Đầu tháng 2-1925, với bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc gửi hai lá thư (do Lâm Đức Thụ và Hồ Tùng Mậu trực tiếp chuyển) cho cụ Phan Bội Châu. Nhận được thư, cụ Phan Bội Châu đã viết thư trả lời. Trong thư trả lời đề ngày 14-2-1925, cụ Phan Bội Châu viết: “Nhận được liên tiếp hai lá thư của cháu, bác cảm thấy vừa buồn vừa mừng. Buồn là buồn cho thân bác mà mừng là mừng cho đất nước ta”. Không giấu niềm vui, cụ ca ngợi người viết: “Tuy thư dựa trực tiếp trên chuyện thật, nhưng ngụ ý sâu sắc, mà lối lập luận lại dựa trên những ý tưởng lớn, nhân đó mới biết là học vấn, tri thức của cháu nay đã tăng cường quá nhiều, quả thật không phải như hai mươi năm về trước”. Cụ đặt niềm hy vọng, niềm tin cứu nước vào Nguyễn Ái Quốc: “Việc gây dựng lại giang sơn, ngoài cháu có ai để nhờ ủy thác gánh vác trách nhiệm thay mình. Có được niềm an ủi lớn lao như thế, làm sao bác không cảm thấy vui mừng được?”. “Mở lớp” là việc lớn, hệ trọng, không thể nói cụ thể trong thư. Cụ có ý hẹn “đang định tìm một dịp tốt về Quảng Đông một chuyến để đàm luận với cháu, không biết cháu còn ở lại Quảng Đông lâu mau, hoặc giả trong tương lai có định đi chỗ khác không? Trong lòng bác có nhiều chuyện muốn hỏi ý kiến cháu nhưng không gặp mặt thì làm sao có thể bàn cho hết ý được? Làm sao được? Nếu không coi già yếu là đồ bỏ thì cháu viết thư nhiều cho bác, bác thành thật yêu cầu cháu đấy”.

Gói vào mấy chữ “để đàm luận” là bao mong muốn, thao thức, trăn trở về cách mạng sẽ được trao đổi cụ thể trong cuộc gặp gỡ sắp tới. Thế nhưng tháng 6-1925, thực dân Pháp đê hèn đã bắt cóc nhà cách mạng Phan Bội Châu đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Sự kiện đó không chỉ là một tổn thất lớn cho cách mạng Việt Nam mà còn là nỗi đau khôn nguôi của Nguyễn Ái Quốc, cả về tình cảm cá nhân (Phan Bội Châu là bạn thân của cụ Nguyễn Sinh Sắc-thân sinh của Người), nhất là trong lúc cách mạng đang cần cụ Phan. Trong bối cảnh Phan Bội Châu sắp bị xử án thì Alexandre Varenne (Varen) chuẩn bị sang nhậm chức Toàn quyền Đông Dương.

Vậy Varenne là ai?

Alexandre Varenne (1870-1947), luật sư, nhà báo, đảng viên Đảng Xã hội Pháp, dự Đại hội Tours, không tán thành Quốc tế Cộng sản, toàn quyền Đông Dương năm 1925. Trong bài báo “Chủ nghĩa đế quốc Pháp ở Viễn Đông-Varen và Đông Dương” in trên Báo Le Paria số 35, tháng 2-1925, Nguyễn Ái Quốc giải thích: “Panhlơvê (Paul Painlevé (1863-1933), Thủ tướng Pháp giai đoạn 1917-1925) cử Varen sang Đông Dương vì sao?... Vì trước nguy cơ một sự chia rẽ trong Các-ten (Cartel), Panhlơvê tìm cách (thật khổ cho tôi phải nói ra) lấy lòng đảng viên xã hội, qua cá nhân Varen, kẻ được chọn trong số những kẻ độc ác nhất. Còn Varen, trước và sau đều có đối thủ ganh đua, không mong gì hơn là được ngoạm, miễn là miếng đáng ngoạm mà miếng này thì đáng ngoạm thật!”. Varen bị hạ bệ chỉ qua một từ “ngoạm”, vốn là một động từ chỉ hành vi “ăn, cắn” theo bản năng của động vật bốn chân. Từ “ngoạm” này được lặp lại tới 3 lần trong một mảnh đoạn để nhấn mạnh, đay đả về bản năng “động vật” của hắn.

Thì ra Thủ tướng Pháp chọn Varen sang làm Toàn quyền Đông Dương không do đạo đức hay năng lực, mà vì mục đích chính trị khác: “Lấy lòng đảng viên xã hội”. Một tiếng cười mỉa mai của một công dân xứ thuộc địa mà hướng tới các đối tượng “cao cả” của nước mẹ Đại Pháp: “Sự tha hóa của nhà nước chính quốc” và “tham vọng của bọn hãnh tiến ở chính quốc”. Đồng thời còn là nỗi xót xa, nỗi đau cho xứ thuộc địa sắp có một vị toàn quyền... chỉ biết “ngoạm”. Nếu vậy số phận Đông Dương sẽ ra sao? Chỉ bằng một động từ này, nhà trào phúng đã làm lộn nhào đối tượng từ địa vị tưởng là sang trọng xuống vị trí thấp hèn đúng với bản chất! Còn nữa, Panhlơvê là ông chủ của Varen, “tớ” thế, thì “chủ” chắc cũng chẳng hơn gì!

