QĐND - Theo tiếng Lào gọi con đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ là “Con đường hữu nghị” - Thang Mít-tã-phạp.

Là người cầm bút, tôi cũng may mắn có dăm ba lần được đến và đi theo con đường đó. Tôi nhớ, một lần ở Viêng Chăn, anh Chăn Thi- Chủ tịch Hội Nhà văn Lào đưa tôi đến thăm Trung tướng Xiềng Xổm, nguyên Cục trưởng Tình báo đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lào- người đã có công phối hợp với Cục Tình báo Việt Nam tổ chức cuộc giải thoát Chủ tịch Xu-pha-nu-vông cùng các lãnh tụ Lào ra khỏi nhà tù Phôn Khêng. Trong lúc chuyện trò với tướng Xiềng Xổm, ông mang ra những tấm ảnh hai ông bà mặc quân phục Pa-thét Lào, vai súng, tay gậy vượt Trường Sơn theo đường tuyến (tên gọi đường vận tải quân sự của Đoàn 559 lúc đánh Mỹ) để đi xây dựng các cơ sở tình báo cách mạng ở các tỉnh Trung, Hạ Lào.

Từ trái sang: Tác giả, bác sĩ Khăm Liêng (Thứ trưởng Bộ Y tế Lào) và bác sĩ Y Phương.

Ngồi hàng giờ, Xiềng Xổm say sưa kể chuyện về những kỷ niệm với con đường Tây Trường Sơn ấy. Giọng xúc động, ông kể bộ đội Việt đã giúp đỡ rất nhiều cho công tác của Xiềng Xổm. Anh em 559 không những đã bảo vệ tính mạng cho ông, mà chia sẻ cho các đơn vị của ông từng bơ gạo, từng viên đạn để chống lại quân thù, trong lúc không quân Mỹ đánh phá ác liệt theo tuyến đường.

Xiềng Xổm hỏi Chăn Thi: “Theo nhà văn thì nên gọi đường Trường Sơn bằng tên gì cho xứng danh?". Chăn Thi nói: “Có thể viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử dài và đặt tên sách là “Con đường huyền thoại”. “Hay đấy”-Xiềng Xổm tán thành, nhưng nói thêm-“Hay, nhưng nó văn chương quá”. Cánh lính chúng tôi muốn gọi thực tế hơn: Đó là “Thang Mít-tã-phạp” của nhân dân ba nước Việt-Miên-Lào.

Sau Chiến dịch Nam Lào, tôi được theo đường Trường Sơn thăm phía sau mặt trận. Qua nhiều bản làng xưa kia trù phú, nhà cửa chùa chiền khang trang trong những vườn cây trái xum xuê, thì nay bị bom Mỹ đánh tan tành. Nhân dân tự nguyện bỏ làng vào ở trong hang đá, nhường làng cho bộ đội 559 mở đường xe ô tô chở người và vũ khí, lương thực vào chi viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Tôi đã vào các hang đá ở huyện Nà Nhôm để thăm đồng bào, thăm cơ quan Tỉnh ủy Sa-vẳn-na-khẹt. Ông Bí thư Tỉnh ủy nói: “Nhân dân Lào bỏ làng vào ở tạm trong hang đá, sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hỗ trợ cho đường Hồ Chí Minh chạy đến đích trở thành con đường giải phóng, đưa ba nước Việt-Miên-Lào đến chiến thắng, giành lại độc lập, tự do và hạnh phúc”.

Ở trong hang đá Nà Nhôm, tôi đã được gặp và cùng “hành quân” với đoàn của bác sĩ Khăm Liêng Phôn-xê-na, Thứ trưởng Bộ Y tế Lào.

Từ trái sang: Chủ tịch Hội nhà văn Lào, Trung tướng Xiềng Xổm và tác giả. Ảnh trong bài do tác giả cung cấp.

