1. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-8-1972 viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thật sự là một mét vuông máu”. Chỉ có cách nói hoán dụ ám ảnh ấy mới nêu được phần nào sự vô cùng dữ dội, khốc liệt của chiến dịch đã đi vào lịch sử. Trong 81 ngày đêm mùa hè năm 1972, thị xã Quảng Trị như một túi bom. Thành cổ Quảng Trị phải hứng 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ phải chịu 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Sức công phá của ngần ấy bom đạn, theo báo chí phương Tây thời đó, tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.

Hình ảnh “mét vuông máu” được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đưa vào trong trường ca “Màu Quảng Trị” nhưng được khái quát theo cách riêng: Một mùa hè nung nấu/ Mùa hè ấy gạch chảy ra như máu/ Máu dựng lên che chở những con người. Chỉ có mượn cái phi lý như vậy (gạch chảy ra máu, máu dựng lên...) mới nói được một hiện thực khủng khiếp: Sự tàn bạo kinh hoàng của kẻ thù và sự kiên cường, dũng cảm, đức hy sinh vô ngần của bộ đội Thành cổ.

Nhập ngũ ngày 6-9-1971, anh lính Nguyễn Thụy Kha cùng bao lính sinh viên biên chế vào Sư đoàn 325 tăng cường cho Mặt trận Quảng Trị: Tất cả cùng hướng về Quảng Trị/ Tất cả đều nhận cảm những gì lớn lao Tổ quốc đặt nặng vai thế hệ/ Biết ra đi rất có thể không về... May mắn, anh trở về rồi cầm bút viết trường ca ghi lại những ngày lịch sử. Không gian nghệ thuật chủ đạo của trường ca là màu đỏ của máu. Từ “nhuộm” là động từ được điệp lại tạo ra âm hưởng xót xa cũng đầy tự hào của người lính: Những giọt máu trắng trong đỏ tươi/ Nhuộm đỏ Hiền Lương, sông Hiếu, Thạch Hãn/ Nhuộm đỏ cả trời xanh/ Nhuộm đỏ sang cả Paris bàn đàm phán bốn bên/ Nhuộm đỏ cả những đoàn biểu tình đất Mỹ/ Nhuộm đỏ vào ý chí/ Nhuộm đỏ thời gian nhuộm đỏ không gian.

leftcenterrightdel
Tri ân ở Quảng Trị. Ảnh: PHÚ SƠN 

2. Về thơ, ngắn gọn, hàm súc, đạt đến độ ám ảnh, phải kể đến “Lời người bên sông” của tác giả là nhà báo, chiến sĩ Lê Bá Dương trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ: Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm. Bài thơ được khắc vào đá đặt bên dòng Thạch Hãn như một nén tâm hương kính viếng những người anh hùng ngã xuống vì nền độc lập, tự do cho Tổ quốc!

Một lần về thăm chiến trường cũ, Lê Bá Dương ngủ qua đêm trong nghĩa trang Thành cổ, cảm xúc dâng trào, như là điểm hẹn của cuộc đồng cảm gặp gỡ âm dương, bài thơ bật ra một cách tự nhiên. Không phải là người từng cầm súng, sát cánh đồng chí cùng bảo vệ Thành cổ, sẽ không có bài thơ này. Tự thân sự kiện, bối cảnh, cảm xúc, hình tượng đã nâng bài thơ lên tầm khái quát cao. Không còn là dòng Thạch Hãn ngoài đời mà trở thành dòng lịch sử. Không phải con đò bình thường mà là con đò thời gian. Những người nằm dưới “đáy sông” vô danh nhưng trở nên bất tử, vì đã hóa thân vào sóng nước, hóa thân vào lịch sử để mãi mãi “vỗ yên” đất đai Tổ quốc “mãi ngàn năm”. Chỉ 4 câu thơ nhưng nói lên thật nhiều về sự hy sinh, mất mát, về cống hiến, về trách nhiệm, về tình thương, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”... Những câu thơ như vậy sẽ sống mãi! Bài thơ hay, đi vào lòng người, cảm động, dễ thuộc, dễ nhớ nên nhanh chóng có một đời sống khác trong tiếp nhận. Rõ nhất là thay tên bài thơ từ “Lời người bên sông” thành “Đò xuôi Thạch Hãn” và thay đổi một vài câu chữ nhưng giữ nguyên nội dung. Đấy cũng là một quy luật, những tác phẩm hay thường có nhiều dị bản bởi có nhiều góc độ, tâm thế đón nhận khác nhau.

