Ông Lưu Chiến Trường (tên khai sinh là Lưu Văn Trường) sinh năm 1942, tại xã Thanh Tường (nay là xã Đại Đồng), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha ông-cụ Lưu Văn Diên là lão thành cách mạng, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương (sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam) từ tháng 11-1930, là người tích cực tham gia đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Từ tháng 12-1931 đến tháng 3-1934, đồng chí Lưu Văn Diên bị địch bắt giam ở nhà tù Nghệ An với số tù 1474 vì tham gia trừng trị ác ôn ở địa phương. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí tham gia chính quyền lâm thời và tích cực vận động, xây dựng cơ sở cách mạng khi Đảng rút vào hoạt động bí mật...

Ngay từ nhỏ, chứng kiến cảnh kẻ thù giày xéo quê hương, Lưu Văn Trường nuôi ước mơ được tham gia quân ngũ, chiến đấu giải phóng quê hương. Nhưng do vóc dáng thấp bé, thiếu cân nên phải đến tháng 2-1964, khi đã 22 tuổi, Lưu Văn Trường mới đủ điều kiện sức khỏe để nhập ngũ vào Trung đoàn 214. Sau thời gian huấn luyện pháo thủ ở Hòa Bình, ông được cấp trên bồi dưỡng, cử đi học lớp sơ cấp quân y rồi được điều về làm quân y của Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 214. Ở đơn vị, liên tục từ năm 1965 đến 1967, ông Trường đều được tặng Bằng khen vì đã dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, góp phần cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ với nhiều trận đánh đáng nhớ.

leftcenterrightdel

Ông Lưu Chiến Trường kể chuyện chiến đấu cho cháu nghe. Ảnh: BẢO LINH 

Ngày 8-7-1965, đơn vị ông được lệnh tham gia chiến đấu bảo vệ trận địa radar tại xã Đặng Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ông Trường kể: “Hôm ấy, không quân địch tổ chức tấn công ác liệt vào trận địa của ta. Bộ đội bị thương nhiều, tôi phải chạy đi chạy lại liên tục qua các vị trí để sơ cấp cứu anh em bị thương. Tôi nhớ mãi lúc cấp cứu cho Đại đội trưởng Lê Minh Giới, bị thương do mảnh bom găm vào tay trái. Máu chảy nhiều, hẳn đau đớn lắm nhưng anh dứt khoát bảo tôi cứ rút mảnh kim loại ra. Garo nhanh vết thương cho anh Giới xong, tôi đề nghị đưa về tuyến sau nhưng anh quyết không rời vị trí. Cầm chắc lá cờ trên cánh tay còn lành lặn, anh phất cao và ra lệnh dõng dạc, đanh thép chỉ huy bộ đội tiếp tục chiến đấu bên mâm pháo”. Hình ảnh ấy như lời hiệu triệu, tiếp thêm sức mạnh cho Lưu Văn Trường và đồng đội kiên cường bám vị trí chiến đấu cùng các lực lượng bắn rơi một máy bay Mỹ, bảo vệ mục tiêu được giao.

Kết thúc trận đánh hôm ấy, đơn vị của ông Trường lại cơ động về bảo vệ bến phà Xuân Sơn (thuộc tỉnh Quảng Bình). Rạng sáng 1-6-1966, sau tiếng kẻng báo thức, Lưu Văn Trường nhận nhiệm vụ đi cảnh giới và phát hiện một chiếc máy bay C47 của địch từ hướng Phong Nha, Kẻ Bàng lao tới. Ông báo cáo ngay lên chỉ huy, đồng thời cũng nhận được lệnh vào vị trí chiến đấu. Vội đeo túi cứu thương lao ra trận địa, Lưu Văn Trường tích cực giúp đỡ đồng đội. Chiếc C47 bay một vòng rồi thả bom. Đến vòng thứ hai, một mảnh bom xuyên từ phía sau lưng qua ngực, nhưng lúc đó ông không hề biết mình bị thương. Khi cúi xuống túm lấy túi cứu thương bị văng dưới đất mới thấy máu chảy ra rất nhiều từ ngực phải, sau đó ông ngất lịm. Đồng đội vội đưa ông và một số thương binh khác về Quân y Viện 41 cấp cứu. Với thành tích trong trận này, ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Nhưng phải đến tháng 11-1977, giấy thông báo khen thưởng mới được gửi đến gia đình.

Lần bị thương ấy, ông Trường được khám, kết luận mất 21% sức khỏe, chỉ định về tuyến sau điều trị. Với mong muốn được tiếp tục chiến đấu, ông xin ra viện sớm và giấu biệt tờ giấy chứng thương khi về đơn vị. Nhưng đến lần bị thương ngày 11-12-1969, ông không thể giấu được nữa. Bác sĩ kết luận ông mất 36% sức khỏe và phải theo xe chung về trạm đón tiếp thương binh tỉnh Nghệ An. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao tên khai sinh của ông là Lưu Văn Trường nhưng các giấy tờ đều ghi là Lưu Chiến Trường, ông cười bảo: “Chuyện là giữa năm 1968, tôi lại bị thương nặng. Mất mấy tháng điều trị mới trở về đơn vị. Anh em bất ngờ chạy đến chúc mừng, có đồng chí nói vui rằng tưởng tôi đã thành “lưu chiến trường” rồi. Thấy hay, tôi tự đổi tên thành Lưu Chiến Trường để ghi nhớ việc tôi đã thoát chết, không ngờ cái tên ấy theo tôi đến tận bây giờ”, ông kể.

Là thương binh song với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, rời quân ngũ, ông Trường quyết tâm đi học ngành sư phạm, sau đó được điều về làm công tác tổ chức cán bộ ở Trường Sư phạm Con Cuông (Nghệ An) rồi Trường THPT Thanh Chương 2 (Nghệ An)... Tháng 4-2003, ông nghỉ hưu và về sinh sống tại quê nhà cùng gia đình, con cháu.

ĐỨC VŨ