Trên đường vượt Trường Sơn vào Quảng Trị sẽ qua Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) quê tôi nên tôi được phép đi trước 3 ngày để tranh thủ thăm nhà. Lĩnh trang bị đi B, buộc chắc vào xe đạp, bỏ bữa cơm chiều, tôi đạp xe 50km từ trường về Hà Nội để kịp chuyến tàu đi Thanh Hóa khởi hành lúc 19 giờ 30 phút. Đến ngày thứ ba, theo hẹn, tôi tạm biệt gia đình lên Vĩnh Lộc mắc võng ở hàng cây bên đường nằm chờ đón đoàn cán bộ đi B ngoài Hà Nội vào. Sau 7 ngày đêm, vượt qua các trọng điểm, xe ô tô đèn gầm đưa chúng tôi vào đến ngã ba Bãi Hà. Từ đó chúng tôi hành quân bộ và lần lượt bổ sung về các đơn vị ngay trên đường vào chiến dịch. Tôi được về làm Chính trị viên Đại đội 7, Tiểu đoàn 3 pháo cao xạ 37mm, Đoàn Bông Lau 2 (mật danh của Trung đoàn 45-Tất Thắng, nay là Lữ đoàn 45, Binh chủng Pháo binh) đang chuẩn bị vượt ngầm Bến Hải. Từ giờ phút ấy, tôi liên tục sống với những thử thách khốc liệt của cuộc chiến đấu.

leftcenterrightdel

Đại tá Hoàng Hải (ngoài cùng, bên phải) trong lần đến thăm đồng đội tháng 6-2022. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Lúc này, ở Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị (B5), các đơn vị chủ lực lần lượt vào tham chiến, trong đó có Trung đoàn 45. Để bảo vệ các trận địa pháo binh, suốt nhiều tháng qua, Đại đội 7 của tôi đã tổ chức nhiều trận đánh máy bay của Mỹ-ngụy. Sau khi ta giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972), với mục tiêu tái chiếm thị xã và Thành cổ Quảng Trị, không quân Mỹ-ngụy đã sử dụng B-52 cùng nhiều loại máy bay khác ném bom rải thảm, đánh phá trận địa của ta rất ác liệt. Vượt qua gian khổ, bom đạn, hy sinh, chúng tôi vẫn kiên trì bám trụ, cơ động chiến đấu cùng các đơn vị bạn. Đơn vị pháo cao xạ chúng tôi có ngày bắn hạ hai máy bay địch và bắn nhiều chiếc bị thương...

Đang chiến đấu chặn đánh địch chi viện cho thành cổ tại đầu cầu Quảng Trị thì tôi nhận lệnh về làm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 pháo mặt đất (Trung đoàn 45) vì Chính trị viên đại đội Mai Sĩ Dụ vừa hy sinh. Đại đội 1 pháo mặt đất 130mm tầm xa trụ bám chiến đấu đã qua hai tháng tại ngã ba Ba Gơ dưới chân đèo Phượng Hoàng. Đây là mục tiêu trọng điểm đánh phá của địch. Các trận địa pháo của Đại đội 1 đã thành bãi bom B-52, bom tọa độ, là mục tiêu pháo kích của các loại pháo trên bộ, trên biển của địch. Cán bộ đại đội có 5 người thì bị thương và hy sinh mất 3. Đại đội mới được bổ sung thêm một số chiến sĩ là sinh viên xung phong vào chiến trường, còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu... Trước tình hình đó, tôi nhanh chóng nắm bắt tư tưởng bộ đội, lãnh đạo đại đội quyết tâm chiến đấu; tổ chức các trận địa pháo giả, nghi binh, đồng thời tổ chức đánh tiêu diệt các mục tiêu của địch. 

Gần một năm tròn, những sĩ quan pháo binh từ miền Bắc vào tăng cường đã chiến đấu không nghỉ trên chiến trường Quảng Trị. Đến giữa tháng 2-1973, chúng tôi được lệnh ra Bắc. Cho tới bây giờ, ký ức về những ngày chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 luôn đau đáu trong lòng tôi, khiến tôi nhiều đêm dài thao thức, nhất là khi nhớ về những đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Tôi không sao quên được tấm gương chiến đấu anh dũng của những chiến sĩ cảm tử ở đài quan sát pháo binh, mật danh Bản Đông, khi bị cả trung đoàn địch áp sát, vây chặt. Các anh không ngần ngại hy sinh khi lấy thân mình làm mục tiêu tọa độ, gọi pháo của ta bắn tiêu diệt địch để phá vây. Tôi không thể quên ngày cả đơn vị tập trung khẩn cấp để moi hầm bị bom B-52 vùi lấp đến tứa máu cả 5 đầu ngón tay mà vẫn không cứu được chiến sĩ thông tin liên lạc Mai Xuân Bào trong trận chiến đấu ở An Du Đông, Vĩnh Tân, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ký ức Quảng Trị bi tráng và hào hùng 50 năm qua chưa bao giờ ngủ quên trong trái tim tôi!

Đại tá HOÀNG HẢI - Nguyên Trưởng phòng Tổ chức, Cục Chính trị, Tổng cục Chính trị