Khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, Thượng úy Botz László đặt chân đến Sài Gòn ngày 28-1-1973 trong vai trò là thành viên Ủy ban quốc tế về Kiểm soát và Giám sát đình chiến (ICCS). Ông là sĩ quan quân đội Hungary-một trong 4 nước (Hungary, Ba Lan, Canada và Indonesia, đến tháng 10-1973 thì Iran thay thế Canada) làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris. Trước khi đến Sài Gòn, ông chỉ biết sơ qua về cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ thực hiện đang tàn phá đất nước Việt Nam. Khi máy bay hạ cánh, trên đường về trụ sở ICCS, chứng kiến cảnh đạn bom, khói lửa và hậu quả tàn khốc của nó, ông càng quyết tâm làm hết khả năng, trách nhiệm để cuộc chiến đau thương sớm kết thúc.

Nhớ lại cảm xúc ngày đó, vị tướng già Botz László kể: “Tôi là quân nhân nên ít nhiều đã quen với bom đạn chiến tranh, nhưng khi sang Việt Nam, tôi cảm nhận được sự khốc liệt và những tổn thất lớn lao mà nhân dân Việt Nam đang phải gánh chịu. Tôi càng khâm phục ý chí quyết tâm, tinh thần bất khuất cùng khát vọng hòa bình của quân và dân Việt Nam anh hùng”.

Ông Botz László cho biết: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đề xuất Hungary tham gia ICCS khi Hiệp định Paris được ký kết. Vì vậy, từ cuối tháng 11-1972, nhiều đơn vị quân đội Hungary đã bắt đầu chuẩn bị lựa chọn sĩ quan để lập đoàn tham gia ICCS. Thượng úy Botz László nói tiếng Anh khá thành thạo nên được chọn tham gia đoàn của quân đội Hungary sang Việt Nam. Ngày 26-1-1973, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Hungary gặp gỡ, giao nhiệm vụ cho phái đoàn Hungary trước khi xuất phát.

leftcenterrightdel

Sĩ quan Botz László (đứng thứ 5, từ trái sang) cùng phái đoàn và bộ đội Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ngày 28-1-1973, phái đoàn của Hungary chính thức đến Sài Gòn. Đây là chuyến công tác quốc tế đầu tiên trong cuộc đời Botz László. Mới sang đến Sài Gòn, ông cũng chưa biết rõ công việc cụ thể của mình, chỉ biết là thuộc ICCS. Cấp trên của ông quán triệt tinh thần, ngoài nhiệm vụ giám sát hòa bình, Hungary còn đặt mục tiêu giúp đỡ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và các lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam thu thập những thông tin hữu ích để cung cấp cho ta. Lúc bấy giờ, Hungary là thành viên trong khối xã hội chủ nghĩa nên có mối quan hệ hữu hảo với Việt Nam. Những quân nhân Hungary làm nhiệm vụ trong ICCS cũng dành nhiều thiện cảm với đất nước và con người Việt Nam.

Từ ngày 28-1-1973 đến 9-5-1975, các nhà ngoại giao, sĩ quan quân đội, biên phòng và công an Hungary đã chia thành 3 phân đội tham gia phục vụ tại miền Nam Việt Nam. Nhiệm vụ của họ trong ICCS là cố gắng tới mức tối đa yêu cầu các bên thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản của Hiệp định Paris và ngăn chặn những hoạt động phá hoại hiệp định. Với nhiệm vụ giám sát và kiểm tra, các nhân viên, quân nhân Hungary được phân về từng tổ kiểm tra địa phương, nằm rải rác khắp miền Nam, nhất là tại một số khu vực chiến sự ở Tây Nguyên và Nam Bộ. Ban ngày thì họp hành, kiểm tra, khảo sát, đánh giá... tối đến thì làm tiếp các công việc còn lại, chuẩn bị kế hoạch hôm sau và nghỉ ngơi.

