Khi tôi được cáng từ Trạm phẫu thuật tiền phương lên được Bệnh xá thì vết thương của tôi đã qua 5 ngày không được thay băng và bị nhiễm trùng nặng. Khi thay băng, vết thương ở bàn chân phải dòi bọ lúc nhúc. Người thay băng cho tôi lúc đó là y tá Xuân Mai. Vì là vết thương hở, không được khâu nên khi tháo băng, tôi đau buốt vô cùng. Do điều kiện Bệnh xá khan hiếm thuốc kháng sinh nên vết thương của tôi chỉ được rửa sạch và băng bó lại.

Khi rửa vết thương và thay băng, tôi đau đến chảy nước mắt. Đến ngày thứ hai mà vết thương của tôi vẫn chưa sạch hết dòi nên các y sĩ phải dùng kéo cắt bỏ các phần thịt bị hoại tử rồi cho ête vào vết thương. Y tá Mai cũng không cầm được nước mắt mỗi lần thay băng cho tôi.

Sau hơn 10 ngày được chăm sóc, điều trị, vết thương trên đầu tôi đỡ đau, vết thương ở chân bớt phù nề. Sang tuần thứ tư, vết thương trên đầu có thể cắt chỉ, vết thương ở bàn chân đã có dấu hiệu mọc da non. Lần thay băng này, Xuân Mai nở nụ cười rất tươi nhìn tôi và nói chúc mừng vì cơ bản tôi đã hồi phục. Hôm ấy, lần đầu tôi được thấy nụ cười của em.

Điều trị ở Bệnh xá 79 gần hai tháng, cấp trên điều chuyển tôi ra miền Bắc tiếp tục điều trị. Ngày tôi ra Bắc, Mai theo ra cáng và dặn: “Vết thương chưa khỏi hẳn, anh cẩn thận kẻo bị nhiễm trùng lại. Sau khi vết thương liền da, anh còn phải phẫu thuật nối gân bàn chân, tách các ngón chân thì mới có hy vọng đi được. Chúc anh chóng bình phục, ra miền Bắc an toàn, mạnh khỏe”. Tôi bắt tay em bịn rịn, chỉ biết nói lời cảm ơn. Sau đó, Xuân Mai vội vàng vào phòng mổ ngay vì có ca thương binh vừa chuyển ở tuyến trước về...

leftcenterrightdel
 Tác giả bên bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm. Ảnh: TRẦN PHƯỚC HÀ

Đến năm 2022, tôi có dịp trở lại Đà Nẵng thăm đồng đội năm xưa, đồng thời hỏi thăm tin tức người nữ y tá mà bao năm tháng tôi không thể nào quên. Sau khi lên Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hòa Vang thắp hương, về gặp mặt đồng đội, tôi hỏi chuyện cựu chiến binh Trần Chiến Chinh, từng làm Tham mưu trưởng Huyện đội Hòa Vang cho tới ngày giải phóng, xem có biết cô y tá Xuân Mai ở Bệnh xá 79 không? Tôi gợi ý, chị Xuân Mai có nước da trắng, tóc ngang vai, xinh nhất đơn vị. Anh Chinh không trả lời tôi ngay mà đăm chiêu nhìn về phía chân trời. Linh tính báo cho tôi biết điều không lành.

Anh Chinh bùi ngùi: “Chị ấy là người chị kết nghĩa thân thiết nhất của em. Tên đầy đủ của chị là Nguyễn Thị Xuân Mai, hy sinh ngày 28-1-1973, chỉ một ngày sau Hiệp định Paris được ký kết. Khi hy sinh, chị ấy là Trung đội trưởng trung đội mang tên nữ anh hùng Lê Thị Hồng Gấm thuộc Đại đội 2, Khu II Hòa Vang. Trận chiến đấu hôm đó không cân sức giữa một đại đội đánh trả với một tiểu đoàn bộ binh địch. Trung đội của Xuân Mai còn lại 3 người, chiến đấu cắm cờ giữ đất đến viên đạn cuối cùng. Không để cho địch bắt sống, các chị đã hy sinh sau tiếng nổ trong căn hầm cùng các tràng đại liên của địch bắn về phía họ”.

Tôi như chết lặng. Hình ảnh Xuân Mai, người nữ quân y-bông hoa đẹp của bệnh xá tiền phương năm xưa và những giọt nước mắt nóng bỏng của em khiến lòng tôi đau nhói. Qua giây phút xúc động, anh Chinh cho biết: “Để ghi nhớ công ơn của những liệt sĩ trong trận đánh ác liệt với quân giặc, được sự đồng ý của Huyện ủy Hòa Vang, sự đồng thuận, giúp đỡ của chính quyền và nhân dân địa phương, Ban liên lạc và các cựu chiến binh chúng em đã xây bia chiến tích ghi công 3 nữ liệt sĩ ngay tại nơi xảy ra trận đánh ở làng Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang”...

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG