1. Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923-2002), tên thật là Nông Văn Quỳnh, được xem là “cánh chim đầu đàn” của các nhà văn dân tộc thiểu số. Ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.
Nhà thơ Nông Quốc Chấn viết nhiều thơ về Bác Hồ nhưng thành công hơn cả là “Bài thơ Pác Bó”. Nét đặc trưng của bài thơ này là tư duy so sánh rất gần gũi với nếp cảm, nếp nghĩ của đồng bào dân tộc vùng cao: Núi cao bao nhiêu ngọn/ Núi bao nhiêu hang sâu/ Khi Cụ Hồ chưa đến/ Ai biết đâu là đâu!/ Nước trong xanh dòng suối/ Trải mưa nắng bao đời/ Khi Cụ Hồ chưa tới/ Ai biết dòng đầy vơi! Nếu tách riêng mỗi câu thơ thì chỉ là câu tả, câu kể, ai cũng có thể làm được như thế. Nhưng đặt trong hệ thống mạch thơ thì nhờ cấu trúc tu từ so sánh trước và sau khi Cụ Hồ đến, cùng là thiên nhiên trời đất núi non nhưng trong cảm nhận của con người lại khác hẳn nhau. Nét thi pháp này đã nâng đối tượng miêu tả lên ngang tầm với thiên nhiên, vũ trụ: Bác về mọi người mới nhận ra núi cao như thế, hang sâu như vậy... Hình tượng vừa lớn lao, cao cả, vừa gần gũi, bình dị: Bác về mang lại sự nhận thức mới mẻ cho con người, mà trước đó không ai nhận ra! Sức chinh phục của nghệ thuật nhiều khi không nằm ở bản thân câu chữ mà nằm ở mối quan hệ câu chữ, chi tiết. Nhưng đấy mới chỉ là nền để bật ra tứ thơ đặc sắc, độc đáo: Người đi vòng quả đất/ Người về mở cửa hang/ Mở muôn ngàn con mắt/ Đón cờ đỏ sao vàng! Câu chữ giản dị, tự nhiên như bật thoát ra từ một tấm lòng hết sức chân thành, trong sáng, tinh khiết như suối nguồn vậy.
Bài thơ “Bộ đội Ông Cụ” lại được Nông Quốc Chấn xây dựng theo xu hướng bình dân hóa, giống như một cụ già Tày-Nùng: Lại có Cụ già chân đi đất/ Mặc bộ quần áo Nùng/ Tay cầm cái gậy mây rừng/ Miệng ngậm một điếu can không khói/ Bộ râu dài vừa trắng vừa đen... Không hề có dấu vết của công phu nghệ thuật, chỉ đơn giản là tả thật. Những câu sau cũng rất thật: Khi ăn cơm chiều/ Bộ đội đếm: Một, hai... ngồi trật tự/ Cụ đi từng bàn xem bát đũa/ Cho thổi còi, rồi Cụ ăn sau. Nhưng chi tiết thì chọn lọc: “Cụ ăn sau”, tức Cụ coi bộ đội như những đứa con, còn Cụ là “mẹ” thường ăn sau đàn con. Chi tiết này nói lên tầm cỡ vĩ đại của hình tượng: Bác Hồ vĩ đại vì Bác là “cha” là “mẹ” thương con, vì con mà sống quá giản dị, đời thường. Những câu thơ tiếp theo cho thấy Bác Hồ vừa là người già bình dân hồn hậu lại vừa là lãnh tụ, lãnh tụ mà như dân thường: Mọi người rủ nhau/ Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ/ Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở/ Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu/ Cụ nói, dân nghe rõ từng câu-/ “Muốn cách mệnh thành công mau!/ Ta phải đoàn kết như bó đũa...!”.
2. Nhà thơ Bàn Tài Đoàn (1913-2007) tên thật là Bàn Tài Tuyên, được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.
Bài thơ “Bác Hồ ở mãi trong lòng ta” dựa trên cái tứ Bác Hồ không còn nữa nhưng Bác vẫn sống mãi trong tim người Dao: Người Dao xưa đời đời nghèo khổ/ Bác về, đời người Dao đổi thay/ Mọi dân tộc bình quyền, bình đẳng/ Cuộc đời người Dao mới từng ngày.../ Người Bác Hồ nay không còn nữa/ Hình Bác Hồ còn mãi trong tim ta/ Ban ngày Bác cùng mặt trời chiếu/ Ban đêm lửa Bác sáng mọi nhà.
Ý thơ được triển khai trên cấu trúc đối lập, tương phản: Người Dao trước kia nghèo khổ nhưng “Bác về” thì “đổi thay”, “mới từng ngày”. Hai chữ “Bác về” đặt giữa hai câu thơ như bản lề khép mở hai vùng tối-sáng: Ngày xưa tăm tối, ngày nay sáng tươi; khép mở hai tâm trạng: Ngày xưa ngậm ngùi, tủi nhục, ngày nay phấn khởi, tươi vui. Thế nên dù Bác mất thì “Hình Bác còn mãi trong tim ta”. Nhà thơ vẫn dùng lối tư duy nghệ thuật đặc trưng là so sánh, ẩn dụ: Ban ngày Bác cùng mặt trời chiếu/ Ban đêm lửa Bác sáng mọi nhà... Và: Bác Hồ có ở khắp mọi con mắt/ Bác Hồ ở cả mọi bàn tay/ Lúc nào lòng ta nhớ tới Bác/ Bác Hồ liền hiện ra trước mắt ngay/ Bác Hồ vẫn đến cùng ta ở/ Cùng với người Dao ở núi cao/ Định canh, định cư trên đất mình/ Có Bác ta chẳng lo chút nào!
Tình cảm không chỉ của người Dao, mà là cả dân tộc Việt Nam dành cho Bác Hồ thật sâu sắc biết bao!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