QĐND - Chuyện Kốt-tát Xa-răng-ti-đít (Kostas Sarantidis) người Hy Lạp là lính của Trung đoàn Lê dương số 2 quân đội viễn chinh Pháp ngày 4-6-1946 bỏ ngũ về với hàng ngũ kháng chiến ở Mũi Né (Phan Thiết), đổi tên thành Nguyễn Văn Lập đã được Nguyệt san SK&NC đề cập. Ngày 6-11-1948 ở Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, ông đã bắn rơi một máy bay của Pháp ở ga Phú Cang (huyện Thăng Bình-Quảng Nam). Câu chuyện sau đây ghi lại việc Kốt-tát ngày 15-6-2010 về thăm nơi đây sau 62 năm xa cách.
Đã đến tận ga Phú Cang, nhưng nhà ông Chánh Ba ở đâu, vì quá lâu chúng tôi không còn nhớ. Nhờ bà con địa phương chỉ giúp, tất cả đều lắc đầu không biết. Tưởng là đành chịu, may sao gặp một cụ già vừa chống gậy đi tới. Mừng quá!
- Chúng cháu chào cụ! Xin hỏi, cụ là người địa phương?
- Tôi ở đây, làng Phước Thành đã 92 năm rồi!
- Thưa cụ, nhà ông Chánh Ba gần đây không?
- Gần thôi, chỉ khâu rựa là tới!
Nghe cụ nói khâu rựa, tôi nhìn anh Lập xem anh có hiểu không, anh cười: “Hiểu, hiểu! Khâu rựa của bà con Quảng Nam ta, nghĩa không xa, mà cũng không gần”.
- Xe có thể chạy tới nhà được không?
- Được, được!
- Thế thì mời cụ lên xe, nhờ cụ giúp bọn cháu đến nhà.
|
Kốt-tát Nguyễn Văn Lập về thăm chốn cũ sau 62 năm xa cách. Ảnh tư liệu |
Xe chạy được một đoạn khá dài, lại không chạy được nữa, vì đường quá hẹp. Một thanh niên đi xe máy vừa tới, thấy vậy sẵn sàng giúp chúng tôi chở cụ già đi trước dẫn đường. Có xa, nhưng rồi khu vườn nhà ông Chánh Ba đã đến. Một ngôi nhà xưa, bề thế, nằm ngoảnh mặt trước một cánh đồng rộng.
Dưới cái nắng hè hầm hập, đoàn chúng tôi mồ hôi đẫm áo, được chủ nhà mở cửa mời vào. Kỳ lạ thay, một ngôi nhà xưa, kín đáo, mái ngói âm dương, không điện, không điều hòa nhiệt độ mà vừa bước vào đã cảm thấy mát dịu. Chúng tôi thưa với chủ nhà:
- 62 năm trước đây, đơn vị bộ đội chúng tôi, Tiểu đoàn 39 trú quân tại nhà. Ngày ấy, có đồng chí này tên Kốt-tát Nguyễn Văn Lập, người Hy Lạp, và cũng có tôi. Nay, từ đất nước Hy Lạp xa xôi, đã 83 tuổi rồi, chẳng kể sức yếu tuổi già, nhớ Việt Nam, anh về thăm bà con ta, thăm gia đình cụ Chánh.
- Thưa các bác, cảm ơn các bác đã về thăm. Cha tôi, ông Chánh đã qua đời, gia đình chỉ còn con cháu, tôi là dâu út.
- Thưa cô, còn cô Sáu con gái cụ Chánh, nay ở đâu, còn không?
Nghe anh Lập hỏi, tôi thật không ngờ, vì quá lâu rồi mà anh vẫn còn nhớ. Tôi biết cô Sáu tên là Vàng, một cô gái xinh đẹp. Nghe anh Lập hỏi, chị chủ nhà chỉ trên bàn thờ:
- Tấm ảnh của cô Sáu còn lại đó. Tội nghiệp, cô đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Đến thăm, ông Chánh không còn, cô Sáu không còn, thắp nén hương trên bàn thờ, nhìn chân dung ông Chánh, chân dung cô Sáu, anh Lập và tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ lại những ngày xưa với bao nghĩa tình quân dân thắm thiết. Nhìn bộ phản gõ, ở góc nhà, anh Lập xúc động chỉ vào đó.
