Tôi đã thốt lên: “Là bức tường tri ân”. Trên bức tường dài vài chục mét ấy nổi lên dưới nắng là 5 tấm bia lớn màu xanh đen. Mỗi tấm bia cao chừng 2,5m và rộng chừng 1m. Thượng tá Lê Xuân Liêm, Trợ lý Chính trị Điện ảnh QĐND và Đại úy QNCN Dương Thái Bình, nhân viên bảo quản và khai thác tư liệu, Phòng Tư liệu, dẫn tôi đến trước 5 tấm bia đó. Các anh bảo: “5 tấm bia này được khánh thành đồng thời với trụ sở cơ quan”. Đó là 5 tấm bia đá xẻ, nguyên tấm, được chở từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Trên 5 tấm bia khắc ghi lời dạy của Bác Hồ và danh sách các liệt sĩ của Điện ảnh QĐND.
Tấm bia đặt chính giữa trang trọng khắc câu nói của Bác khi Người xem xong bộ phim “Dưới cờ quyết thắng” được trình chiếu đúng ngày 22-12-1959. Hôm đó, Bác đã nói: “Sau bộ phim này cần có nhiều bộ phim khác nữa để động viên, giáo dục bộ đội xây dựng lớn mạnh, chiến đấu thắng lợi”.
Cũng phải nói thêm rằng, bộ phim tài liệu “Dưới cờ quyết thắng” có thể coi là bộ phim đầu tay và là khởi nguồn cho sự ra đời của Xưởng phim QĐND Việt Nam (nay là Điện ảnh QĐND) vào ngày 17-8-1960. Cũng từ đó, mong muốn của Bác Hồ với ngành điện ảnh Quân đội đã trở thành hiện thực. 65 năm qua, cùng với sự phát triển lớn mạnh của Quân đội ta, Điện ảnh QĐND cũng lớn lên mạnh mẽ. Từ “mái nhà số 17” đã có bao thế hệ cán bộ, phóng viên Điện ảnh QĐND vào mặt trận, đến các chiến trường và mọi miền đất nước. Nhiều cán bộ, phóng viên đã hy sinh anh dũng khi cầm máy ghi hình và làm nhiệm vụ...
Tôi đứng lặng trước 5 tấm bia. Tấm bia chính giữa khắc ghi lời Bác, hai bên là hai tấm bia ghi danh sách các liệt sĩ của Điện ảnh QĐND.
38 liệt sĩ là những cán bộ, phóng viên đã không quản hiểm nguy để ghi lại vào ống kính máy quay những thước phim lịch sử quý giá. Những thước phim phản ánh trung thực và hào hùng về quân, dân ta ở mọi miền Tổ quốc. Những thước phim thực sự là nhân chứng lịch sử giúp toàn dân, toàn quân ta và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Những thước phim làm thức tỉnh lương tri của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Giới thiệu với tôi về dòng tên thứ nhất, Đại úy QNCN Dương Thái Bình cho biết: “Đó là liệt sĩ Nguyễn Phú Thạnh. Ông là liệt sĩ đầu tiên của Điện ảnh QĐND, hy sinh ở tuổi 38”. Được biết, liệt sĩ Nguyễn Phú Thạnh quê ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Ông được đào tạo quay phim theo kiểu truyền tay từ máy quay phim 16mm của Thụy Sĩ mà ta có được. Theo cuốn sách “Lịch sử điện ảnh cách mạng Nam Bộ (1945-1975)”: Đầu năm 1965, các chiến sĩ quay phim B8 cùng các đơn vị chiến đấu vượt qua suối sâu, dốc cao, mưa rừng, gió núi để tham gia trận công đồn Đồng Xoài (Bình Phước). Trong trận đánh này, các phóng viên quay phim mặt trận như Nguyễn Phú Thạnh, Bá Nhàn, Dương Tôn Bảo đều bị thương. Sau khi được băng bó, chuẩn bị đưa về tuyến sau thì Nguyễn Phú Thạnh xin ở lại theo đơn vị. Ông đã cầm máy quay các chiến sĩ xung phong chiến đấu theo lệnh của chỉ huy và ghi được những hình ảnh quý giá khi các chiến sĩ rời công sự nhất loạt xông lên tiêu diệt địch. Hình ảnh gan dạ của người chiến sĩ quay phim có giá trị hơn mọi lời động viên, là tấm gương cho đồng đội noi theo. Trước khi nhà quay phim Nguyễn Phú Thạnh hy sinh, chiếc máy quay còn nguyên phim của anh được chuyển về cứ an toàn. Những hình ảnh về trận đánh này sau đó được sử dụng để xây dựng thành bộ phim tài liệu “Đồng Xoài rực lửa”. Để ghi nhớ công lao nhà quay phim đầu tiên của Điện ảnh Quân Giải phóng (B2) hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, Nguyễn Phú Thạnh được truy tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Tôi cúi đầu tri ân 38 liệt sĩ, cũng là 38 cán bộ, chiến sĩ đã sát cánh cùng quân và dân ta trên khắp các mặt trận. Họ đã đồng hành, hay nói cách khác là bằng “vũ khí” của mình, họ đã trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh trong tư thế người lính xông lên giết giặc. Họ thực sự là những người “chép sử bằng hình” chân thực và sống động nhất.
