc làm của anh đã gây hiệu ứng xã hội rất tốt, được lan tỏa trên các nền tảng Facebook, TikTok... Rồi một ngày, có một người đàn ông liên lạc với Trung, nói về mong muốn làm tấm ảnh thờ từ bức ảnh của người bác đã hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên. Tấm ảnh đã mờ nhòe theo thời gian và bị mất một phần hình ảnh. Sau nhiều đêm miệt mài bên máy tính cùng những thông tin do người đàn ông cung cấp, bức ảnh của liệt sĩ đã được Quang Trung hoàn thiện. Ngày đến nơi Trung làm việc để nhận lại tấm ảnh bác mình đã được phục chế, người đàn ông bật khóc bởi như cảm thấy người thân của mình trở về. Những giọt nước mắt ấy là động lực để Quang Trung tập hợp những người bạn có chung tâm huyết thành lập nên nhóm Skyline.
    |
 |
Một tác phẩm do Phùng Quang Trung và nhóm Skyline phục dựng. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Từ năm 2021 đến nay, nhóm của Phùng Quang Trung đã phục chế được gần 7.000 bức ảnh liệt sĩ. “So với số anh hùng liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến của dân tộc thì con số này không nhiều, nhưng so với 4 năm làm việc miệt mài của hơn 10 thành viên nhóm Skyline thì đó cũng là sự nỗ lực rất lớn. Công việc khiến chúng tôi thường phải làm vào ban đêm, có những lúc hoàn thành một bức chân dung thì trời cũng vừa hửng sáng, có những ngày làm liên tục 18 giờ đồng hồ. Công việc cứ cuốn đi, đam mê đến quên mệt mỏi. Có cả những nuối tiếc khôn nguôi khi không thể hoàn thành công việc trước khi người thân của các liệt sĩ qua đời. Cả nhóm lại tự nhủ cần phải cố gắng, quyết tâm nhiều hơn nữa để không còn những tiếc nuối, giá như... Và mỗi bức ảnh được hoàn thiện lại là động lực để chúng tôi miệt mài với những dự án tiếp theo”, Phùng Quang Trung bộc bạch.
Nhân lên những yêu thương
Trong lúc trò chuyện với tôi, nhiều lần Phùng Quang Trung cố kìm lại để giấu đi sự xúc động. Với anh, mỗi bức ảnh được phục chế lại chứa đựng một câu chuyện, thông điệp đáng nhớ. Mỗi lần liệt sĩ được “về nhà” là một lần hạnh phúc được lan tỏa, sẻ chia. Đặc biệt, với những người vợ, người mẹ liệt sĩ giờ chỉ như ngọn đèn trước gió, khi được “đón” chồng, con “trở về” là một hạnh phúc, một niềm an ủi lớn. Điều đọng lại trong Quang Trung và các cộng sự chính là cảm xúc nghẹn ngào của gia đình khi được thấy hình ảnh con em mình như trước ngày đi chiến đấu. Nhiều người mẹ không còn nhận ra ai, thậm chí quên cả tên những người sống bên cạnh, nhưng khi nhìn tấm ảnh người con đã hy sinh vì Tổ quốc thì bỗng gọi tên và nhớ cả ngày sinh, ngày mất của con. Và có cả những điều kỳ diệu mà Phùng Quang Trung gọi là “Nguồn sống” khi đặt tên cho bức ảnh trong câu chuyện về một bà mẹ liệt sĩ ở Bắc Giang, tháng 10-2024.
Sau chuyến công tác dài ngày, về đến nhà, Trung nhận được một cuộc gọi. Đầu dây bên kia, người đàn ông xưng là cháu của một người mẹ liệt sĩ gần 100 tuổi đang ốm nặng, khẩn thiết đề nghị anh giúp đỡ để mẹ có một bức ảnh chung với người con trai đã hy sinh. Mẹ đã sống với nỗi chờ đợi mòn mỏi con trở về. Trong những tháng ngày nằm liệt trên giường bệnh, mẹ không ngừng gọi tên con. Trước nguyện vọng tha thiết ấy, Quang Trung quyết định hoàn thành bức ảnh ngay trong đêm. “Sau khi nhận được ảnh, gia đình gọi lại cho tôi cảm ơn bởi điều kỳ diệu đã xảy ra khi mẹ nhìn thấy tấm ảnh. Như được uống một liều thuốc hồi sinh, mẹ đã trở dậy, vui vẻ trò chuyện, khỏe mạnh và sống được thêm nhiều tháng nữa”, Quang Trung nhớ lại.