- Bao năm rồi mà chỗ tôi nằm vẫn còn đây!
Nghe chúng tôi về thăm, bà con trong xóm đến mỗi lúc một đông. Một cụ già đã ôm chặt lấy anh Lập giọng nức nở:
- Anh Lập ngày xưa bắn máy bay đây! Quá lâu rồi mà anh vẫn còn nhớ đến bà con.
Anh Lập người chiến sĩ quốc tế bắn rơi máy bay, bà con ta, nhất là lớp già có thể nào quên được. Hôm ấy, ngày 6-11-1948, cả đơn vị đang ăn cơm trưa tại sân nhà ông Chánh Ba. Một chiếc máy bay bà già (Morane 500) từ Bắc vào, bay rất thấp, lướt qua nhà, súng để đầy sân, nhưng làm sao trở tay kịp, anh em tiếc quá.
Ngờ đâu, chỉ 15 phút sau, chiếc máy bay đó lại từ hướng Nam bay ra. Nhờ khoảng không trước nhà trống trải, đơn vị đã kịp thời nổ súng. Cây trung liên Bờ-ren đầu bạc của anh Lập đã bấm gọn cả một băng 21 viên. Máy bay lảo đảo, phụt ra làn khói đen sì, anh em phán đoán, bị trọng thương nhưng rơi đâu chưa biết.
Ngay chiều hôm đó, dân quân Quế Sơn đã dẫn 3 tên giặc Pháp của chiếc máy bay trên về tận nhà ông Chánh Ba. Chúng khai đoàn chúng có 3 người. Thiếu tá Đờ Lát-xan (De Lassal), Trung úy Xa-lơ-mông (Salomon) và Thiếu úy Pi-e Rô-tanh (Piêrre Rotin) có nhiệm vụ bay vào Bồng Sơn (Bình Định) để xác định trung tâm điện đài của ta. Vì thời tiết mây mù cản trở, không thể đến nơi được phải quay ra. Và, đến đây bị bắn, 4 viên đạn trúng vào khoang máy, buộc phải hạ cánh và bị bắt.
Sân nhà ông Chánh Ba rộng rãi, vừa là nơi ăn cơm vừa là trận địa, anh Lập lại đưa bà con ra sân, kể lại diễn biến trận đánh: Những loạt súng nổ vang trời, máy bay phụt khói, cả đơn vị hét lớn, trúng rồi, trúng rồi! Vui lắm!
Anh sôi nổi kể lại chuyện xưa. Vỗ vào vai anh tôi hỏi:
- Có còn nhớ bài ca bắn rơi máy bay không?
- Nhớ chứ, quên sao được!
Thế là, đứng giữa bà con anh Lập lại cất ngay tiếng hát: “Ngày nặng nề một năm mưa giăng lê thê. Tiếng máy bay xa xa chính máy bay bà già, đoàn quân nhanh chóng tiến ra sân đón chờ. Tầm mắt chăm chú theo sát máy bay quay mình. Xào xạc bờ tre là nơi tiếp nghênh…”.
Chúng tôi hát lại bài ca bắn rơi máy bay của một thời kháng chiến giữa sân nhà ông Chánh Ba hôm nay, tưởng chừng như đêm liên hoan mừng bắn rơi máy bay cũng tại sân này 62 năm về trước. Bài hát chấm dứt giữa những tiếng vỗ tay, vừa thương nhớ, vừa ngậm ngùi. Từ giã bà con, mắt anh đẫm lệ. Xa bà con, xa mảnh đất yêu thương này, biết bao giờ trở lại.
Đại tá Võ Văn Minh