Căng thẳng và rạo rực ở Tổng hành dinh
Chúng tôi đã gặp Trung tướng Lê Hữu Đức (1925-2018) là Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu trong Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Ông kể: “Những ngày cuối tháng 4-1975 tuy rất căng thẳng nhưng một không khí rạo rực, say sưa làm việc bao trùm lên tất cả mọi người ở Tổng hành dinh. Là Cục trưởng Cục Tác chiến nên tôi thường xuyên làm việc với Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Lúc này anh Văn đã gần 65 tuổi, lại mới mổ thận, nhưng vẫn làm việc từ 15 đến 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Anh ăn và ngủ luôn ở Tổng hành dinh trên một chiếc giường đơn kê ở phòng làm việc. Thường vào lúc 4 giờ, Đại tướng thức dậy kiểm tra trực ban quân báo và trực ban tác chiến để nắm tình hình trước. Giao ban buổi sáng, khi nghe các cục báo cáo, các tổng cục bổ sung, Đại tướng kết luận giao nhiệm vụ rồi tiếp tục viết mệnh lệnh chiến đấu. Còn Tổng Bí thư Lê Duẩn thì chủ trì các cuộc họp của Bộ Chính trị và nghe các cơ quan báo cáo. Theo sự phân công của Bộ Tổng Tham mưu, cứ 19 giờ hằng ngày, tôi đến nhà riêng của anh Ba (Tổng Bí thư Lê Duẩn) báo cáo tình hình và xin chỉ thị.
    |
 |
Trung tướng Lê Hữu Đức. Ảnh: TUẤN TÚ
|
Những tháng ngày làm việc bên cạnh các đồng chí lãnh đạo Đảng và Quân đội ta là những tháng ngày hạnh phúc không thể nào quên của tôi. Người đào tạo, giáo dục tôi nhiều nhất, để lại trong tôi những tình cảm sâu đậm nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Lê Trọng Tấn. Cả hai anh đều dân chủ trong bàn bạc, thảo luận. Là một nhà quân sự thiên tài nhưng anh Văn không bao giờ phủ nhận ý kiến của anh em chúng tôi. Anh luôn gợi ý mọi người đưa ra chính kiến của mình. Anh luôn nhắc nhở chúng tôi: “Chúng tớ luôn tạo điều kiện để nghe các cậu, nhưng có điều các cậu phải nâng trình độ lên, tổng hợp nên ngắn gọn, ý kiến cần súc tích”. Còn Đại tướng Lê Trọng Tấn là thủ trưởng trực tiếp của tôi, thường nhắc chúng tôi phải độc lập trong suy nghĩ. Các anh là những người anh, người thầy của tôi theo đúng nghĩa đẹp nhất của từ này.
Thời điểm này, nhiều bộ phận của Cục Tác chiến đã vào chiến trường, số còn lại bám trụ ở Tổng hành dinh 24/24 giờ để thực hiện nhiệm vụ. Anh chị em thông tin, cơ yếu thay nhau làm việc suốt ngày đêm để chuyển các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương vào chiến trường.
Sáng 30-4-1975, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đến Tổng hành dinh sớm hơn thường lệ. 11 giờ 30 phút, Phó cục trưởng Cục Cơ yếu Nguyễn Duy Phê vào phòng họp báo cáo: Lúc 10 giờ 45 phút, xe tăng Lữ đoàn 203 dẫn đầu lực lượng đột kích của Quân đoàn 2 đã đánh chiếm Dinh Độc Lập. Chúng tôi sung sướng ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra”.
Ngăn chặn địch vào nội đô Sài Gòn
Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quốc Thước kể: “Hồi 17 giờ ngày 26-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử bắt đầu.
