Tròn 50 năm chúng tôi mới trở lại Bến Giằng, làm việc với chính quyền huyện Nam Giang để xác định vị trí đặt bia Di tích lịch sử Sở chỉ huy Sư đoàn 471 trong chiến tranh. Đứng trên cầu Bến Giằng nhìn cảnh cũ, núi xưa mà lòng bồi hồi nhớ lại những năm tháng “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Ngã ba sông Thanh chảy vào sông Cái hiện ra trước mặt, lại nhớ những trận lũ tràn về; nhớ chiếc cầu phao thơ mộng oằn mình theo những chuyến xe lăn. Bây giờ qua khỏi cầu Bến Giằng chỉ còn con Đường 14D ngược dòng sông Thanh về cửa khẩu Nam Giang. Còn ngày ấy qua khỏi cầu Bến Giằng là leo dốc vượt đèo Pe Ke để ra Bắc. Đây chính là con đường quan trọng nhất để nối thông tuyến Đông Trường Sơn. Cầu phao Bến Giằng khi đó là niềm kiêu hãnh của Bộ đội Trường Sơn chúng tôi. Vị trí của nó cũng chính là vị trí của cây cầu bê tông cốt thép hiện đại bây giờ. Từ trên cầu nhìn xuống bờ nam sông Cái vẫn còn những đoạn đường lên từ cầu phao nối với Đường 14.

Tháng 6-1973, Bộ tư lệnh khu vực (sau là sư đoàn) 471 Trường Sơn lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn. Nhiệm vụ được giao: Bảo đảm an toàn và nâng cấp tuyến hành lang chiến lược Đông Trường Sơn đoạn từ Trao-Bung-Bến Giằng theo Đường 14 qua Khâm Đức về Sa Thầy, Kon Tum; vận chuyển hàng cho Khu 5 và Bắc Tây Nguyên. 4 trung đoàn công binh chiếm lĩnh vị trí tác nghiệp: Trung đoàn 35, Trung đoàn 530 đoạn Trao-Bến Giằng; Trung đoàn 529 là Đường 14; Trung đoàn 10 mở đường tránh Đắc Pét. Trung đoàn 99 bảo đảm cầu phà vượt sông A Vương, sông Bung và sông Cái. Trung đoàn Xe 536 ở khu vực Nam cầu Xơi. Trung đoàn Cao xạ 545 ở khu vực làng Hồi. Bến Giằng được chọn là nơi đặt sở chỉ huy của Sư đoàn.

leftcenterrightdel

 Đảng ủy, Bộ tư lệnh Sư đoàn 471 họp tại Bến Giằng (tháng 9-1973). Ảnh: PHẠM THÀNH LONG

Chọn Bến Giằng làm nơi đặt Sở chỉ huy, Bộ tư lệnh khu vực 471 phải cải tạo, mở rộng Đường 13 từ Bến Giằng ngược sông Thanh hơn 10km tới vị trí đặt cơ quan của huyện Nam Giang. Đường mở tới đâu các đơn vị trực thuộc xây dựng doanh trại tới đó. Doanh trại được xây dựng chắc chắn ở nơi bằng phẳng phát quang xung quanh. Cơ quan Bộ tư lệnh đóng quân trên những quả đồi thấp, rừng non bên lở sông Thanh cách cầu phao Bến Giằng 2km. Chỉ trong một thời gian ngắn, những ngôi nhà vững chắc, thông thoáng đã được xây dựng. Hệ thống đường sá được mở rộng rất thuận tiện trong sinh hoạt. Đêm đến có đèn điện thắp sáng. Điều chưa từng có ở nơi đây. Nhân dân và chính quyền huyện Nam Giang rất tin tưởng vào Bộ đội Trường Sơn. Một sân vận động lớn được san ủi ngay trên Đường 13 nằm trong trung tâm doanh trại cơ quan Bộ tư lệnh. Đêm đêm bộ đội và nhân dân tới sân vận động xem chiếu phim do các đội chiếu bóng của Bộ tư lệnh phục vụ. Giờ nghỉ buổi chiều, các sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, khu luyện tập thể thao thu hút cán bộ, chiến sĩ tham gia luyện tập.

Cùng với việc xây dựng doanh trại, xây dựng Sở chỉ huy, Bộ tư lệnh khu vực 471 tập trung chỉ đạo các đơn vị củng cố tổ chức lực lượng; đẩy mạnh xây dựng cơ bản cầu đường theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi: Nền đường 9m, mặt đường 5,5m, cầu cống vĩnh cửu hoặc bán vĩnh cửu, bảo đảm cho hành quân cơ giới, vận chuyển cả hai mùa tốc độ tối đa 60km/giờ. Đoạn từ Trao vào Bến Giằng được xem là quan trọng nhất. Tuy chỉ có 52km nhưng Bộ tư lệnh đã phải tập trung lực lượng lớn cả Trung đoàn 35 và Trung đoàn 530. Đoạn này phải vượt qua 3 con sông: A Vương, Bung và sông Cái nước sâu, rộng, chảy xiết. Trung đoàn 99 phải bắc cầu phao cho xe qua sông. Phòng Tham mưu công binh thuộc Bộ tư lệnh bận rộn nhất. Trưởng phòng Chu Minh Đông và các cộng sự ngày đêm tham mưu cho Bộ tư lệnh chỉ đạo tác nghiệp trên các cung đường và mở đường tránh qua Đắc Pét để thông tuyến Đông Trường Sơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, đơn vị đã nâng cấp hàng trăm ki-lô-mét đường bảo đảm cho xe vận tải hoạt động thông suốt, nối thông tuyến Đông Trường Sơn.

