Sau trận đánh ngày 12-1-1968 trên đất bạn Lào, Đại đội 1 (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn Pháo binh 158, Sư đoàn 316) của tôi hành quân về vị trí mới. Nơi đây là khu rừng nguyên sinh ở phía Đông Nậm Bạc (thuộc Bắc Lào), có con suối lớn luôn đầy nước chảy ra sông Nậm U. Đất đai màu mỡ, củ mài rất nhiều, nên Đại đội cử một số anh em đi đào củ mài về để cải thiện.
12 giờ trưa Ba mươi Tết Mậu Thân, Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung ra lệnh toàn đơn vị dỡ lán trại, mang hết trang bị, sau 15 phút tập hợp rời vị trí trú quân nhận nhiệm vụ mới.
Nhận lệnh, chúng tôi nhanh chóng dỡ tăng bạt, trang bị gọn gàng, sẵn sàng lên đường. Song nhìn lại khu lán trại vừa dừng chân với đống củ mài to bị bỏ lại mà tiếc.
Đúng giờ, cả đơn vị xuất phát. Chiều cuối năm đi trong rừng Lào giữa vùng tranh chấp ta và địch, cả tiểu đoàn chúng tôi hành quân lặng lẽ.
Chúng tôi đi không nghỉ. Khi mặt trời vừa khuất núi, có lệnh trên truyền xuống: “Nghỉ tại chỗ. Chuẩn bị vượt sông”.
Tranh thủ thời gian, Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung hội ý các chỉ huy trung đội và phổ biến nhiệm vụ, bảo đảm an toàn khi vượt sông Nậm U.
Theo kế hoạch, đơn vị vượt sông bằng thuyền độc mộc do bạn bố trí. Mỗi thuyền chỉ chở được tối đa hai người với đầy đủ trang bị. Bến vượt ở hai bờ là những cây cổ thụ dễ che mắt địch ban ngày và che ánh sáng ban đêm. Quá trình vượt sông, toàn tiểu đoàn phải giữ im lặng, không được dùng ánh sáng để bảo đảm an toàn.
Theo thứ tự hành quân, chúng tôi lần lượt vượt sông. Toàn tiểu đoàn giữ vững đội hình, kỷ luật hành quân, không ai được tạt sang hai bên đường đề phòng mìn còn sót lại.
Trời đã rất tối. Không ai còn nhớ tới đêm nay là đêm năm cũ chuyển sang năm mới nữa. Khoảng 21 giờ, Phó đại đội trưởng Công từ tuyến trên đi xuống. Đến Tiểu đội trinh sát do tôi làm tiểu đội trưởng, anh thông báo: “Đơn vị đã qua sông được nửa đội hình. Ta kiên trì chờ đợi, cố gắng sang sông trước Giao thừa để nghe Bác Hồ chúc Tết”. Anh còn dặn phải bám sát đội hình, coi chừng ở rừng này có ông “ba mươi”!
Rồi đến lượt chúng tôi bước xuống thuyền. Đêm tối, không nhìn rõ người lái thuyền, chỉ thấy một vật dài đen như cây gỗ cập bờ. Thì ra đây là thuyền độc mộc. Người lái thuyền không nói gì, nhưng đến lượt sang sông, tôi và Hoàng Gia, chiến sĩ cùng tiểu đội, đeo máy phương hướng bàn lên thuyền. Tôi bảo Hoàng Gia ngồi xuống lòng thuyền, hai tay giữ chặt mạn. Chưa yên vị đã thấy thuyền chòng chành rời bến.
Chúng tôi ngồi lặng yên dưới lòng thuyền, không rõ sông Nậm U ở khúc này rộng hay hẹp, nông hay sâu. Rời bến được một đoạn nghe thấy ở mạn trái và mạn phải đều có mái chèo khua. Không biết thuyền sang hay thuyền về. Yên lặng nghe mái chèo khua. Người lái thuyền rẽ nước sang ngang. Nghe rõ nước ở thượng nguồn chảy về đập mạn thuyền ràm rạp, bắn nước tung tóe. Ngước nhìn người lái thuyền, chỉ thấy một dáng hình khỏe mạnh, khoan thai đưa con thuyền rẽ nước mà yên tâm. Rồi thuyền chạm mạnh vào cái gì đó chồm lên. Người lái thuyền ghìm lái, thuyền chuyển hướng, rồi nghe tiếng bát mạnh của mái chèo đã ép con thuyền ngoan ngoãn cập mạn bờ sông.
Phải là người thạo nghề sông nước mới điều khiển được con thuyền như thế. Tôi cũng lớn lên ở vùng sông nước nên tôi hiểu. Bước lên bờ ngoảnh lại, con thuyền đã sang ngang. Chỉ nhìn thấy hình con thuyền là một thân gỗ to khoét lòng, được chế tác cong cong phần mũi, phần lái có phần chắc chắn hơn nơi người lái thuyền trấn giữ. Cả khối đen lùi lũi rẽ sóng sang ngang. Tôi nhìn theo bóng người lái thuyền khuất dần trong màn đêm mà lòng đong đầy cảm xúc...
Lên khỏi bến, Đại đội trưởng Ngô Xuân Dung đang đứng đợi. Chúng tôi nắm chặt tay nhau bước lên ngôi nhà sàn dân đi tản cư để lại. Ở đó, mọi người quây quần quanh chiếc đài bán dẫn nghe ca nhạc đêm Giao thừa ở quê nhà. Chính trị viên Chúc nắm chặt tay tôi nói lời chúc mừng năm mới. Lại nhận tin rất vui là cả tiểu đoàn vượt sông an toàn, chuẩn bị hành quân gấp để về nước, xe đã đợi sẵn ở bên kia biên giới. Anh nuôi đơn vị mang đến cho mỗi người một nắm xôi và một miếng thịt lợn rang muối. Đại đội trưởng thông báo: “Đại đội ăn cơm rồi ngủ nghỉ tại chỗ, không tháo trang bị để mờ sáng theo đội hình tiểu đoàn hành quân”...
NGUYỄN KIM CHÚC