Chiều 28-4-1975, Trần Văn Hương từ chức Tổng thống, Dương Văn Minh lên thay, trong khi Chiến dịch Hồ Chí Minh phát triển như vũ bão, lực lượng phòng thủ của địch xung quanh Sài Gòn cơ bản bị tiêu diệt, số còn lại bị đánh tan tành và chia cắt hoàn toàn, số quân trong nội đô chỉ còn ít lực lượng dù, quân biệt động... Trước tình hình đó, 9 giờ 30 phút ngày 30-4, Dương Văn Minh tuyên bố ngừng bắn để thương thuyết chỉ là thủ đoạn chính trị mà thôi.
Để bảo vệ Sài Gòn, địch tập trung quân phòng thủ phía ngoài. Bộ tư lệnh chiến dịch đã có chỉ đạo sáng suốt là chặn tất cả các sư đoàn của địch ở vòng ngoài không cho chúng rút vào trong. Nếu như những Sư đoàn 5, 7, 25... của chúng mà vào nội đô thì cuối cùng cũng bị tiêu diệt, nhưng sẽ gây cho quân và dân ta nhiều tổn thất.
Nhưng quân ta đã bao vây và tiêu diệt các đơn vị chủ lực của địch ở vòng ngoài, kết hợp với sự tiến công và nổi dậy ở nội đô của nhân dân nên chúng tan rã hoàn toàn. Quân đoàn 3 chúng tôi tiến công vào Sài Gòn ở hướng Tây Bắc. Trong khi Sư đoàn 320 vây Sư đoàn 25 ngụy ở Đồng Dù, thì Sư đoàn 10 vượt qua đội hình để tiến thẳng vào Sài Gòn làm cho địch không kịp trở tay. Trước đó nữa, Trung đoàn Đặc công 198 và Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 khống chế cầu Bông và cầu Sáng, nên địch không tài nào rút quân từ Đồng Dù về Sài Gòn được.
Ở các hướng khác cũng vậy. Phú Lợi, Biên Hòa, Nhơn Trạch... lần lượt bị cô lập, sân bay Tân Sơn Nhất bị khống chế. Lực lượng địch bảo vệ Sài Gòn trở nên trơ trọi với quân số không đáng kể. Đó là nghệ thuật quân sự tài giỏi của các tướng lĩnh Quân đội ta. Đó cũng là điều quyết định đến việc chúng ta giải phóng Sài Gòn mà thành phố vẫn nguyên vẹn không đổ nát. Tuy vậy, một giờ đồng hồ trước khi Sài Gòn được giải phóng, Quân đoàn chúng tôi bị tổn thất 4 chiếc xe tăng và hàng chục chiến sĩ ngã xuống ở ngã tư Bảy Hiền do sự ngoan cố của địch. Họ mãi mãi ra đi khi chỉ còn một tiếng đồng hồ nữa thôi chúng ta ca khúc khải hoàn.
Đã 50 năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ rõ những giây phút ấy, giây phút đại quân ta tiến vào Sài Gòn trong rừng cờ sao đón chào của nhân dân. Để có ngày toàn thắng đó, biết bao xương máu của quân và dân ta đã đổ, biết bao đồng đội của tôi đã ngã xuống trên các chiến trường. Cái giá để có được độc lập, tự do của dân tộc ta là sự hy sinh, là sự đấu tranh bền bỉ của các thế hệ yêu nước Việt Nam”.