    |
 |
Những tấm bia tri ân tại khuôn viên Điện ảnh Quân đội nhân dân. Ảnh: MỘC MIÊN |
Đại úy QNCN Dương Thái Bình cho hay: “Ban đầu, trong số 38 liệt sĩ, phòng truyền thống của đơn vị chỉ tìm được 17 tấm ảnh chân dung (nay đã tìm được 28 ảnh). Có liệt sĩ hiện đơn vị vẫn chưa liên hệ được với thân nhân. Có liệt sĩ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng cũng có liệt sĩ vẫn chưa tìm được mộ”. Anh Bình cho tôi xem cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom” của tác giả Văn Hiền, trong đó có bài viết về liệt sĩ Dương Phước An, phóng viên của Điện ảnh QĐND. Nhà quay phim Dương Phước An quê ở Triệu Lễ, Đông Hà, Quảng Trị; vốn là giảng viên dạy văn hóa của Trường Sĩ quan Lục quân 1, rồi trở thành phóng viên chiến trường hoạt động ở miền Đông Nam Bộ. Ông là một trong những người đầu tiên được đào tạo bài bản và được chọn cử vào xây dựng Điện ảnh Quân Giải phóng.
Những thước phim do các phóng viên Dương Phước An, Châu Quang quay tại cửa ngõ Sài Gòn và của Nguyễn Văn Năng quay trên đường 22 đi Củ Chi, Tây Ninh, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đã trở thành tư liệu vô giá để dựng 2 tập phim “Vài hình ảnh Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968”; “Đại hội những người chiến thắng 1969”.
Đại úy QNCN Dương Thái Bình còn cho tôi xem bức ảnh anh có được trong lần vào Nam sưu tầm tài liệu cho đơn vị. Bức ảnh chụp nhà quay phim Nguyễn Phú Thạnh đang ngồi trên võng trong căn cứ, người ngồi phía trước là nhà quay phim Dương Tôn Bảo. Anh Bình cho hay: “Lần đi sưu tầm đó, tôi may mắn gặp được ông Dương Tôn Bảo. Ông đã gửi cho tôi bức ảnh này”. Trong ảnh, hình như nhà quay phim Nguyễn Phú Thạnh đang đọc tài liệu, còn nhà quay phim Dương Tôn Bảo đang lau chùi máy quay.
Và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện anh dũng hy sinh của các phóng viên Điện ảnh QĐND. Như trong Chiến dịch mùa khô 1972. Dịp đó, toàn bộ lực lượng quay phim, nhiếp ảnh của Xưởng phim Quân Giải phóng Miền được tung ra khắp Mặt trận B2. Trong một trận đánh, nhà quay phim Phan Văn Cam bị hai vết thương xuyên qua lồng ngực, máu trào ra nhưng ông vẫn gắng sức nói với đồng đội: “Cầm máy, quay phim tiếp...” rồi nhắm mắt. Đồng đội tạm thời an táng ông ở hố bom để tiếp tục theo bộ đội đánh căn cứ địch. Hôm sau, nhà quay phim Phan Văn Cam được đồng đội đưa về nơi quy tập liệt sĩ của đơn vị.
Đại úy QNCN Dương Thái Bình tiếp tục kể: “Từ năm 1966, không quân Mỹ ném bom Hà Nội. Thời kỳ đó, các phóng viên quay phim của Xưởng phim QĐND Việt Nam đã không quản ngại hiểm nguy liên tục bám sát trận địa. Sáng 12-5-1967, với chiếc máy quay phim Konvas và bình ắc quy nước nặng hơn 10kg, nhà quay phim Nguyễn Kôn (Côn) đứng trên nóc ký túc xá Mễ Trì vững vàng chĩa máy ghi lại hình ảnh máy bay Mỹ bốc cháy trên bầu trời Hà Nội. Không may sau đó ông bị trúng bom bi của địch và hy sinh khi đang cấp cứu tại bệnh viện”.
Nhà quay phim Nguyễn Kôn quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An; vốn là giáo viên Trường Văn hóa Quân đội. Ông gia nhập đội ngũ quay phim-chiến sĩ và hy sinh khi mới 31 tuổi, độ tuổi “tam thập nhi lập” đầy triển vọng. Nguyễn Kôn là nhà quay phim đầu tiên của Điện ảnh QĐND hy sinh trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ra miền Bắc. Hiện ông được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Ngọc Hồi, TP Hà Nội.
Tôi đứng lặng trước những tấm bia tri ân các anh hùng liệt sĩ, tri ân những nhà quay phim chiến trường dũng cảm. Thế hệ các ông đã truyền cho chúng tôi, cho thế hệ tiếp nối những tình cảm xúc động cùng nhiều bài học quý về làm nghề, đó là sự dũng cảm, chân thực và sống động.
Nhà văn NGUYỄN TRỌNG VĂN