Trước khi thành lập quân đội chủ lực của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Đảng ta đã thành lập các đội quân vũ trang cách mạng tiền thân. Đó là lực lượng Tự vệ đỏ trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Quân du kích Nam Kỳ, Đội du kích Pác Bó, Đội du kích Bắc Sơn, Đội Cứu quốc quân 1, Đội Cứu quốc quân 2... Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ra đời, ngày này về sau được chọn là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 12-1944 đến tháng 5-1945, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã tổ chức chiến đấu nhiều trận và phát triển lực lượng nhanh chóng.

leftcenterrightdel
 Văn bản thống nhất tên gọi: Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4-1945, họp tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang), ngày 15-5-1945, tại xã Định Biên (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Đây là đội quân chủ lực, nòng cốt của lực lượng vũ trang cách mạng, hỗ trợ quần chúng trong Tổng khởi nghĩa toàn quốc tháng 8-1945 và bảo vệ Lễ Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945. Tên gọi Việt Nam Giải phóng quân tồn tại từ tháng 5 đến tháng 11-1945. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, trước yêu sách của quân đội Tưởng Giới Thạch đòi giải tán quân đội chính quy của ta, tháng 11-1945, Việt Nam Giải phóng quân đổi tên thành Vệ quốc đoàn (còn gọi là Vệ quốc quân).

Ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71/SL đổi tên Vệ quốc đoàn thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Đây là sắc lệnh đầu tiên cho việc xây dựng quân đội chính quy của một quốc gia độc lập, có quy tắc của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân đội ta lúc này tổ chức biên chế thống nhất từ cấp tiểu đội trở lên...

Từ năm 1950, Quân đội Quốc gia Việt Nam đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi “Quân đội nhân dân” do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt, với ý nghĩa là “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Tên gọi “Quân đội nhân dân Việt Nam” được sử dụng từ ngày đó đến nay.

leftcenterrightdel

Lực lượng Việt Nam Giải phóng quân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại Hà Nội. Ảnh tư liệu  

Tuy vậy, chúng ta chưa tìm thấy sắc lệnh hay nghị quyết nào quy định tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam. Chúng tôi có đi sưu tầm, tra cứu thì tìm được ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) một văn bản của Văn phòng Thủ tướng phủ (nay là Văn phòng Chính phủ) sao lục Văn bản số 400-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23-9-1954 do Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, quy định tên gọi thống nhất của Quân đội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Quân đội nhân dân Việt Nam.

HIẾU GIANG