Một trong hai cậu bé cởi trần trong bức ảnh là Nguyễn Tiến Nên, khi đó mới 10 tuổi. Nên là con thứ ba trong một gia đình có 6 anh chị em. Do nhà nghèo không được đi học, cậu phải đi bắt cua phụ giúp cha mẹ nuôi gia đình. Chính tính hiếu kỳ của tuổi nhỏ mà cậu bé đã đi theo, được gặp và chứng kiến toàn bộ sự việc từ lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cho đến khi xe ô tô chở Bác khuất dần sau lũy tre làng.
Ông Nên nhớ lại, Bác Hồ về thôn Thống Thượng vào tháng 7-1960. Thời điểm này, mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho nước sông dâng cao. Khúc đê sông Cầu quê ông có nguy cơ sụt lở lớn, chính quyền địa phương đã cử người ngày đêm canh trực và chuẩn bị phương tiện sẵn sàng hộ đê. Hôm đó khoảng 8 giờ, đang bắt cua ở bờ đầm cạnh đê, cậu bé Nên thấy 3 chiếc ô tô đi về phía kè đê làng mình nên vội vàng chạy lên xem. Đến nơi, Nên thấy một Cụ già mặc quần áo nâu sồng, chân đi dép cao su, ngồi ở bờ đê nhìn dòng nước lũ đang chảy xiết. Ngay phía dưới chỗ Cụ ngồi là anh dân quân trực hộ đê ngồi vót nan đan rổ rá. Cậu bé Nên nhỏ con thoăn thoắt sán lại gần để quan sát và đi theo đến tận lúc Cụ ra về.
Ông Cụ ân cần hỏi chuyện anh dân quân trực hộ đê. Từ việc mực nước sông lên xuống, tình hình chuẩn bị chống lụt của nhân dân địa phương đến việc cắm những cọc tre dưới ngầm để làm gì. Khi nghe anh kể sáng kiến dùng cọc tre cắm làm tiêu ở vị trí xung yếu để phát hiện sụt lở ngầm, Cụ đã khen ngợi và căn dặn nên phổ biến kinh nghiệm này cho các làng có đê. Khi biết người dân gánh nước giếng chùa bị ngập úng, mất vệ sinh về nấu ăn, Cụ căn dặn mọi người cần tìm cách khắc phục, dùng phèn chua và sống tàu lá chuối khuấy lấy nước lắng, lọc rồi hãy sử dụng mới bảo đảm sức khỏe hoặc phải đào giếng khơi lấy nước ăn cho hợp vệ sinh.
Sau đó, Cụ đi xuống chỗ quai vạc nói chuyện với các đồng chí đi cùng rồi về điếm kiểm tra những dụng cụ phòng hộ đê. Khi thấy trong điếm chỉ có 2 đôi quang gánh, 2 đôi sảo, 1 cái xẻng, 1 cái cuốc bàn, 1 cái mai, 1 cái đèn bão và 1 chiếc trống cái đã bị thủng một bên, Cụ bảo lực lượng phòng hộ đê mỏng quá, phải bổ sung thêm. Rồi Cụ xắn quần đi xuống chỗ mạch sủi bùng nhùng (chỗ dòng chảy từ bên sông sang ngay phía dưới điếm đi xuống khoảng 20m) để xem xét. Cụ bảo chỗ rò thấm qua thân đê như thế này, người canh đê phải thật chú ý kiểm tra, phát hiện sớm, đề phòng và kịp thời báo cáo vì khi nước lên to sẽ rất nguy hiểm...
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đê kè Thống Thượng (Bắc Ninh), tháng 7-1960. Ảnh tư liệu |
Hiện nay, những nhân chứng được gặp trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ còn ông Nguyễn Tiến Nên. Với tấm lòng kính yêu Bác Hồ, mong muốn được lưu giữ địa điểm nơi Bác về thăm quê hương Bắc Ninh cho các thế hệ mai sau, từ đầu thập niên 2000, ông Nên đã đề nghị chính quyền thôn và ủng hộ tiền để xây dựng ngôi miếu nhỏ lộ thiên trên nền điếm canh đê cũ có ghi dòng chữ: “Công trình lưu dấu chân Bác Hồ của Chi hội Cựu chiến binh thôn Thống Thượng”. Ngôi miếu này nhân dân quen gọi là miếu Bác Hồ. Vào ngày hội làng hằng năm, nhân dân tổ chức lễ rước nước trang trọng từ đình làng ra sông và dừng lại thắp hương ở miếu Bác Hồ, sau đó mới xuống bến đò ra giữa sông lấy nước về làm lễ ở đình.
Năm 2022, Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình biểu tượng nơi Bác Hồ về thăm và kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại vị trí K64+650 đê Hữu Cầu, thôn Thống Thượng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Nên bày tỏ mong muốn, ngoài công trình này, địa phương xây thêm nhà truyền thống để giới thiệu về lịch sử địa phương và tái hiện những dụng cụ phục vụ công tác phòng hộ đê thời kỳ đó. Ông Nên sẵn sàng hiến toàn bộ đất và gò đất thuộc sở hữu của gia đình để xây dựng. Hy vọng trong thời gian không xa, mong muốn của ông sẽ trở thành hiện thực. Địa điểm lưu dấu chân Bác Hồ về Thống Thượng sẽ là công trình giáo dục truyền thống ý nghĩa cho thế hệ trẻ.
AN NGỌC