Những hiện vật thắm tình hữu nghị 

Chúng tôi rất ấn tượng với những lời giới thiệu lưu loát của thuyết minh viên Lăng Thu Vũ về từng sự kiện, mốc thời gian trong hơn 600 bức ảnh và 60 hiện vật được trưng bày tại Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, TP Sùng Tả. Các câu chuyện đã đưa người nghe trở về với những khoảnh khắc của lịch sử.

Bắt đầu từ pho tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở vị trí trang trọng nhất tại sảnh ngoài, do Bảo tàng Hồ Chí Minh Việt Nam trao tặng. Bước vào tầng 1 là bức ảnh căn nhà của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Rồi như một bộ phim, hàng loạt sự kiện tiếp nối nhau một cách liền mạch theo tiến trình lịch sử cách mạng thời kỳ Bác Hồ ở Trung Quốc; những thắng lợi của cách mạng Việt Nam; những kỷ niệm đẹp của Bác với nhân dân Trung Quốc...

Đoàn công tác dừng lại trước bức tranh sơn dầu mô tả cảnh Bác Hồ vượt qua biên giới về nước vào năm 1941. Sau đó là hàng loạt bức ảnh, hiện vật được sưu tầm kể về giai đoạn Bác bị lực lượng Quốc dân Đảng bắt giữ và cầm tù. Mỗi bức ảnh nhắc nhớ về những năm tháng khổ cực nhưng đầy khí phách hiên ngang của người cộng sản Nguyễn Ái Quốc, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam, được Bác thể hiện qua 133 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù”.

Tại Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh (số 74 đường Nam), trong diện tích 1.230m2 trưng bày khá nhiều hiện vật liên quan đến Người như: Chiếc bát sứ Bác dùng ở nhà ông Nông Kỳ Chấn tại bản Nà Tạo, xã Hạ Đống; chiếc chậu thau đồng mà Bác và những người cách mạng khác đã sử dụng trong thời gian nghỉ tại nhà ông Tô Trung Lương ở bản Lũng Ỷ, Bình Mạnh, huyện Nà Pha; chiếc gối và vali da năm xưa Bác để giữ tài liệu và súng lục; chậu đất, niêu đất-những đồ vật Bác dùng khi nghỉ chân ở nhà ông Trương Kỳ Siêu ở số 3 phố Long Lâm, huyện Tĩnh Tây...

Nghe thuyết minh về những năm tháng Bác Hồ vất vả hoạt động ở Trung Quốc, các thành viên đoàn công tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam không giấu được sự cảm phục, xúc động.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam tặng quà lưu niệm đại diện Ban Quản lý Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10-2024.
 

Vùng đất địa linh

Di tích này hiện còn trưng bày rất nhiều bức ảnh kể về quá trình cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, như hình ảnh Cách mạng Tháng Tám năm 1945; những lần Bác Hồ bí mật gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong giai đoạn 1948-1950 để bàn kế hoạch chống thực dân Pháp. Đó còn là hình ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 lẫy lừng; hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc năm 1955. Cùng với đó là hàng loạt bức ảnh Bác Hồ thân thiết với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc hay những bức ảnh quý về quá trình Bác sống, chữa bệnh, đi thăm người dân Trung Quốc ở khắp địa danh xưa kia Bác và các chiến sĩ cách mạng tiền bối từng hoạt động.

Theo hướng tay chỉ của thuyết minh viên, mọi người đưa mắt ngắm nhìn cảnh sắc tuyệt đẹp xung quanh ngôi nhà với cánh đồng vàng óng, dòng sông xanh thẳm. Nơi đây là một trong 8 cảnh đẹp nhất ở Long Châu, do hai con sông hợp lại. Một con sông bắt nguồn từ tỉnh Cao Bằng (Việt Nam), gọi là sông Bình Nhi. Con sông thứ hai bắt nguồn từ Thủy Khẩu (Trung Quốc), gọi là sông Thủy Khẩu. Mảnh đất ngôi nhà tọa lạc là nơi hội tụ của hai con sông, tạo nên một liên tưởng thú vị và có ý nghĩa sâu xa: Hai nước Việt Nam-Trung Quốc núi liền núi, sông liền sông. Chính sự thuận tiện về địa lý và sâu sắc về ý nghĩa ấy mà vùng đất địa linh này đã được các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước Việt Nam-Trung Quốc lựa chọn để phục vụ các hoạt động cách mạng.