Để chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng Thượng Đức, công binh tiến hành sửa chữa cầu cống hư hỏng trên Đường 14 đoạn Bến Giằng đi Thạnh Mỹ. Nhiều sáng kiến hay đã được thực hiện như việc dùng sắt-xi (chassis) xe biến thành dầm cầu cho xe thiết giáp qua lại an toàn. Bến Giằng trở thành ngã tư đường cơ giới phục vụ đắc lực cho tuyến chi viện. 

Các sĩ quan Phòng Tham mưu vận chuyển đứng đầu là Trưởng phòng Trương Hữu Thanh đã thực hiện rất tốt chỉ lệnh vận chuyển hàng cho Khu 5 và các hướng chiến dịch mùa khô 1973, 1974, hoàn thành đạt 250% kế hoạch, nhanh chóng chở hàng trăm tấn lương thực cứu đói cho dân trong điều kiện mưa bão...

Trưởng phòng Tham mưu tác chiến Đỗ Hữu Tần thực hiện nghiêm chỉ lệnh của Bộ tư lệnh; hợp đồng tác chiến với các Tỉnh đội Quảng Đà và Kon Tum để giữ vững vùng giải phóng, bảo đảm an toàn cho tuyến Đông Trường Sơn. Thời cơ đến, ta giải phóng Đắc Pét. Bộ đội Bộ tư lệnh khu vực 471 được giao đánh chiếm cứ điểm Beng Viêng phía Tây Nam căn cứ. Sau ít giờ nổ súng, quân ta làm chủ căn cứ. Bộ tư lệnh khu vực 471 tiếp quản Đắc Pét. Khôi phục lại Đường 14, đưa lực lượng bộ binh và cao xạ 37mm vào chiếm giữ; bảo đảm cho tuyến đường ống xăng dầu và đường dây tải ba thi công an toàn và vận hành thông suốt.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Sư đoàn 471 với lãnh đạo tỉnh Quảng Đà sau cuộc họp bàn về kế hoạch hỗ trợ hậu cần cho Quảng Đà. Ảnh: PHẠM THÀNH LONG

Bến Giằng từ chỗ hoang vu đầy hố bom đạn của Mỹ, ngụy, xơ xác những thân cây chết khô bởi chất độc hóa học Mỹ, không một nếp nhà tồn tại đã đổi thay bởi bàn tay của những người lính Bộ tư lệnh khu vực 471 Trường Sơn. Những căn nhà bề thế mang dáng dấp của một doanh trại Quân đội; những con đường to đẹp, tấp nập xe cộ vào ra. Hội trường lớn được xây dựng. Dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh, đứng đầu là Tư lệnh Nguyễn Lạn và các sĩ quan chính trị đã tổ chức nhiều hội nghị, hội diễn thu hút hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ tham gia. Bến Giằng trở thành một địa điểm thu hút các đoàn khách ghé thăm. Là nơi nhân dân Nam Giang và các đơn vị lân cận tìm đến để xem các đoàn văn công Trung ương biểu diễn. Là nơi mà nhân dân tìm về Viện Quân y 46 thăm khám, chữa bệnh. Viện Quân y 46 là nơi tin cậy của nhân dân Nam Giang-nơi đã xử lý được nhiều ca bệnh khó; nơi thăm khám, điều trị cho nhiều chị em bị sang chấn tâm lý do những đòn tra tấn dã man của Mỹ, ngụy trong những cuộc bắt bớ tàn sát của bọn chúng...

Ngày 9-12-2013, Bến Giằng được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt trên Đường Trường Sơn. Hàng chục năm trôi qua, Bến Giằng có nhiều thay đổi. Những dấu tích khi xưa được thay thế bằng các khu dân cư, công sở, trường học. Điều đáng chú ý nhất là con đường từ cầu Bến Giằng ngược lên phía Bắc qua đèo Pe Ke về Bung-Trao-Bù Lạch hiện không còn nữa, nhường chỗ cho các công trình thủy điện trên dòng sông Bung và sông A Vương. Ngã tư khi xưa nay thành ngã ba. Nhưng Bến Giằng vẫn là một vị trí trọng yếu, một vị trí chiến lược trong kế hoạch phòng thủ của đất nước... Rồi đây, được sự cho phép của cơ quan chức năng, Bia di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt sẽ được các cựu chiến binh-hội viên Hội Trường Sơn Sư đoàn 471 xây dựng trên mảnh đất này ghi rõ chiến công ngày ấy, để thế hệ mai sau tự hào về mảnh đất Bến Giằng trong lịch sử đấu tranh thống nhất đất nước.

Ghi chép của NGUYỄN KIM CHÚC