Trong bối cảnh ấy, với tài năng văn chương và sự nhạy cảm chính trị của Nguyễn Ái Quốc, truyện “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” ra đời. Truyện được in trên Báo Le Paria số 36, 37, tháng 9 và 10-1925, ghi tên tác giả Nguyễn Ái Quốc. Chỉ là một câu chuyện tưởng tượng về “cuộc chạm trán”, “một tấn kịch” giữa Toàn quyền Đông Dương Varen-“con người phản bội” với Phan Bội Châu-“bậc anh hùng, vị thiên sứ”. Varen ra sức dùng lời lẽ dụ dỗ người chí sĩ yêu nước phản bội dân tộc, làm tay sai cho Pháp. Nhưng Phan Bội Châu đã đáp trả Varen bằng thái độ dửng dưng, khinh bỉ và cuối cùng, theo hình dung của “một nhân chứng”, thì có hành động của cụ Phan nhổ vào mặt quan Toàn quyền!

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp ở Tours, tháng 12-1920. Ảnh tư liệu

Kết cấu truyện triệt để sử dụng hình thức tương phản: “Ôi thật là một tấn kịch! Ôi thật là một cuộc chạm trán! Con người đã phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình, lúc này mặt đối mặt với người kia, con người đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, và giờ đây đang bị, vẫn chúng, đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ.

Giữa kẻ phản bội nhục nhã và bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được 20 triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng, giữa hai con người đó xảy ra chuyện gì đây?”.

Một câu văn dài tới 15 mệnh đề tương phản, đối chọi gay gắt một trời một vực. Các mệnh đề được ngắt ra bởi các dấu phẩy, nhân vật Varen được 5 mệnh đề bổ ngữ cấu trúc theo lối lặp để diễn tả: Phản bội giai cấp vô sản Pháp, tên chính khách đã bị đồng bọn đuổi ra khỏi tập đoàn, kẻ đã ruồng bỏ quá khứ, ruồng bỏ lòng tin, ruồng bỏ giai cấp mình. Thật xứng là kẻ nhục nhã!

Nhân vật Phan Bội Châu được diễn tả hoàn toàn ngược lại về tính cách, địa vị: Đã hy sinh cả gia đình và của cải để xa lánh khỏi thấy mặt bọn cướp nước mình, sống xa lìa quê hương, luôn luôn bị lũ này săn đuổi, bị chúng nhử vào muôn nghìn cạm bẫy, bị chúng kết án tử hình vắng mặt, đeo gông lên vai, đày đọa trong nhà giam, ngày đêm bị bóng dáng của máy chém như một bóng ma ám kề bên cổ. Đúng là bậc anh hùng, vị thiên sứ! Chưa cần tới lời bình luận của tác giả, chỉ cần sự tương phản triệt để giữa hai con người này, bạn đọc cũng đã cảm nhận được sự kính trọng anh hùng Phan Bội Châu bao nhiêu thì khinh bỉ kẻ đê tiện Varen bấy nhiêu.

Đặt vào hoàn cảnh xã hội Pháp đầu những năm 20 của thế kỷ trước, đối chiếu với phong cách văn chương trào phúng cũng như tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc, chỉ một truyện ngắn “Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu” đã đủ để bật ra các ý nghĩa: Một, phơi bày mâu thuẫn nội bộ của Chính phủ Pháp lúc bấy giờ (cử Varen làm Toàn quyền Đông Dương chỉ là cách xoa dịu mâu thuẫn các phe phái); Hai, lột trần bộ mặt phản bội, đớn hèn của “Toàn quyền Đông Dương”; Ba, thể hiện lòng kính trọng sâu sắc tới cụ Phan, nêu cao tấm gương hy sinh vì đất nước, vì cách mạng tới những “bậc anh hùng” (như cụ Phan); Bốn, một tiếng chuông cảnh tỉnh tới đất nước, cách mạng, nhất là các học viên của lớp chính trị đang liên tục mở ở Quảng Châu về bài học với thực dân Pháp thâm độc (thay Toàn quyền), đê hèn (bắt cóc cụ Phan, ngay Toàn quyền Varen “độc ác” cũng tiêu biểu cho tính cách phản bội). Càng thấy rõ thêm quan niệm của Bác, văn học-nghệ thuật là một thứ vũ khí sắc bén phục vụ chính trị, phục vụ cách mạng kịp thời, sâu sắc, hiệu quả.

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