Ông Nguyễn Xuân Đích sinh năm 1936 tại Quảng Nam. Vốn thông minh, nhanh nhẹn lại thông thạo địa bàn nên năm 10 tuổi, cậu bé Đích đã là liên lạc của Huyện đội Điện Bàn. Sau năm 1954, ông Đích tập kết ra miền Bắc và được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Cuối năm 1957, ông được điều về nhận nhiệm vụ trên một con tàu phóng lôi thuộc Cục Phòng thủ bờ biển (sau đổi tên là Cục Hải quân, nay là Quân chủng Hải quân).

Đầu năm 1960, ông và một số cán bộ, sĩ quan trẻ của Cục Hải quân được cử sang Trung Quốc tiếp nhận chiếc tàu gỗ cỡ lớn mang tên Hải Lâm do Chủ tịch Mao Trạch Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 9-1960). Khi về Việt Nam, tàu Hải Lâm làm nhiệm vụ tại khu vực cảng Hải Phòng. Ông Đích bồi hồi nhớ lại: “Khoảng 8 giờ sáng 15-3-1961, từ cảng Hải Phòng, chúng tôi vinh dự được đón Bác Hồ cùng bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) lên tàu Hải Lâm đi tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Đến cửa phòng khách, thấy sàn tàu sạch bóng, anh em thủy thủ, phục vụ đều đi chân trần, Bác cúi xuống, tháo đôi dép cao su để gọn vào một góc, rồi mới bước vào. Kết thúc chuyến tham quan, Bác đề nghị chụp ảnh chung với anh em thủy thủ tàu để làm kỷ niệm khiến chúng tôi rất bất ngờ, xúc động... Tiếc rằng, đến nay nhiều người trong bức ảnh được chụp chung với Bác đã không còn nữa...”.

Ngày 22-1-1962, tàu Hải Lâm lại được đón Bác Hồ và Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, Thiếu tá Gherman Stepanovich Titov tham quan Vịnh Hạ Long. “Trưa hôm ấy, tôi vinh dự được cấp trên giao nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ vòng ngoài cho Bác. Thấy tôi nói giọng miền trong, Người ân cần hỏi: “Quê cháu ở đâu?”. Tôi lễ phép trả lời: “Dạ thưa Bác, quê cháu ở Quảng Nam ạ”.

leftcenterrightdel

Bác Hồ với cán bộ, chiến sĩ tàu Hải Lâm, năm 1962 (đồng chí Nguyễn Xuân Đích đứng hàng đầu, thứ hai, từ trái sang). Ảnh tư liệu   

Bác hỏi tiếp: “Năm nay, cháu bao nhiêu tuổi rồi? Đã có vợ con chưa? Bố mẹ cháu có khỏe không?”. Thế rồi, Bác đặt tay lên vai tôi dặn dò: “Cháu còn trẻ, lại thông minh, nhanh nhẹn, có sức khỏe, phải cố gắng học tập, rèn luyện, phấn đấu để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân được nhiều hơn nữa. Thiếu tá Gherman Titov mà cháu vừa gặp tuy còn trẻ nhưng đã từng bay vòng quanh trái đất 17 lần, là Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô. Các cháu cần học tập nơi đồng chí Titov những đức tính cao quý, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính khiêm tốn, ý chí kiên quyết, vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ...”, ông Đích xúc động kể.

Khắc ghi lời dạy của Bác, năm 1962, với mong muốn được trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, ông Đích viết đơn tình nguyện vào Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân ngày nay). “Rạng sáng 15-5-1963, sau lễ truy điệu sống, con tàu không số vỏ sắt, với gần 20 thuyền viên chở gần 100 tấn vũ khí, thuốc nổ chi viện cho chiến trường miền Nam rời cảng Hải Phòng, rẽ sóng vươn khơi, thẳng hướng Trà Vinh. Sau gần 6 ngày lênh đênh trên biển, mờ sáng 21-5, khi chuẩn bị cập bến, con tàu bất ngờ bị mắc cạn. Lòng ai cũng nóng như lửa đốt. Không chút do dự, thuyền trưởng ra lệnh cho các thủy thủ bơi vào bờ tìm nơi tránh trú, còn tôi-máy trưởng và đồng chí Võ Ngọc Rôm-máy phó (quê ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) ở lại trông coi, bảo vệ tàu... Mỗi chuyến đi là một lần vất vả, hiểm nguy, song bằng sự mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm, chúng tôi đã vận chuyển thành công nhiều chuyến hàng chi viện cho miền Nam đánh Mỹ...”, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Đích bồi hồi nhớ lại. 

Đầu năm 1968, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông Đích được điều vào Đà Nẵng làm máy trưởng trên một con tàu nhỏ của lực lượng tình báo, hoạt động bí mật trong lòng địch. Sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Xưởng đóng tàu thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 5. Năm 1992, ông nghỉ hưu.

AN KHANG