Khăm Liêng người Pháp, gốc Lào, em ruột của Bộ trưởng Ngoại giao Ki-nim Phôn-xê-na. Mỹ và tay sai lôi kéo mua chuộc Ki-nim không được, chúng đã ám sát ông. Được tin người anh bị Mỹ giết, Khăm Liêng đang là giám đốc một bệnh viện đa khoa ở Pa-ri, liền bỏ hết biệt thự, vợ đầm xinh đẹp, con thơ, xin Chủ tịch Xu-pha-nu-vông cho về Lào đánh Mỹ. Bây giờ ông và đồng nghiệp đi dập dịch bệnh. Sau cuộc hành quân Lam Sơn 719, Mỹ cùng quân đội Sài Gòn quyết đánh phá Nam Lào hòng cắt đứt đường Trường Sơn. Đã không chặn được con đường tiếp tế của ta, lại bị quân dân Việt Lào đánh cho giập đầu rút chạy. Bỏ lại mấy trăm xác chết không kịp chôn, thối rữa làm ô nhiễm môi trường, gây ra dịch bệnh. Ngày ngày Khăm Liêng cùng đoàn bác sĩ Lào đi vào các bản làng tìm dập các mầm bệnh. Đêm lại nghe dân kể về con đường 559, Khăm Liêng nói với tôi: “Cụ Hồ là một ông Thánh. Cụ đã sáng tạo ra con đường sống, con đường cứu thoát cho các dân tộc trên bán đảo Đông Dương ra khỏi xiềng xích nô lệ của bè lũ đế quốc Mỹ".

Mùa xuân năm 1973, bộ đội Trường Sơn đã tổ chức đón tiếp, bảo vệ tháp tùng đưa Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc và phu nhân trở về thăm quê hương ông trong vùng giải phóng Cam-pu-chia. Chuyến đi thắng lợi. Khi quay lại, tại tiệc chiêu đãi của Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn ở Hiền Ninh, Quốc trưởng Xi-ha-núc nói: “Lúc tiễn tôi trở về thăm đất nước Cam-pu-chia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đặt mật danh cho chúng tôi rất ý nghĩa: Tên tôi là Hòa, bà Mô-ních, vợ tôi tên là Bình, vị đại sứ và cố vấn của tôi tên là Thắng và Lợi. Trên đường đi trong chuyến xe này, tôi có viết một bài hát. Vậy xin hát tặng quý vị cùng nghe”.

Bài hát vang lên giai điệu đẹp và những lời ca tha thiết: …“Cảm ơn con đường Hồ Chí Minh vĩ đại, đã đưa tôi về với quê hương, đất nước Chùa Tháp xinh đẹp của tôi. Trên đền đài Ăng-co, tượng đá Bai On mỉm cười chào đón tôi và chào đón bạn bè Việt Nam thân thiết của tôi từ con đường hữu nghị trở về. Ôi! Cảm ơn con đường hữu nghị…”

Một lần, tôi cùng anh Tâm Nghi-Trưởng ban C. Quảng Bình đến Lào, đã được anh Đồng Sĩ Nguyên đón cùng đi suốt từ đầu đến cuối Binh trạm 12. Anh Nguyên mặc áo giáp, đội mũ sắt ngồi cạnh lái xe. Chúng tôi ngồi ghế sau, cũng mũ sắt, áo giáp. Là đồng hương, anh Nghi và anh Nguyên luôn nói về kỷ niệm làng quê Quảng Bình. Anh Đồng Sĩ Nguyên ít nói đến mình, anh chỉ kể chuyện chiến đấu hy sinh của chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ít người sống hai bên đường Trường Sơn-cả người Lào cũng như người Việt, bị giặc dùng bom đạn tàn sát, phá hoại nương rẫy. Đồng bào đói gạo, thiếu áo quần, nhất là đói muối đến mờ cả mắt, rụng hết tóc, phù thủng, bước không nổi. Nghe báo cáo, Bác Hồ chỉ thị cho lãnh đạo 559 ngoài việc phải chăm sóc cán bộ chiến sĩ, còn phải lo đời sống và sức khỏe của bà con dân tộc, của Thanh niên xung phong. Chấp hành chỉ thị của Bác, cứu đói và tiếp muối ngay, Đoàn 559 đã chuyển đến cho đồng bào các dân tộc ở Trường Sơn một số gạo, 30 tấn muối và 10 tấn vải. Bác còn dặn 559 phải lo tiêu chuẩn cho các cháu Thanh niên xung phong như lo cho quân đội. Còn phải sắm cho các cháu từ cái kim, sợi chỉ, cái kéo cắt tóc, cái lược bí chải đầu và cả đồ dùng vệ sinh cho các chiến sĩ gái.

