Cuối tháng 6-1975, tôi có dịp về thăm quê nhà ở Phú Yên. Hôm ấy, tôi đến trình diện ông chú họ đã trên 80 tuổi. Không ngờ câu chuyện trong buổi gặp mặt đầu tiên lại là chuyện về Bác Hồ và Bác Tôn.

Chỉ lên bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn bắt tay nhau treo nơi trang trọng nhất trong nhà, chú hỏi: “Nè, ông này chắc là to lắm phải hông con?”. Do chưa hiểu sự suy nghĩ về chữ “to” mà ông nêu, nên tôi nói: “Thưa chú, đây là Bác Tôn Đức Thắng, người thay Bác Hồ giữ chức vụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày Người mất đến nay”.  Dường như câu trả lời đã nói đúng điều mà ông suy nghĩ rằng phải là “quan to lắm” mới được bắt tay Bác Hồ một cách bình đẳng như vậy. Rồi ông khẽ hỏi tôi “có lần nào được gặp Bác Hồ và Bác Tôn không?”.

Trước mắt tôi, bỗng hiện lên hình ảnh của hai vị cha già. Bác Hồ đã đi xa, về với thế giới người hiền mà vẫn còn ôm ấp trong tim hình ảnh của miền Nam thân yêu và lòng thiết tha mong muốn đến ngày kháng chiến thắng lợi hoàn toàn “sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Còn Bác Tôn, người kế tục chức vụ của Bác Hồ, chỉ hơn 10 ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, ngày 13-5-1975, đã dẫn đầu đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào thăm đồng bào miền Nam và dự lễ mừng chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ và Bác Tôn. Ảnh tư liệu

Tôi nói với chú tôi: “Đúng là ở ngoài đó, con có được vinh hạnh gặp Bác Hồ và Bác Tôn. Không phải chỉ trong các cuộc mít tinh hay hội nghị lớn mà cả trong những sinh hoạt bình dị nhất, những cuộc thăm hỏi, chuyện trò của hai Bác đối với cán bộ và nhân dân. Con đã được chụp ảnh chung với Bác Hồ khi Người đến thăm Báo Nhân Dân, được theo chân Bác trong một vài chuyến công tác, có mặt và đưa tin về lần bỏ phiếu cuối cùng của Bác bầu Hội đồng nhân dân TP Hà Nội... Con cũng đã được gặp, bắt tay và nghe chuyện Bác Tôn trong nhiều cuộc họp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thăm Bác và bác gái tại nhà riêng ở phố Tràng Thi. Chuyến công tác đầu tiên vào Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất của Bác Tôn, con may mắn được tham gia đoàn...”.

Chú tôi nghe mà cảm thấy xiết bao tự hào. Dường như trong ông, có một cái gì đó liên quan đến vinh dự của dòng họ khi có người được “trực tiếp giáp mặt” với hai vị Chủ tịch nước đầu tiên của Nhà nước ta.

Lớp cán bộ chúng tôi, bước vào con đường cách mạng khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã thành công. Ngày ấy, hai chữ “đồng chí” đồng nghĩa với hai chữ “đảng viên” hay người cộng sản, đối với chúng tôi là thiêng liêng lắm. Hồi đó và mãi về sau này chúng tôi vẫn quen gọi những lãnh đạo cấp cao của Đảng là anh như: Anh Năm (đồng chí Trường Chinh), anh Ba (đồng chí Lê Duẩn), anh Tô (đồng chí Phạm Văn Đồng). Chỉ trừ hai người ngay từ đầu, tất cả đều gọi là Bác: Bác Hồ và Bác Tôn. Bác Tôn lớn hơn Bác Hồ hai tuổi, nhưng vẫn gọi Bác Hồ là Bác. Còn Bác Hồ thì vẫn gọi người chiến hữu gần gũi với mình là Bác Tôn. Tôi vẫn nhớ cả những khi mời cơm riêng, Người cũng dặn Bác Tôn đưa bác gái cùng đi...

Tập kết ra Bắc năm 1955, về công tác ở Báo Nhân Dân tôi mới được trực tiếp thấy Bác Tôn. Nhưng ấn tượng sâu sắc đầu tiên đối với tôi là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Bác Tôn là một trong 6 lãnh tụ được chính thức treo ảnh. Nghề báo giúp tầm mắt tôi ngày càng được mở rộng. Tiểu sử các lãnh tụ cách mạng trong đó có Bác Tôn, mỗi ngày tôi một tìm hiểu sâu hơn. Con người đó, ngay từ năm 1910 đã tham gia phong trào đấu tranh của công nhân. Người thủy thủ Tôn Đức Thắng, với tư cách công nhân ở một nước thuộc địa của Pháp, đã dũng cảm tham gia cuộc phản chiến năm 1919 và là người được phân công kéo lá cờ đỏ trên chiến hạm để chào mừng nhà nước vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người. Tự hào biết mấy!

Vinh quang này không chỉ của riêng người thủy thủ Tôn Đức Thắng. Đó còn là dấu hiệu cho thấy ngay từ đầu, Việt Nam đã đứng bên cạnh nước Nga cách mạng, nước Nga Xô viết! Không phải ngẫu nhiên mà Bác Tôn được suy tôn làm Chủ tịch danh dự của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là Hội trưởng đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên Xô. Cũng không phải ngẫu nhiên mà tháng 12-1955, Ủy ban Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin của Liên Xô quyết định tặng Bác Tôn giải thưởng của Ủy ban.

