Tại buổi lễ, các đại biểu, cựu chiến binh và người dân gặp nhau tay bắt mặt mừng, sâu đậm tình quân dân cá nước như cách đây gần 75 năm, khi Đại đoàn Đồng Bằng về đây đóng quân, chiến đấu bảo vệ nhân dân. Trong niềm xúc động sâu sắc, các tướng lĩnh, cựu chiến binh cùng nhân dân địa phương thắp hương, dâng hoa, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, nơi xây dựng Bia chiến thắng là khu vực bờ đê thuộc làng Đống Lương-một làng quê nghèo, thưa dân, bị các đồn bốt của địch vây quanh, càn quét, vơ vét đến cùng kiệt. Đại đội 14, Tiểu đoàn 706, Trung đoàn 64 do Đại đội trưởng Tuấn (Hoàng Ngữ) và Chính trị viên Bính chỉ huy vượt sông Sắt và Đường 21 sang đánh địch. Bấy giờ, Đại đội 14 có 54 người, 1 khẩu đại liên, 4 khẩu trung liên và 33 khẩu súng trường. Sau hơn 10 ngày hành quân vất vả, dù còn thấm mệt nhưng họ vẫn khẩn trương cùng dân làng đào đắp công sự, chuẩn bị lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu.
6 giờ ngày 3-6-1951, địch cho máy bay quần thảo trên không, đạn pháo, đại bác từ các cứ điểm Gôi, Bình Lục, Nam Định thi nhau trút xuống. Làng Đống Lương chìm trong lửa khói. Sau đợt vây kích, địch chia làm hai mũi hò hét xông lên, nhưng với thế chủ động, tinh thần chiến đấu dũng cảm của ta, 4 đợt tấn công của địch đều bị đánh lui. Khoảng 8 giờ, ta bắt được tên Quan hai của địch và điện đài chỉ huy, Đại đội trưởng Tuấn mưu trí bắt tên Quan hai gọi pháo binh địch bắn vào các điểm do ta chỉ định, vậy là “gậy ông lại đập lưng ông”. Lực lượng địch bị tổn thất nặng nề, phải lùi ra xa. Chúng tổ chức tấn công thêm 4 đợt nhưng vẫn bị ta phản công quyết liệt nên buộc phải rút trong đêm tối. Kết thúc trận đánh, ta đã tiêu diệt 260 tên địch, bắt sống 1 tên Quan hai Pháp, thu được nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. Phía ta hy sinh 18 đồng chí, hơn 10 đồng chí bị thương, 37 người dân Đống Lương bị hỏa lực của địch sát hại. Sau chiến thắng, Đại đội 14 được đặt tên là Đại đội Đống Lương. Bản hùng ca Đống Lương đã được ghi vào sử sách, là niềm tự hào trong truyền thống của Đại đoàn Đồng Bằng, của quê hương Vụ Bản anh hùng.
Sau chiến thắng Đống Lương, văn công của Đại đoàn đã sáng tác ngay bài hát “Tiếng hát Đống Lương”. Mang theo niềm tự hào của trận thắng và khúc ca chiến thắng Đống Lương, dấu chân của những người lính Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 nói chung, Trung đoàn 64 nói riêng đã in trên hầu khắp các vùng đất của Đồng bằng sông Hồng trong những ngày kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi tiếp tục lập nhiều chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế.
Thập niên 1960, Bia chiến thắng Đống Lương được xây dựng, tuy đơn sơ nhưng khắc ghi những câu thơ xúc động, được dân làng Đống Lương truyền miệng từ đời này sang đời khác. Nhất là mỗi khi đến ngày giỗ trận, các mẹ, các chị lại đọc để truyền dạy cho thế hệ mai sau: “Ai ơi còn nhớ Đống Lương/ Sáng ngày 29 ta thường được nghe/ Tháng tư đã tới mùa hè/ Tân Mão 51 vẳng nghe súng dồn...”.
Trở lại quê hương Đống Lương để tri ân các anh hùng liệt sĩ và nhân dân địa phương, Đại tá Nguyễn Thế Tân, Trưởng ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng-Sư đoàn 320 thay mặt đồng đội chúc mừng lãnh đạo và nhân dân xã Minh Tân đã có một công trình văn hóa là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống ý nghĩa. Cựu chiến binh Lê Mạnh Hải, người từng công đức nhiều công trình tri ân các anh hùng liệt sĩ của Đại đoàn Đồng Bằng, đã công đức 70 triệu đồng để tôn tạo nhà Bia chiến thắng và dành những phần quà thiết thực tặng các gia đình chính sách, học sinh xã Minh Tân. Tấm lòng tri ân của Bộ đội Cụ Hồ với mảnh đất họ từng gắn bó mãi mãi được nối dài, như bản hùng ca Đống Lương sẽ luôn được nhắc nhớ cho muôn đời sau kể tiếp.
Thiếu tướng, PGS, TS PHẠM TIẾN LUẬT