Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sinh năm 1921, trong gia đình chủ hãng rượu nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Từ rất sớm, ông đã tham gia hàng ngũ học sinh, sinh viên yêu nước, hoạt động tích cực tại Cần Thơ. Khi theo học tại Trường Collège Cần Thơ (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ), dù gia đình khá giả có thể bảo đảm đưa đón bằng xe ô tô mỗi ngày nhưng ông đã xin được ở nội trú để tự lập. Bấy giờ, bạn chung phòng nội trú của ông có Lưu Hữu Phước (nhạc sĩ, tác giả của các bài hát nổi tiếng như: “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Bạch Đằng giang”...). Sinh thời, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước kể rằng, Tạ Thanh Sơn rất thích và học giỏi âm nhạc. Ngoài giờ học, ông thường cùng các bạn trong lớp ra bãi cồn gần chợ Cần Thơ trên sông Hậu để nghe và học hát đối. Trong hồi ký, Lưu Hữu Phước nhận xét: “Sơn rất được bạn bè quý mến vì hòa đồng, tính nết hiền lành, vui vẻ và chơi đàn mandolin rất hay. Sơn sớm có lòng tự hào dân tộc, luôn mong muốn quê hương thoát khỏi ách đô hộ của thực dân”. 

Sau khi học xong các bậc học ở Cần Thơ, Tạ Thanh Sơn lên Sài Gòn. Ở đây, cùng Lưu Hữu Phước và nhiều bạn học khác, Tạ Thanh Sơn tích cực tham gia Phong trào Thanh niên Tiền phong do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát dẫn dắt. Trong lần gặp mặt cán bộ tiền khởi nghĩa do Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 1995, bác sĩ-lão thành cách mạng Trần Cửu Kiến kể lại: “Đầu năm 1945, Xứ ủy Nam Kỳ đồng ý mở lớp huấn luyện cho thanh niên sau khi đã mở lớp cho cán bộ công đoàn. Tham gia khóa học có các anh: Huỳnh Tấn Phát, Mai Văn Bộ, Nguyễn Việt Nam, Lưu Hữu Phước, Tạ Thanh Sơn và tôi... Những ngày sống chung với các anh dưới một mái nhà ấy thật khó quên. Chúng tôi được các anh chỉ dẫn nhiều điều. Tâm đắc nhất là tinh thần yêu nước, yêu lịch sử dân tộc và phương pháp, hình thức tập hợp, đoàn kết thanh niên để truyền bá, nâng cao tư tưởng cách mạng rất cuốn hút. Anh Phước liên tục có những bài hát mới, rồi cùng anh Sơn tập luyện xong là dạy cho chúng tôi ngay. Ca từ của các bài hát quyện trong tiếng đàn đệm của anh Sơn mới khí thế làm sao!”.

leftcenterrightdel

Bản nhạc ca khúc "Nam Bộ kháng chiến" của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn. 

Mùa thu rồi ngày hăm ba/ Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến/ Rền khắp trời lời hoan hô/ Dân quân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền/ Thuốc súng kém, chân đi không/ Mà lòng người giàu lòng vì nước/ Nóp với giáo mang ngang vai/ Nhưng thân trai nào kém oai hùng... Giai điệu hào hùng đó của “Nam Bộ kháng chiến” đối với lớp cán bộ ngày ấy như vẫn còn vang vọng với sức cổ vũ lớn lao mỗi dịp hội ngộ. Trong câu chuyện kể của họ, âm vang của những tiếng hát cất lên mọi lúc, mọi nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ nhà trường đến công sở dường như vẫn còn đó lời hiệu triệu: Khi “sơn hà nguy biến” thì mọi tầng lớp nhân dân với trái tim sôi sục lửa yêu nước đều đồng lòng “thề quyết thắng quân ngoại xâm” để “xây giang sơn hạnh phúc muôn đời”.

Chúng tôi từng gặp nhạc sĩ Phan Vân (nguyên là nghệ sĩ Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam từ thập niên 1950-tác giả của bài hát nổi tiếng “Niềm thương mến”), ở đường Đặng Dung, quận 1, TP Hồ Chí Minh và được nghe kể: Cuối năm 1945, khi quân Pháp kéo đến chiếm Biên Hòa, đồng chí Huỳnh Văn Nghệ (cũng là một thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong, sau được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) đã chỉ huy 40 chiến sĩ với 30 khẩu súng trường quyết định không rút ra Xuân Lộc, Phan Thiết mà kéo về vùng sơn cước Tân Uyên lập căn cứ kháng chiến lâu dài. Đồng chí Tạ Thanh Sơn cũng đã có mặt ở căn cứ.