Vốn có thiện cảm với Việt Nam nên trong quá trình kiểm tra, khảo sát thực tế ở các địa bàn, Thượng úy Botz László không quên thu thập thông tin, tư liệu, hình ảnh hữu ích cung cấp cho cơ quan chức năng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đáp lại, bộ đội ta khi bắn hạ máy bay địch rơi trong rừng hay phát hiện những hoạt động trái điều khoản hiệp định đều thông tin cho ông biết. Trong những chuyến đi thực tế địa bàn, ông từng gặp các cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta.

leftcenterrightdel
 Sĩ quan Botz László (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Botz László nhớ lại: “Có lần, tôi gặp và trò chuyện với mấy anh bộ đội ở trong rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Có anh đã hơn 10 năm chưa một lần về nhà, thậm chí còn không biết tin gì về gia đình suốt nhiều năm. Cuộc sống, chiến đấu vô cùng vất vả, ác liệt nhưng các anh vẫn gan dạ, kiên cường, một lòng theo cách mạng, vững niềm tin chiến thắng dẫu biết rằng chiến thắng ấy chưa biết đến bao giờ. Nghe vậy, tôi vô cùng khâm phục, trân trọng các anh. Niềm tin của Bộ đội Cụ Hồ thật mãnh liệt, nó trở thành động lực và sức mạnh giúp các anh vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy để thực hiện khát vọng lớn lao giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”.

Theo sử liệu thống kê, trong khoảng thời gian từ ngày 28-1-1973 đến 9-5-1975, Hungary đã cử 636 quân nhân, nhân viên dân sự và ngoại giao thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm soát đình chiến ở Việt Nam; trong số đó có 2 người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ vào tháng 4-1973. Tất cả sự kiện, diễn biến và việc làm của quân nhân, nhân viên Hungary tại Việt Nam được ghi lại khá đầy đủ trong cuốn sách “Magyar katonák Dél-Vietnámban 1973-1975” (tạm dịch: Người lính Hungary ở miền Nam Việt Nam 1973-1975). Để hoàn thành cuốn sách do Hội Hữu nghị Hungary-Việt Nam ấn hành, cựu chiến binh Botz László đã đóng góp khá nhiều tư liệu, hình ảnh lịch sử phản ánh chân thực về lực lượng Hungary trong ICCS. Nhân chuyến thăm TP Hồ Chí Minh cuối tháng 5 vừa qua, ông trao sách tặng nhiều người bạn Việt Nam và gửi tặng phóng viên Báo Quân đội nhân dân file ảnh gồm 74 tấm ông chụp ở Việt Nam trong thời gian 1973-1975. Trong số đó có những bức ảnh ông chụp cùng Bộ đội Cụ Hồ...

leftcenterrightdel
 Trung tướng Botz László (bên phải) giới thiệu cuốn sách viết về người lính Hungary tại miền Nam Việt Nam. Ảnh: HOÀNG ĐÌNH

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam, trở về nước, Thượng úy Botz László tiếp tục phục vụ trong quân đội Hungary và phát triển lên Trung tướng, có học vị Tiến sĩ và là một học giả nổi tiếng. Dù ở cương vị nào ông cũng luôn quan tâm, dành tình cảm tốt đẹp đối với đất nước và con người Việt Nam. Năm 1989, ông cùng những người bạn từng công tác trong ICCS sáng lập Hội Hữu nghị Hungary-Việt Nam, trở thành cầu nối trong quan hệ giữa hai nước. Hơn 30 năm qua, Hội đã có nhiều hoạt động để củng cố quan hệ ngoại giao Hungary-Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục, văn hóa. Hội cũng thường đến thăm các trường đại học ở Hungary, diễn thuyết về tình hình Việt Nam; tổ chức các buổi triển lãm về Việt Nam, quan hệ chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt tại Budapest... Trung tướng, Tiến sĩ, cựu chiến binh Botz László bày tỏ: “Dù tuổi đã cao nhưng với tình cảm yêu mến Việt Nam, tôi vẫn tiếp tục cống hiến để tăng cường và củng cố hơn nữa các mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Chúng ta cùng làm nhiều việc tốt vì nhau để truyền cảm hứng tốt đẹp cho thế hệ mai sau...”.

HOÀNG THÀNH