Một sự kiện làm nức lòng nhân dân ta, gợi lên sự tôn kính và niềm tự hào về sự cống hiến cao cả của các vị lãnh đạo cách mạng là ngày 19-8-1958, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã quyết định trao tặng Bác Tôn Huân chương Sao Vàng nhân dịp mừng thọ 70 tuổi. Lớp trẻ chúng tôi cực kỳ xúc động khi nghe Bác Hồ nói lời chúc trong buổi lễ trang trọng ấy. 10 năm sau, ngày mừng thọ Bác Tôn 80 tuổi, Bác Hồ ôm hôn thắm thiết Bác Tôn và tặng hai câu thơ: “Càng già, chí khí càng dai/ Chống Mỹ, cứu nước ít ai hơn Già”.

Bác Tôn lắng nghe mà lòng bồi hồi xúc động. Bác Hồ và Bác Tôn là hai ngôi sao sáng chói trong bầu trời cách mạng Việt Nam, là hai hạt kim cương lấp lánh của nền đạo đức Việt Nam thời đại mới. Bác Hồ quý trọng Bác Tôn bao nhiêu thì Bác Tôn càng kính yêu và quý trọng Bác Hồ bấy nhiêu. Bác Tôn biết ơn Bác Hồ vì Bác Hồ là người đưa cả dân tộc ta thoát khỏi vòng nô lệ và cũng chính là người đưa Bác Tôn đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin. Ở bất cứ đâu và trong bất cứ cuộc gặp mặt nào với cán bộ, nhân dân, Bác Tôn đều căn dặn phải hết lòng hết sức thực hiện những lời dạy của Bác Hồ, nhất là việc thực hiện di huấn của Người trong Di chúc bất hủ. Ở nhiều đại hội hay hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bác Tôn đều nhắc đến lời dạy mang tính chân lý lịch sử của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Bác Tôn rất ít khi làm thơ. Nhưng trong những bài phát biểu quan trọng của mình, đôi khi Bác cũng chen vào một vài câu thơ mà gói được cả tinh thần bài nói. Tôi nhớ mãi hình ảnh của Bác Tôn tại Hội nghị quốc tế đoàn kết với nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước tổ chức tại Hà Nội năm 1964, thời điểm mà “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đang phá sản và là “đêm trước” của “Chiến tranh cục bộ” do Mỹ phát động, bao gồm cả chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Tại Hội trường Ba Đình có rất đông đại biểu quốc tế, vị Phó chủ tịch nước, người chiến sĩ Biển Đen năm xưa đã kết thúc bài phát biểu của mình với câu thơ giản dị mà cũng thật chí tình: Nam Bắc hai miền chung đại nghĩa/ Năm châu bốn biển một gia đình. Hai câu thơ ấy gợi nhớ hai câu thơ của Bác Hồ trong lời chào mừng đại biểu các đảng đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ta năm 1960: Quan sơn muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em!

leftcenterrightdel
 Ngôi nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ảnh: THÚY AN

Dù giữ trọng trách cao nhưng Bác Tôn luôn sống một cuộc sống khiêm tốn và giản dị, nhân từ và đức độ, trung thực và nghĩa tình khiến mọi lớp tuổi đều nhìn thấy ở Bác một người anh cả, một người cha, một người ông trong gia đình. Được tin có người bạn tù trước đây đang công tác ở Nông trường Lương Sơn (Hòa Bình), Bác đã tự đến thăm mà không chờ bạn đến với mình, bởi Bác nghĩ “có thể bạn bè thấy tôi làm Chủ tịch nước, họ ngại nên tôi phải đến gặp trước”. Bác dành một phần tiền lương hằng tháng của mình để nuôi con một cán bộ không may qua đời. Bác tự sửa chiếc xe đạp hay chiếc radio riêng của mình khi hỏng hóc. Bác tự tay chăm sóc người vợ hiền bị bệnh nặng trước lúc lâm chung. Thì giờ ngoài công việc, Bác thường dành cho công nhân, nông dân, cho những bạn bè, thân hữu, cho những đồng bào bị hoạn nạn trong chiến tranh...

10 năm sau khi Bác Tôn qua đời, tôi có dịp hai lần tới An Giang công tác và lần nào cũng được về thăm quê Bác ở Cù lao Ông Hổ. Trên mảnh đất này, có ngôi đền thờ và khu lưu niệm về Bác Tôn. Đền thờ không lộng lẫy nhưng uy nghi và thân thiết. Đến đây, niềm xúc động lớn của mọi người là được thăm ngôi nhà gỗ đơn sơ, nơi Bác Tôn sinh ra và lớn lên. Từ đó, đầu thế kỷ 20, Bác Tôn đã ra đi, rồi dấn thân vào con đường cách mạng. Và cũng ở nơi đây, Bác về thăm quê nhà lần cuối vào tháng 10-1975, khi miền Nam đã giải phóng và Bác là Chủ tịch nước. Chuyến ấy tôi có vinh dự tháp tùng và vẫn nhớ lời Bác Tôn nói: “Hôm nay Đảng và Nhà nước cho phép tôi về thăm quê nhà. Chưa bao giờ tôi thấy sung sướng như lúc này, khi cả nước được độc lập, tự do, Bắc Nam thống nhất”.

Nhà báo HÀ ĐĂNG