Ngày 8-11-1970, trời mưa to, đoàn xe Zil-130 do Liên Xô viện trợ gồm 16 chiếc chở chúng tôi hành quân. Trời mưa, đường trơn, có đoạn lún sâu, cả trung đội hò nhau xuống đẩy xe, xe trước móc kéo xe sau để cùng vượt qua vũng lầy. Khó khăn hơn là khi hành quân ban đêm, trời tối đen như mực, dốc lên xuống trơn trượt nên mất hơn một giờ đoàn xe ô tô mới đi được mấy cây số.

Gần 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi vượt qua núi cao, đi xuống thung lũng thì tới trạm trú quân ở một khu rừng. Nơi đây đã có sẵn bếp Hoàng Cầm cùng nhiều vị trí mắc tăng võng và được ngụy trang kín đáo. Chúng tôi nghỉ một ngày ở đây, được cấp trên phổ biến mọi nội quy cũng như những kinh nghiệm khi hành quân, nhất là tránh lộ khói lửa, lộ công sự, hoặc phát ra tiếng động lớn... khiến cho biệt kích địch có thể phát hiện.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đỗ Trọng Kim. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Từ đây, chúng tôi đi bộ. Những ngày đầu, đôi chân ai nấy đều mỏi nhừ, hai vai sưng tấy vì mang vác nặng, thế nhưng ai cũng cố gắng để chiến thắng bản thân, quyết đi tới đích. Dọc theo Tây Trường Sơn, chúng tôi đi qua nhiều núi cao, sông suối, bản làng của nước bạn Lào. Khi hành quân vượt cao nguyên Bolaven (Lào), tôi bị sốt rét. Không may nữa là tôi còn bị mọc cái nhọt ở đầu gối chân bên phải, tuy nhỏ nhưng rất đau. Cậu Đăng, y tá đại đội bảo: “Anh để em nặn ra, mai là khỏi thôi”. Nào ngờ đây là chiếc nhọt đầu đinh, nhức cả đêm không ngủ được, sáng ra, tôi thấy chân sưng to, đỏ ửng như bắp chuối. Đơn vị đành để tôi ở lại, cũng may ở đây có trạm quân y. Tôi điều trị được hơn một tuần thì chân đã đi lại được và ngay sau đó tiếp tục lên đường, theo đơn vị thu dung bởi đơn vị cũ đã đi quá xa rồi. Lại ngày đi, đêm nghỉ, vượt biết bao đèo dốc, đến Trạm 73 thì tôi gặp anh Đỗ Thọ, người cùng quê (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Anh Thọ cũng bị sốt rét nên nằm lại, chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi rồi cùng hành quân...

Tháng 1-1971, đơn vị chúng tôi hành quân vượt Trường Sơn, qua nước bạn Lào và Campuchia, đến khu vực trú quân của Trung đoàn 4 thuộc Quân khu miền Đông (nay là Quân khu 7) ở địa bàn tỉnh Bình Dương ngày nay. Tôi được biên chế vào Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4. Tháng 3-1973, tôi được cấp trên bổ nhiệm làm Phó trung đội trưởng Trung đội Trinh sát của Tiểu đoàn 1. Ngày 14-4-1975, đơn vị chúng tôi chặn đánh Sư đoàn 18 ngụy ở Hố Nai (Biên Hòa, Đồng Nai). Trong trận đánh ấy, tôi bị thương do trúng mảnh đạn M79 của địch nên phải chuyển về tuyến sau điều trị.

Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi được điều động ra miền Bắc công tác, làm Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS thị xã Hải Dương (nay là thành phố Hải Dương), tỉnh Hải Dương, đến khi nghỉ chế độ do sức khỏe vào tháng 5-1983 với quân hàm Trung úy.     

ĐỖ TRỌNG KIM