3. Không trực tiếp tham gia chiến đấu tại Thành cổ nhưng trong những tháng ngày ấy nhà thơ Đỗ Quý Dũng đang làm công tác binh vận tại tỉnh Quảng Trị. Thấu hiểu hoàn cảnh khốc liệt, thấu cảm nỗi đau mất mát cùng vốn sống về chiến tranh đã giúp anh có một “Về thăm Thành cổ” xúc động: Đồng đội ơi tuổi đôi mươi mười tám/ Thư người thương chưa kịp viết đôi dòng/ Không bia mộ hồn hóa vào trời đất/ Cây cỏ đất này thấm đẫm máu các anh. Bài thơ 4 khổ ngắn gọn, qua phép tương phản không gian: Nước rất xanh cây cỏ rất xanh/ Máu rất đỏ cờ hoa rất đỏ/ Khí thiêng đất trời tụ về Thành cổ/ Nơi một thời ngựa đá toát mồ hôi. 3 câu đầu là hôm nay, chỉ câu cuối là hôm qua được thể hiện qua hình tượng lạ “ngựa đá toát mồ hôi”. Vì bom đạn quá nhiều nung nóng cả không gian nên những con ngựa đá trong Thành cổ bị hấp thu nhiệt mà “toát mồ hôi”. Hàm súc và thật gợi!

4. “Cỏ non Thành Cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền là một trong những ca khúc hay nhất nói về Chiến dịch Thành cổ năm 1972. Lời bài hát đi nhịp chậm, day dứt, thành kính, thiêng liêng, nói về lòng biết ơn những người đã ngã xuống: Cỏ non thành cổ một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa/ Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về/ Cho tôi hôm nay vào Thành cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình/ Với người hy sinh trên mảnh đất quê mình. Hình tượng cỏ non, cỏ xanh được điệp đi điệp lại, được đảo ngữ diễn tả một cách tạo hình thật đặc sắc những ngọn cỏ xanh “theo gió đung đưa”. Những hình ảnh không gian thấy được ấy làm điểm tựa cảm xúc để lời hát sâu nặng, da diết hướng về một hình tượng được ẩn đi, không nhìn thấy: “Người nằm dưới cỏ”. Nỗi đau như nhân lên nhiều lần: Người đã lẫn với cỏ. Các anh hùng liệt sĩ đã hòa thân mình vào đất đai Thành cổ. Cỏ thì vẫn vô tư xanh. Nhưng con người thì nhức nhối...

 Nhạc sĩ Tân Huyền (tên thật là Phan Văn Tần, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) là tác giả một số ca khúc được yêu thích: “Tiếng hò trên đất Nghệ An”, “Xe ta đi trong đêm Trường Sơn”, “Em đứng giữa giảng đường hôm nay”... Ông cũng là tác giả một số ca khúc thiếu nhi: “Chị ong nâu và em bé”, “Cháu vẽ ông mặt trời”... “Cỏ non Thành cổ” đi vào đời sống âm nhạc, cũng là đi vào tâm hồn Việt, vì hầu như ai cũng tìm thấy tâm trạng mình trong đó. Nhạc sĩ kể, đầu năm 1990, theo lời mời của địa phương, ông cùng một số nhạc sĩ vào Quảng Trị thực tế sáng tác. Bấy giờ Thành cổ hoang sơ, thấy toàn cỏ là cỏ. Băn khoăn chưa tìm được “tứ nhạc” để viết, bỗng gặp một nhà văn, được nghe nói cỏ xanh đẹp thế, nhưng dưới lớp cỏ, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương các liệt sĩ... Nghe đến đấy, nhạc sĩ như bừng tỉnh. Một “tứ nhạc” hay ra đời: Dưới lớp cỏ xanh Thành cổ là nơi các chiến sĩ đang yên nghỉ! Cũng như thơ vậy, “tứ nhạc” đã nâng lời hát bay lên...

Mượn nốt nhạc, gửi gắm vào đó những xao động tận đáy lòng, “mã hóa” bằng thanh âm, giai điệu, thế nên bài hát cũng là tiếng lòng tác giả. Nhạc sĩ Tân Huyền kể tiếp, bài hát còn là nỗi niềm riêng. Nhạc sĩ có người em trai đi bộ đội vào Nam. Từ ngày em đi, mẹ nhạc sĩ cứ chiều chiều lại đứng tựa cửa ngóng con. Nhưng người con ấy mãi mãi không trở về... Hình bóng người mẹ ấy in vào lời hát: “Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”. Lời hát thì lắng lại, lặn vào trong tâm hồn người nghe, để rồi hiện ra trong tưởng tượng hình bóng người phụ nữ Việt Nam ngày xưa ngóng chồng trong cổ tích, còn thời kháng chiến đuổi giặc thực dân, đế quốc thì ngóng con trong đời thực. Và ngoài đời thực cũng có bao người vợ mang hình dáng nàng Vọng phu ngóng chồng...

NGUYỄN THANH TÚ