Ông Hồi kể: “Đêm 4-3-1967, tôi chỉ huy Đại đội 9 đi nhận hàng ở kho để chuyển vào chiến trường. Tại Km39, trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch trên Đường 12 (địa phận huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình). Sau khi chỉ huy 2 xe đi đầu vượt trọng điểm an toàn, tôi lên chiếc xe tiếp theo của đồng chí lái xe Nguyễn Trọng Hồng. Xe chúng tôi đi được khoảng 300m thì bị trúng bom của địch. Đồng chí Hồng hy sinh tại chỗ. Tôi bị nhiều mảnh bom găm vào người, máu chảy đầm đìa. Hai cẳng chân cháy xám, bất tỉnh...”.
Do bị thương nặng, bác sĩ đã cưa bỏ 1/3 bàn chân phải của ông Hồi, lấy da ở bắp đùi để vá lên hai cẳng chân. Tháng 10-1968, ông xuất viện, xếp loại thương tật 2/4 và được chuyển về một cơ sở an dưỡng thuộc Tổng cục Hậu cần. Tháng 12-1970, ông được nghỉ hưu, ở cùng gia đình tại phố Huế. Bất ngờ, tháng 6-1971, theo lệnh gọi của lãnh đạo Cục Quản lý xe, Tổng cục Hậu cần (nay là Cục Xe-máy, Tổng cục Kỹ thuật), ông trở lại đơn vị để nhận quân hàm Thượng úy và giữ chức Đội trưởng Đội xe thuộc Phòng Nghiên cứu thiết kế. Một ngày đầu tháng 4-1972, Thiếu tá Trần Hải, Trưởng phòng và Thượng úy Trần Thịnh, Phó trưởng phòng đưa cho ông một bản vẽ và giao nhiệm vụ: Phụ trách một đội đi tìm kiếm vật tư, phụ kiện đủ để lắp ráp 4 xe ô tô theo thiết kế trên bản vẽ, rồi chuyển về cơ quan theo đúng thời gian quy định. Việc này, phải hoàn thành sớm để lắp ráp xe xong trước mùa mưa ở Trường Sơn!
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao bỗng dưng lại phải lắp ráp 4 cái xe như thế? Và đội xe thiếu gì người khỏe mạnh mà phòng lại chỉ định tôi làm việc này?”. Sau tôi được cho biết, cấp trên chỉ đạo khẩn trương lắp ráp 4 chiếc xe ô tô mang tên Trường Sơn hình dáng bên ngoài khác hẳn những loại xe do các nước viện trợ mà ta đang sử dụng. Đầu quý III-1972, những xe này sẽ chở hàng chạy thực nghiệm trên đường Trường Sơn... Do tôi có nhiều kinh nghiệm sửa chữa, lắp ráp, lái xe trong chiến đấu nên cấp trên đã “triệu tập” tôi trở lại nhận nhiệm vụ khi tôi mới được nghỉ hưu 6 tháng”.
Ngày ấy, Kho J106 đóng quân ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là TP Hà Nội) chuyên dồn lắp, bảo quản các loại xe ô tô cũ. Lính ta gọi là “bãi tha ma xe quân sự”. Cả đội lăn lộn suốt ngày đêm, bất kể nắng mưa để nghiên cứu tháo ra, lắp vào các chi tiết. Ông Hồi quên cả đau yếu, trực tiếp kiểm tra từng chiếc xe hỏng, lựa chọn những bộ phận còn dùng được, đánh dấu lại, ghi chép tỉ mỉ rồi chỉ dẫn cho anh em thợ tháo ra khỏi thân xe... Họ cũng suýt trúng bom Mỹ. Ấy là buổi chiều 16-4-1972, máy bay địch đánh phá Kho xăng Đức Giang ở Gia Lâm rồi tháo chạy, trút bom còn sót lại xuống cánh đồng gần bãi kho mà các ông đang tập trung làm việc.
|
|
Ông Vũ Văn Hồi (ở giữa) kể chuyện với đồng đội về nhiệm vụ lắp ráp xe ô tô vận tải Trường Sơn. Ảnh: XUÂN THƯƠNG |
Trong khoảng một tháng, đội sưu tầm vật tư xe ô tô của ông Hồi đã tập kết toàn bộ phụ tùng đủ lắp 4 xe tại nhà kỹ thuật của Phòng Nghiên cứu thiết kế, ở phố Tăng Bạt Hổ (Hà Nội). Việc lắp ráp được đội thợ tiến hành ngay. Một tuần lắp ráp xong một xe. Tổng thời gian vượt chỉ tiêu gần một tháng.
“Cuối tháng 6-1972, các đồng chí Sự, Tần, Trong, Tín thuộc Đội xe của Phòng Nghiên cứu thiết kế lái thực nghiệm 4 xe ô tô tại chiến trường Trường Sơn. Sau 2 tháng vừa vận chuyển vừa chạy thử nghiệm khảo sát tính năng của xe, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo đúng kế hoạch. Xe tốt, lái xe an toàn”-ông Hồi nhớ lại...
Tháng 8-1973, do vết thương tái phát, ông Hồi bị cưa tiếp 2/3 cẳng chân phải, giám định thương tật 81% và khi ấy ông mới chính thức nghỉ hưu. Ông được biết sau này, Cục còn lắp ráp thêm một chiếc xe Trường Sơn nữa. Trong lịch sử của Cục có ghi, 5 chiếc xe được sử dụng để vận chuyển vật chất hậu cần phục vụ việc xây dựng Lăng Bác Hồ một thời gian ngắn sau đó trở thành hiện vật phục vụ công tác nghiên cứu.
PHẠM XƯỞNG