Đây là trách nhiệm của bất cứ ai, trong bất cứ việc gì: “Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua...”. Chủ thể thi đua được Bác đưa ra là toàn diện: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”. Văn bản chỉ khép lại về hình thức câu chữ nhưng mở ra cả một niềm tin lớn lao: “... với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và Quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi”.

Có điểm khởi đầu nơi miền thượng nguồn là Bác và Trung ương Đảng, dòng chảy thi đua ái quốc ngày càng mạnh mẽ ào ạt xuôi về mọi miền đất nước, đến với mọi ngành, mọi nghề, mọi người, tạo ra hiệu ứng có sức lan tỏa lớn lao, lôi cuốn. Nhiều phong trào, khẩu hiệu thúc đẩy thi đua yêu nước đã phát triển khắp cả nước với nhiều sáng tạo đầy khí thế: “Hũ gạo kháng chiến”; “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”; “Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”...

Ngày hôm nay càng thấy tinh thần rất mực nhân văn của Bác. Vào thời điểm 3 thứ giặc đang rình rập nuốt chửng Nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ, Bác yêu cầu “diệt giặc đói” trước, tiếp sau là “diệt giặc dốt”. Tức Bác quan tâm trước hết đến “an ninh con người” (human security), cả về vật chất (diệt giặc đói), cả phương diện văn hóa tinh thần (diệt giặc dốt). Quan niệm này mãi đến năm 1994, Báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) mới đưa ra và nhấn mạnh thành tố đầu tiên (trong 7 thành tố) là “an ninh kinh tế” (bảo đảm mức sống cơ bản, xóa tình trạng đói nghèo). Càng thấy Bác đi trước thời đại!

Cũng cần biết thêm, không phải từ ngày Bác ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc mới thành phong trào, mà trước đó, ngay sau ngày đất nước độc lập, chính Bác là chủ thể tích cực nhất của thi đua. Đất nước đang trong mối nguy nan “thù trong, giặc ngoài”, thêm nạn đói hoành hành, ngân khố cạn kiệt, Bác Hồ “đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”. Hành động cụ thể, thiết thực của vị Chủ tịch nước nhanh chóng được hưởng ứng. Thi đua cần có tấm gương. Chính Bác là tấm gương sáng nhất. Nếu vĩ đại từ những điều nhỏ nhất, thì Bác của chúng ta thật vĩ đại vô cùng!

Sau này, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các phong trào thi đua: “Bám đất, bám làng”; “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Tay búa, tay súng”, “Ba sẵn sàng”, “5 xung phong”... Các khẩu hiệu thi đua: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tuổi nhỏ chí lớn”, “Dạy tốt, học tốt”... là nguồn động lực thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đi đến thắng lợi.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua lần thứ IV, năm 1966. Ảnh tư liệu 

Thi đua có ở trong chính đời sống thường ngày. Bác dạy: “Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”(1). Ngoài cách sống, lao động, học tập mẫu mực, là tấm gương của thi đua, Bác còn đưa cả “thi đua” vào thơ, sớm nhất là bài Thơ chúc Tết năm 1949: “Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua”. Bài thơ nói về tầm quan trọng của thi đua: “Động viên lực lượng và tinh thần” nhằm mục đích “Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi”. Kiến tạo một mô hình mang tính nền móng vững chắc của thi đua, bài thơ có mối quan hệ nhân-quả: “Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua” (nguyên nhân), thì: “Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua” (kết quả). Chủ thể thi đua được “thơ hóa”, bao quát và toàn diện: Là con người (người người); là công việc (ngành ngành); xuyên suốt thời gian (ngày ngày). Từ đó, mỗi dịp xuân về, Người đều có thơ chúc Tết, hầu như bài nào cũng chúc “thi đua”: “Năm mới thi đua mới” (Thơ chúc Tết, 1952); “Đoàn kết thi đua tiến tới” (Thơ chúc mừng năm mới, 1959)...