Trận đấu xe tăng trước cửa ngõ Sài Gòn
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đoàn Sinh Hưởng là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Xe tăng 273 (Quân đoàn 3). Ông kể: “4 giờ ngày 29-4, đại đội tôi đến gần Đồng Dù. Đồng chí Lã Ngọc Châu, Chính ủy Sư đoàn 10 gặp tôi hỏi: “Cậu ở đơn vị nào?”. Tôi đáp: “Báo cáo thủ trưởng, tôi là Đại đội trưởng Đại đội 9 xe tăng”. “Các cậu có mấy xe?”. “Chúng tôi còn 4 xe M-48”. “Sao còn ít vậy?”. “Báo cáo, xe chúng tôi sử dụng là xe lấy của địch. Hành quân từ Cheo Reo-Phú Bổn vào đây do không có phụ tùng thay thế nên hỏng nhiều!”. Cũng nói thêm là trong trận Cheo Reo-Phú Bổn, chúng tôi bắt sống cả đại đội xe tăng địch nên bàn giao xe T-54 cho đơn vị khác. Như vậy, chúng tôi là những người đầu tiên của Quân đội ta lấy xe tăng địch đánh địch. Đồng chí Lã Ngọc Châu hỏi tiếp: “Thế có sợ chết không?”, không chút ngập ngừng, tôi trả lời ngay: “Báo cáo, chết thì ai cũng sợ, nhưng thủ trưởng giao nhiệm vụ tôi sẵn sàng hoàn thành!”. “Vậy cậu dẫn anh em đi theo hướng Đông, gặp cầu Bông thì chốt lại bằng được để giữ cầu khỏi bị phá sập cho Quân đoàn 3 tiến qua. Cậu rõ chưa?”. Tôi đáp “Rõ!”, rồi nổ máy cho xe đi luôn.
Trên đường tới cầu Bông, chúng tôi gặp một thiết đoàn của địch nên dàn trận quần nhau với chúng gần một giờ. Đang chiến đấu, thấy một chiếc xe tăng M-41 của địch quay hướng về mình, lập tức tôi lệnh cho pháo thủ quay hướng về phía nó. Khi hai khẩu pháo đấu vào nhau, cách nhau rất gần, tôi hô bắn và Phan Lạc Vinh bóp cò. Tôi nghe “rầm” một tiếng rồi bất tỉnh trong giây lát. Tỉnh lại, thấy khói bốc mù mịt, xe địch bị bắn cháy, 4 tên trong xe không chạy thoát, còn xe chúng tôi bị đạn xuyên trúng cái đèn ở trên. Trận này, chúng tôi bắn cháy 12 xe, bắt sống 12 xe khác, còn Đại đội tôi không mất xe nào, duy nhất đồng chí Trương Quang Đạo bị thương. Đó là trận chiến đấu có hiệu suất rất cao so với lịch sử chiến tranh thế giới. Sau này, khi tôi học ở Học viện Thiết giáp Malinovsky (Liên Xô trước đây), các giáo viên đều yêu cầu tôi kể mãi về trận này và chất vấn: “Tại sao chỉ có 4 xe mà đánh thắng 24 xe địch?”. Tôi trả lời: “Bởi vì chúng tôi có niềm tin chiến thắng!”.
    |
 |
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (ngoài cùng, bên phải) và cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tăng thiết giáp 206 (Quân khu 4). Ảnh: PHẠM THU |
11 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, xe chúng tôi tiến gần đến ngã tư Bảy Hiền, khi chỉ cách sân bay Tân Sơn Nhất 3km thì nhận được lệnh từ Quân đoàn: Phải quay về làm nhiệm vụ dự bị. Thật tiếc, nhưng đành chấp hành mệnh lệnh. Hôm sau, ngày 30-4 lịch sử, chúng tôi tham gia đánh Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, bắt sống hai đại tá ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung. Trưa hôm đó, khi nghe tin Quân đoàn 2 chiếm Dinh Độc Lập, rồi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chúng tôi ôm nhau hò reo phấn khởi. Sau đó, tôi ngồi một mình trên xe M-48 suy nghĩ rất trầm tư. Tôi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, về bố mẹ, anh chị em ở nhà. Và thú thực, việc tôi nghĩ nhiều nhất là sau này mình làm gì: Về quê đi cày, làm công nhân hay xin đi học thể thao. Tôi không nghĩ mình sẽ ở lại Quân đội. Mong ước trước mắt của tôi là về thăm bố mẹ với hai gói kẹo làm quà...”.
HỒNG SƠN