Trong chuyến đi này, các đồng chí bảo vệ lái xe và thư ký của anh Đồng Sĩ Nguyên đã kể cho tôi nghe tình cảm của anh đối với bộ đội thật thắm thiết như tình cha con, anh em ruột thịt trong một gia đình. Có những lúc anh thức trắng đêm để nghiên cứu quy luật đánh phá trên tuyến đường của máy bay Mỹ, tìm cách đối phó và đề xuất với Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Quân ủy điều động pháo cao xạ, pháo mặt đất, tên lửa và bộ binh phối thuộc vào Trường Sơn để che chắn con đường, đánh dạt biệt kích và máy bay nhằm bảo vệ các đoàn xe ra vào ngày càng an toàn, giảm bớt tổn thất và thương vong.

Một hôm Tư lệnh thấy một xe Zinkhơ đổ lại bên đường, lái xe gục đầu trên tay lái ngủ. Anh dừng xe, cho đánh thức lái xe dậy chạy tiếp, mới biết người ấy không phải ngủ mà đã chết. Anh đã khóc vì biết người lái xe bị trúng đạn còn cố dạt xe ra bên vệ đường cho đồng đội tiếp tục vượt qua trọng điểm.

"Sau này tôi đã nghe bạn bè nhắc nhớ đến kỷ niệm của con đường chạy dọc Trường Sơn về phía Nam. Tướng Xu-li-ma người Nam Lào nói: “Con đường 559 đã vực dậy và thôi thúc động viên các lực lượng vũ trang Lào lớn mạnh”. Lãnh đạo Trung ương Đoàn Thanh niên cách mạng Lào Vi-nay-thoong nói “Nhờ con đường Hồ Chí Minh mà phong trào thanh niên ở các tỉnh sống ven đường ngày càng phát triển".
(Trần Công Tấn)

 

Sau một đêm theo xe Tư lệnh, tôi đã chia tay anh để thăm các tổ chuyên gia giúp Lào của Quảng Bình rồi được thâm nhập các đơn vị xe vận tải, công binh, pháo binh, Thanh niên xung phong… và ở lại vài ngày với một đội quân thợ mộc chuyên hạ những cây săng lẻ lớn, suốt ngày đêm cưa xẻ để chỉ làm một việc đóng áo quan. Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn chỉ thị cho các đơn vị này thi đua đóng quan tài vượt kế hoạch để phục vụ chiến sĩ trong mùa khô với khẩu hiệu: “Không để liệt sĩ thiếu áo quan khi trở về với Tổ quốc”.

Tôi gặp ông Xủn Thon, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Át-ta-pư, ông nói: “Không có con đường Hồ Chí Minh, không có bộ đội Trường Sơn thì dân Át-ta-pư chúng tôi không biết dựa vào đâu để đánh Mỹ. Dân đói, tôi chạy ra đường tuyến chặn xe ông Đồng Sĩ Nguyên để xin gạo. Thành lập dân quân du kích thiếu súng đạn, lại chạy ra đường. Ông Đồng Sĩ Nguyên lại cấp ngay tại chỗ cho hàng trăm khẩu súng. Con đường tuyến chạy qua Át-ta-pư đã trở thành con đường hữu nghị, con đường dẫn ba nước Việt-Miên-Lào đi đến thắng lợi, đến tương lai và hạnh phúc"…

Nhà văn TRẦN CÔNG TẤN