Quan trọng hơn, Bác đề ra sự thi đua mang tầm chiến lược của đất nước, của thời đại. Đó là thi đua giữa hai miền Nam-Bắc: “Miền Bắc thi đua xây dựng/ Miền Nam giữ vững thành đồng” (Thơ chúc mừng năm mới, 1956); “Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi” (Thư chúc mừng năm mới, 1965); “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ” (Thư chúc mừng năm mới, 1968). Là thi đua giữa tiền tuyến và hậu phương: “Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng/ Thi đua sản xuất, chiến đấu xung phong” (Thơ chúc mừng năm mới, 1966). Các tầng lớp thi đua: “Công nông binh đại thi đua, đại đoàn kết” (Công nông binh thi đua). Bác tin tưởng vào các cụ phụ lão thi đua: “Càng già càng dẻo, lại càng dai/ Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai”. Bác khuyên các cháu nhi đồng cũng thi đua: “Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành”. Bác đề ra sự thi đua giữa hai thế hệ già trẻ: “Già dù yếu sức mang mang nhẹ/ Trẻ cố ra công gánh gánh đầy”. Khi đã 78 tuổi, chính Bác Hồ tự khẳng định sức trẻ của mình: “Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm/ Vẫn vững hai tay việc nước nhà” để “thi đua”: “Tiến bước! Ta cùng con em ta”.

Về cách thức thi đua, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc từ năm 1948, Bác dạy: “Cách làm là: Dựa vào:/ Lực lượng của dân/ Tinh thần của dân, để gây:/ Hạnh phúc cho dân”. Soi tư tưởng “thi đua yêu nước” của Bác vào lịch sử hôm qua và hôm nay càng thấy Lời kêu gọi thi đua ái quốc là chân lý, cũng là nguyên lý cách mạng mang tầm phổ quát. Bởi nhờ động lực thi đua mà quân dân ta đã gặt hái những thành tựu vĩ đại được cả nhân loại khâm phục: Chiến thắng vẻ vang hai đế quốc đầu sỏ hùng mạnh là Pháp, Mỹ và ngày hôm nay đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) với những thành công mới thật đáng tự hào!

Xin kể một sự kiện, hồi ở Việt Bắc, một số đồng chí đến xin tiền Trung ương để “gây dựng phong trào”, Bác nói: “Trung ương chỉ cấp tiền để cho các chú đi và về thôi. Các chú phải dựa vào dân. Nếu chú có một que diêm, nhưng biết cách thì cũng có thể đốt được cả một cánh đồng. Còn nếu có cả mồi lửa to, nhưng không biết cách thì cũng không châm lên được...”(2). Một ngụ ngôn của tầm trí tuệ lớn đã gói trong đó “cách” xây dựng phong trào, dễ hiểu, thấm thía. Trước đó, năm 1942, Bác viết bài Nhóm lửa cũng là một “mô hình” về cách thi đua: “Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa/ Biết bao nhiêu là sự khó khăn?”. Nhưng khi đã hội tụ đủ các điều kiện thì thi đua bùng cao như ngọn lửa: “Khi lửa đà chắc chắn bén lên/ Thì mưa gió, chi chi cũng cháy/ Mưa lún phún, lửa càng nóng nảy/ Gió càng cao, ngọn lửa càng cao/ Núi rừng đều bén, cháy ào ào/ Lửa nung đỏ, cả giời sáng tóe...”. Mạnh mẽ bừng bừng như lửa. Lan truyền ào ạt như lửa. Thi đua là như vậy. Cách mạng nhờ thi đua sẽ mau chóng thắng lợi!

Thi đua là khơi nguồn, là động viên, khuyến khích, cổ vũ chứ không làm thay. Với quan niệm dựa vào dân nên trong mọi công tác, Bác yêu cầu để chủ thể tự chủ nêu và giải quyết vấn đề: “Phát động quần chúng không phải như lửa rơm, đốt cháy bùng lên rồi tắt ngay. Phải làm cho quần chúng giác ngộ, làm cho phong trào ăn sâu trong địa phương, tự quần chúng nêu vấn đề, tự họ giải quyết vấn đề, tự họ tranh đấu”(3). Đó là bài học vì dân, yêu dân, tin dân, trọng dân. Cách “tự... nêu vấn đề, tự... giải quyết vấn đề” chính là cốt lõi của phương pháp dạy học hiện đại thời Cách mạng công nghiệp 4.0 mà cả thế giới đang hưởng ứng. Như vậy, ngay ở lĩnh vực tuyên truyền, giáo dục, Bác cũng đi trước thời đại cả nửa thế kỷ!

NGUYÊN THANH

 (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, tr.658

(2) Nhiều tác giả, Bác Hồ sống mãi với chúng ta, tập 2, tr.477, 478

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, Sđd, tr.7