Những nốt nhạc đầu tiên của “Nam Bộ kháng chiến” ra đời tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) khi ông được dự lớp huấn luyện chính trị và được sung vào bộ phận tuyên truyền của Khu 8. Sau đó, trở lại Ty Thông tin tuyên truyền Sa Đéc đóng ở Kinh 4-Đồng Tháp Mười, Tạ Thanh Sơn đã hoàn chỉnh xong bài hát “Nam Bộ kháng chiến” với điệu thứ và nhịp hành khúc rộn ràng. Năm 1947, trong một lần đi công tác, Tạ Thanh Sơn bị giặc bắt. Biết ông là tác giả bài hát đang rất nổi tiếng, thực dân Pháp giam ông vào khám lớn ở Sài Gòn và tra tấn dã man, nhưng không khai thác được bất cứ điều gì về tổ chức. Trong thời gian bị giam cầm, nhạc sĩ Thanh Sơn đã gặp tên quan Tây trước đây cùng học với ông tại Cần Thơ. Khi hắn hỏi vì sao là con nhà giàu, học giỏi mà ông không làm việc cho Pháp, lại theo Việt Minh “làm giặc”, Tạ Thanh Sơn đã khảng khái trả lời: “Ông nghe kỹ bài hát của tôi sẽ hiểu. Ông có Tổ quốc của ông, tôi có Tổ quốc của tôi. Lẽ nào tôi theo các ông để chống lại đất nước tôi, dân tộc tôi? Ông bảo tôi là giặc, hay chính các ông mới là giặc của chúng tôi?”.

Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn sau đó bị đày sang Pháp. Tại đây, ông liên lạc với lực lượng tiến bộ của Pháp để hoạt động cho đến năm 1949 thì được trả về nước. Ông dạy học ở Sài Gòn, đồng thời hoạt động trong phong trào yêu nước của quần chúng ngay trong lòng địch. Nhà giáo lão thành Phan Văn Phổ, một người bạn thân của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn cho biết: “Ngày đó, Tạ Thanh Sơn và tôi cùng dạy học tại Trường Huỳnh Khương Ninh (nay là Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1, TP Hồ Chí Minh). Chúng tôi cùng tham gia Nghiệp đoàn Giáo học tư thục Việt Nam, là nghiệp đoàn yêu nước ngày đó và đi tới các trường để làm nòng cốt cho hoạt động. Tạ Thanh Sơn cũng đi dạy ở một số trường để tạo cơ sở. Có lần tôi hỏi Sơn về bài “Nam Bộ kháng chiến”, anh cười khiêm tốn bảo rằng đó chỉ là một đóng góp nhỏ cho cách mạng và rất vui vì được nhiều người yêu mến hát”.

leftcenterrightdel

Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu  

Cũng theo lời ông Phổ, năm 1953, khi cả hai đã vào nội thành Sài Gòn để hoạt động hợp pháp, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn có gặp ông và cho xem lời hai bài “Nam Bộ kháng chiến” đang viết dở. Có lẽ chính vì góp ý: “Lời một đã hay quá rồi, hùng khí quá rồi, cần chi đến lời hai nữa!” của bạn mà Tạ Thanh Sơn quyết định bỏ ý định viết tiếp lời hai cho ca khúc để đời và cũng là duy nhất trong cuộc đời sáng tác của ông.

Theo tài liệu lưu trữ của Hội Cựu giáo chức TP Hồ Chí Minh, sau năm 1954, nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn vẫn tiếp tục dạy học ở Sài Gòn. Do ngày đó các hoạt động phong trào gặp nhiều khó khăn nên nhiều lực lượng yêu nước đã không liên lạc được với tổ chức. Nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn cũng nằm trong trường hợp đó. Dạy học ở Sài Gòn một thời gian, không bắt liên lạc được với tổ chức, Tạ Thanh Sơn quyết định đưa gia đình sang Campuchia sinh sống. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông trở lại Cần Thơ công tác tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Cái Khế, quận Ninh Kiều. Đến năm 1980, ông nghỉ hưu và qua đời năm 1986 ở Vĩnh Long.

TẤT ĐẠT - NGUYỆT TUỆ