    |
 |
Phùng Quang Trung vinh dự nhận Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. |
Lần khác, trong chuyến đi trao ảnh liệt sĩ tại Thanh Miện, Hải Dương vào tháng 5-2024 - một dự án lớn mà nhóm của Trung kết hợp với Tỉnh đoàn Hải Dương thực hiện, sau khi buổi lễ kết thúc, trên đường theo xe ô tô rời khỏi địa phương, anh tình cờ thấy một người đàn ông đặt tấm ảnh liệt sĩ vừa được trao tặng trên giỏ chiếc xe đạp của mình. Khung cảnh ấn tượng đến mức nhóm của Trung quyết định xin phép đi theo. Và khi nhìn thấy cảnh người mẹ đang tựa đầu bên song cửa sổ để chờ người thân đưa ảnh con trai mình trở về, cả nhóm như vỡ òa cảm xúc. “Chứng kiến mẹ ngồi bên mép giường, một tay đỡ khung ảnh, một tay vuốt ve từng đường nét trên khuôn mặt liệt sĩ, nét mặt rạng ngời hạnh phúc, tất cả thành viên trong đoàn đều lặng đi vì xúc động. Sau đó, mọi người đã xuống xe ùa vào với mẹ. Trong khoảnh khắc ấy, hơn lúc nào hết, chỉ với một bức ảnh, tôi cảm thấy ý nghĩa lớn lao mà nhóm đã làm được!”, Quang Trung cho biết.
Sống như những đóa hoa
Tại sao không sống một cuộc đời có ý nghĩa hơn? Nếu được làm công việc mà mình hạnh phúc thì có ngại chi những trở ngại, áp lực? Trung đã nghĩ vậy khi quyết định rời bỏ nghề marketing và chuyên tâm vào công việc phục chế ảnh. Những năm qua, phối hợp với nhiều địa phương trên mọi miền Tổ quốc, Quang Trung và các cộng sự đã đi đến tận nơi để trao tặng những bức ảnh phục chế đến thân nhân liệt sĩ. Đó đều là những dự án lớn, như: Phục chế hơn 100 bức ảnh liệt sĩ ở các tỉnh: Phú Yên, Hà Tĩnh, Hải Dương (năm 2024); phục dựng ảnh 64 liệt sĩ Gạc Ma, 63 ảnh anh hùng liệt sĩ tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, chân dung 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, chân dung 13 thanh niên xung phong ở Truông Bồn; trao tặng 32 ảnh Anh hùng LLVT nhân dân tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Quang Trung mong muốn, những hình ảnh nhóm Skyline phục dựng không chỉ giúp thân nhân liệt sĩ ấm lòng mà còn góp phần lan tỏa hình ảnh thế hệ cha ông đã hy sinh vì độc lập, tự do cho dân tộc, để thế hệ mai sau tri ân, tưởng nhớ.
Hiện nay, nhóm của Quang Trung cũng đang tích cực nghiên cứu về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để thực hiện những thước phim lịch sử, hay xây dựng các dự án tri ân. Như dự án thường niên “Đón anh trở về quê hương” với việc phục dựng ảnh miễn phí, ưu tiên đặc biệt với các trường hợp hài cốt liệt sĩ được tìm thấy và đưa về quê hương...
Những việc làm ý nghĩa của Quang Trung đã lan tỏa đến nhiều người và được các bạn trẻ rất quan tâm. Hiện tại, gắn bó với Skyline phần lớn là những thanh niên ở độ tuổi 20-30, công tác trong nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng tựu trung đều tham gia nhóm với mong muốn được góp công sức tri ân thế hệ đi trước. Anh Lê Văn Phúc ngoài là Trưởng nhóm tình nguyện viên Dự án “Màu hoa đỏ” còn đảm nhiệm thêm chức trách là Phó nhóm Skyline chia sẻ: “Là một người trẻ được lớn lên trong hòa bình, tôi luôn thôi thúc mình làm những việc ý nghĩa để báo đáp công ơn của các thế hệ đã hy sinh vì dân, vì nước. Trước đây, tôi đã có 3 năm gắn bó với các hoạt động phục chế ảnh tri ân gia đình liệt sĩ, khi biết đến nhóm Skyline cách đây 2 năm, hiểu được những giá trị cũng như sự lan tỏa những điều tốt đẹp mà Quang Trung và các bạn đem lại, tôi đã tình nguyện đồng hành với nhóm”.
Khi tôi hỏi về việc nhiều bạn trẻ muốn tham gia dự án, Trung tâm sự: “Bản thân tôi và nhóm Skyline luôn đặt tinh thần tri ân, cống hiến lên hàng đầu. Quan điểm của tôi là không dạy nghề để làm kinh doanh. Bạn có thể làm bất cứ công việc gì trong xã hội, chỉ cần có đam mê với công nghệ cùng sự quyết tâm, cẩn thận, tỉ mỉ thì đều làm được. Nhóm sẵn sàng rộng mở, dạy và truyền nghề cho các bạn trẻ muốn tham gia và cống hiến cho những hoạt động tri ân, vì cộng đồng”.
HOÀNG TÙNG