Trong căn nhà khá yên tĩnh ở số 4, khu chung cư Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh (Nghệ An), Thiếu tướng Cao Xuân Khuông đã kể với chúng tôi về những năm tháng binh nghiệp gian khổ, nhưng rất hào hùng, nhất là 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) kiên cường chiến đấu, đánh bật nhiều đợt tiến công của địch, trụ vững tại Thành cổ Quảng Trị, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ.

“Tôi nhập ngũ ngày 2-2-1960, thuộc Tiểu đoàn 955, Công an nhân dân vũ trang, đóng quân ở khu vực biên giới Con Cuông-Khe Tang, tỉnh Nghệ An, cùng đơn vị làm nhiệm vụ trừ gian, diệt phỉ trên địa bàn. Tháng 4-1961, tôi được chọn đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Tốt nghiệp năm 1964, tôi được phong quân hàm thiếu úy, bổ nhiệm Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 1, Tiểu đoàn 924 thuộc Công an nhân dân vũ trang Quân khu 4. Gần hai năm chiến đấu tiễu phỉ ở Mường Lống (Kỳ Sơn, Nghệ An) và các địa phương trên biên giới đất bạn Lào, tôi được bổ nhiệm Phó đại đội trưởng Đại đội 1. Tháng 5-1965, Sư đoàn 324 (Quân khu 4) tái lập, tôi được điều động về làm trợ lý tác chiến Ban Tham mưu Trung đoàn 2 (Sư đoàn 324) và hành quân vào chiến trường Quảng Trị chiến đấu. Năm 1966, tôi được bổ nhiệm Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 2. Đến năm 1969, tôi được thăng quân hàm thượng úy và điều động về làm trợ lý Ban Tác chiến Quân khu Trị Thiên. Năm 1970, đồng chí Nguyễn Văn Lương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 (hay còn gọi là Tiểu đoàn 808, K8) bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị bị thương nặng phải chuyển tuyến sau, tôi được bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, tác chiến ở địa bàn các huyện: Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị). Từ đây, tôi gắn bó với Tiểu đoàn và kiên cường bám trụ chiến đấu ở Quảng Trị đến đầu năm 1973”, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông kể.

leftcenterrightdel
 Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông (bên trái) tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

“Trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Tiểu đoàn 8 do tôi chỉ huy, phối hợp với các đơn vị bạn và LLVT nhân dân trên địa bàn chiến đấu, góp phần giải phóng tỉnh Quảng Trị (ngày 1-5-1972). Sau đó, Tiểu đoàn 8 nhận nhiệm vụ củng cố và bảo vệ vùng giải phóng, xây dựng cơ sở chính trị và LLVT nhân dân, sẵn sàng đánh địch phản kích tái chiếm Quảng Trị. Ngày 16-6-1972, Tiểu đoàn 8 nhận được lệnh của trên tổ chức lực lượng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Sau khi trinh sát, Đảng ủy Tiểu đoàn 8 họp bàn, xây dựng kế hoạch, quyết tâm chiến đấu và được trên phê duyệt. Cụ thể, Tiểu đoàn bố trí Đại đội 1 chốt ở La Vang, Đại đội 2 trong Thành cổ, Đại đội 3 ở làng Thạch Hãn, Đại đội 4 và Tiểu đoàn bộ ở làng Tri Bưu, làng Cổ Chánh. Các đơn vị tận dụng vật liệu tại chỗ khẩn trương xây dựng hầm hào, công sự chiến đấu. Đến ngày 22-6-1972, các đơn vị của Tiểu đoàn bố trí xong trận địa. Như vậy, Tiểu đoàn 8 là đơn vị đầu tiên chiếm lĩnh vị trí chiến đấu ở thị xã Quảng Trị, bảo vệ Thành cổ”-Thiếu tướng Cao Xuân Khuông nhớ lại.

Từ ngày 28-6-1972, địch bắt đầu tổ chức lực lượng tiến công Thành cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn 8 là đơn vị đầu tiên giáp chiến với địch, đã đẩy lui nhiều đợt tiến công của chúng. Sau đó, Tiểu đoàn 8 phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực: Trung đoàn 48, Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320B), Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325) và bộ đội của Sư đoàn 312, Sư đoàn 308, cùng Tiểu đoàn 3 (K3-Tam Đảo) chốt giữ Thành cổ Quảng Trị. Sau 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt, dũng cảm, trụ vững trên các trận địa, trong quá trình chiến đấu, Tiểu đoàn 8 từ quân số ban đầu hơn 300 cán bộ, chiến sĩ, được bổ sung quân số lên tới gần 1.000 người, đánh 209 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hơn 2.000 tên địch... Ngày 16-9-1972, Tiểu đoàn 8 là một trong những đơn vị cuối cùng rút khỏi Thành cổ Quảng Trị.

“Sau khi các đơn vị rút ra vị trí tập kết an toàn, tôi và đồng chí Lê Anh Dũng, Chính trị viên Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 48) được triệu tập ra Hà Nội để báo cáo với lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Lê Trọng Tấn... trực tiếp nghe chúng tôi báo cáo và khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Với thành tích chiến đấu, trụ vững 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn 8 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 20-12-1972. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. 7 tập thể và 125 cá nhân thuộc Tiểu đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến công các hạng”, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông nói trong niềm tự hào.

XUÂN GIANG