Là địa phương tiếp giáp với hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam nên từ thập niên 1930, ngay sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Long Châu đã trở thành căn cứ địa quan trọng của Đảng ở hải ngoại; là nơi những người cộng sản yêu nước như: Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh... hoạt động suốt một thời gian dài.

Trong những năm 40 của thế kỷ trước, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chủ yếu hoạt động cách mạng ở khu vực vùng biên giới Trung Quốc, trong đó có Long Châu. Tháng 12-1940, Người ở Tĩnh Tây; sau đó, năm 1942-1943, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà lao ở 13 huyện của tỉnh Quảng Tây như: Thiên Bảo, Tĩnh Tây, Quế Lâm, Liễu Châu...

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam tham quan các hiện vật trưng bày tại Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 10-2024.

Giá trị trường tồn

Phát huy giá trị lịch sử của Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại huyện Long Châu, thời gian qua, nơi đây đã đón tiếp nhiều đoàn khách Trung Quốc, Việt Nam cũng như khách quốc tế đến tham quan, học tập. Hơn 600 bức ảnh và 60 hiện vật được trưng bày theo hai chủ đề: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và “Long Châu với cách mạng Việt Nam” đã tái hiện sinh động quãng thời gian Bác và các chiến sĩ cộng sản hoạt động sôi nổi để chuẩn bị cho những thắng lợi của cách mạng Việt Nam sau này.

Đến tham quan các di tích tại huyện Long Châu vào tháng 10-2024, các thành viên đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ chia sẻ niềm xúc động về những kỷ vật của Bác mà còn bày tỏ niềm vui trước sự trân trọng, quan tâm đầu tư của chính quyền Trung Quốc từ Trung ương đến địa phương; tình cảm của nhân dân nước bạn dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Chúng tôi vô cùng xúc động trước việc các đồng chí đã sưu tầm, duy trì, bảo quản rất tốt những hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu tại Quảng Tây. Điều này thể hiện tình cảm đặc biệt của các đồng chí đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng thể hiện sự thủy chung, trước sau như một với Việt Nam chúng tôi. Những di tích gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam tại Trung Quốc đã trở thành tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt-Trung. Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, khắc ghi sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng, Chính phủ, Quân đội và nhân dân Trung Quốc trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước ngày nay”, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn công tác Bộ Quốc phòng Việt Nam xúc động chia sẻ.

Để có thể gìn giữ lâu dài những di sản văn hóa chung của hai nước Việt-Trung, cách đây gần 10 năm, chính quyền Long Châu đã khôi phục di tích này đúng như thời kỳ Bác Hồ ở và làm việc vào những năm 40 của thế kỷ trước. Diện tích còn lại, phía Trung Quốc đã làm Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Long Châu-nơi ghi dấu ấn rất đặc biệt trong mối quan hệ hữu nghị Việt-Trung.

Thuyết minh viên Lăng Thu Vũ thông tin thêm: “Chính phủ Trung Quốc đã quan tâm đầu tư, tu bổ công trình, công nhận Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích lịch sử. Từ khi khai trương ngày 19-5-2006 đến nay, chúng tôi đã đón tiếp hàng nghìn lượt người tham quan, tạo được hiệu quả xã hội tích cực. Nhà triển lãm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ giáo dục cách mạng truyền thống giàu ý nghĩa cho thế hệ trẻ hai nước Trung Quốc-Việt Nam”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÒA