Bộ đội Trường Sơn tự hào với kỳ tích san lấp khoảng 78.000 hố bom, đào đắp 29 triệu mét khối đất đá để xây dựng nên một hệ thống đường Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang dài gần 20.000km; xây dựng nên tuyến ống xăng dầu “huyền thoại trong huyền thoại” ở cả Tây và Đông Trường Sơn dài 1.700km; bắn rơi hơn 2.450 máy bay các loại của địch; vận chuyển khoảng 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược, hậu cần chi viện cho các chiến trường; cơ động, tổ chức hành quân cho hơn 2 triệu lượt bộ đội và cán bộ dân chính đảng vượt Trường Sơn vào, ra chiến trường an toàn...
Trong mùa xuân năm 1975, bằng nỗ lực vượt bậc, sự chỉ huy sáng tạo và dày dạn trong tác chiến hợp đồng binh chủng, Bộ đội Trường Sơn đã bảo đảm cầu đường, cơ động các binh đoàn chủ lực thần tốc kịp thời vào chiến trường. Đồng thời trực tiếp tham gia cuộc tổng tiến công hợp đồng binh chủng quy mô lớn nhất lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc, tạo nên sức mạnh cơ động, khả năng đột kích mạnh mẽ của các binh đoàn chủ lực để giành thắng lợi cuối cùng.
    |
 |
Chiến sĩ Dương Quang Lựa và chiếc xe vận tải quân sự đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. |
Trong những chiến công của Bộ đội Trường Sơn, có sự góp sức đầy tự hào của Sư đoàn ô tô vận tải 571. Đây là sư đoàn ô tô vận tải cơ động chiến lược đầu tiên của Quân đội ta, được thành lập ngày 12-7-1973. Theo Đại tá Phan Hữu Đại, 100 tuổi, hiện sinh sống tại khu đô thị Ciputra, Hà Nội, nguyên Chính ủy, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 571, cho biết: “Khi mới thành lập, Sư đoàn 571 có các Trung đoàn 11, 13, 17, 512, 527 và một số tiểu đoàn, đơn vị trực thuộc. Mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn với hơn 2.600 xe ô tô các loại, chiếm 65% tổng số xe và 50% số trung đoàn xe trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn lúc bấy giờ. Sư đoàn 571 có nhiệm vụ vận tải chiến lược và trực tiếp cơ động lực lượng, binh khí kỹ thuật đến các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế đối với cách mạng Lào, Campuchia”.
    |
 |
Đoàn xe vận tải của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng tiến vào Sài Gòn, năm 1975. Ảnh tư liệu |
Là một trong những cán bộ có mặt trong đội hình đơn vị từ những ngày đầu, đồng chí Nguyễn Quân, 94 tuổi, hiện ở tỉnh Bắc Kạn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 571, tự hào kể: “Sư đoàn chúng tôi đã có mặt ở hầu hết chiến trường 3 nước Đông Dương, thực hiện nhiệm vụ vận tải chi viện trên tổng hành trình hàng triệu ki-lô-mét qua khắp các loại địa hình từ rừng núi, đồng bằng đến đô thị. Tôi nhớ mãi hình ảnh những chiến sĩ lái xe, kết thúc chuyến vận chuyển mặt còn lấm lem bùn đất, nhiều đồng chí bị thương, vết máu còn chưa khô nhưng chỉ ăn vội nắm cơm rồi trở về bên chiếc xe thân yêu hì hụi kiểm tra, bảo dưỡng để chuẩn bị cho chuyến đi sau. Lời Bác dặn “yêu xe như con, quý xăng như máu” đã được anh em triệt để thực hiện và lập nên những thành tích đặc biệt xuất sắc để tập thể Sư đoàn 571, 14 đơn vị và 7 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.
Một trong những tấm gương tiêu biểu thường được các cựu chiến binh Sư đoàn 571 nhắc đến là Phan Văn Quý, chiến sĩ lái xe Đại đội 7, Tiểu đoàn 76, Trung đoàn 11, được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân khi mới 23 tuổi.
    |
 |
Đoàn xe vận tải của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng tiến vào Sài Gòn, năm 1975. Ảnh tư liệu |
Đại tá Nguyễn Văn Ninh, Trưởng ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 571 kể: “Trong 4 năm làm nhiệm vụ vận tải quân sự ở tuyến lửa Trường Sơn, Phan Văn Quý đã lái xe chạy được hơn 65.000km an toàn, tiết kiệm gần 7.000 lít xăng, là người dẫn đầu trong phong trào giữ tốt, dùng bền của Sư đoàn 571. Tôi nhớ, có lần Quý thực hiện nhiệm vụ chở thương binh ra hậu phương, khi xe qua trọng điểm Phu La Nhích thì bị máy bay địch phát hiện. Đối mặt với hiểm nguy, Phan Văn Quý bình tĩnh lái xe vào một đoạn đường tránh xương cá rồi dừng lại, nhanh chóng cùng đồng chí phụ lái dìu thương binh xuống tìm nơi ẩn nấp. Nhờ vậy, số thương binh đưa ra gồm 25 người đều an toàn. Ngày 10-6-1976, Phan Văn Quý đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, là anh hùng thuộc Bộ đội Trường Sơn có tuổi đời trẻ nhất khi được phong”.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong cuộc gặp mặt diễn ra cuối tháng 4-2025, gần 500 cựu chiến binh từng công tác, chiến đấu tại Sư đoàn 571 trên khắp mọi miền Tổ quốc đã về dự. Nhớ về những ngày tháng thực hiện mệnh lệnh “thần tốc, quyết thắng”, ai cũng bồi hồi, xúc động. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Bộ tư lệnh Trường Sơn giao cho Sư đoàn nhiệm vụ cơ động gấp Quân đoàn 1-lực lượng dự bị chiến lược của Bộ từ xã Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) vào Đồng Xoài để chuẩn bị cho trận quyết chiến lịch sử. “Mệnh lệnh của Bộ đến khi hầu hết lực lượng xe đang vận chuyển theo kế hoạch từ trước trên Tây Trường Sơn. Song nhờ có hệ thống thông tin liên lạc được tổ chức chặt chẽ, Bộ tư lệnh Sư đoàn đã kịp thời điện khẩn cấp cho các đơn vị nhanh chóng trả hàng, trở về nhận nhiệm vụ mới. Ngày 29-3, đội hình xe đầu tiên xuất phát. Trong vòng 10 ngày, Sư đoàn 571 đã sử dụng hơn 1.000 xe, cơ động đại bộ phận Quân đoàn 1 đến vị trí tập kết an toàn tuyệt đối, vượt 6 ngày so với thời gian quy định của trên. Sau đó, theo yêu cầu của chiến trường, Sư đoàn 571 để lại hai đại đội của Tiểu đoàn 75 do tôi là Chính trị viên Tiểu đoàn chỉ huy, ở lại phối thuộc với Quân đoàn 1 làm nhiệm vụ cơ động chiến đấu”, Đại tá Nguyễn Văn Ninh kể.
    |
 |
Các cựu chiến binh Sư đoàn 571 trong ngày gặp mặt (tháng 4-2025). Ảnh: TUẤN TÚ |
Quá trình triển khai nhiệm vụ cơ động Quân đoàn 1 vào Đồng Xoài, Sư đoàn 571 đồng thời nhận lệnh sử dụng gần 700 xe chở gạo và đạn từ Đông Hà theo Đường số 1 vào Đà Nẵng phục vụ Quân đoàn 2 chiến đấu. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đoàn xe vận tải trên về tập kết từ chân đèo Hải Vân đến sân bay Đà Nẵng để cơ động các lực lượng của Quân đoàn 2, thần tốc tiến quân trên chặng đường dài 900km, vừa đi vừa đánh chiếm các mục tiêu của địch.
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh cuối tháng 4-1975, đội hình xe của Sư đoàn 571 cơ động lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 từ các cánh rừng cao su, vượt qua các ổ đề kháng của địch tiếp cận phía Đông Bắc cầu Sài Gòn. Trong đó, xe của chiến sĩ Dương Quang Lựa (hiện ở Yên Thế, Bắc Giang) thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 964, Trung đoàn 512 có nhiệm vụ cơ động lực lượng bám sát phân đội xe tăng thuộc Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 vượt cầu Rạch Chiếc tiến đánh dinh Độc Lập. “Hơn 9 giờ sáng 30-4, quá trình cơ động, một lốp xe của tôi bị mảnh đạn địch bắn thủng. Tình huống không được dừng xe để sửa chữa, tôi quyết cầm chắc vô lăng lái xe đưa các chiến sĩ đặc công, bộ binh bám theo xe tăng của đơn vị đồng chí Bùi Quang Thận tiến vào sào huyệt cuối cùng của địch. Tôi cũng không ngờ mình lại là người lái chiếc xe ô tô vận tải quân sự đầu tiên có mặt tại dinh Độc Lập trong giờ phút huy hoàng của dân tộc”, cựu chiến binh Dương Quang Lựa bồi hồi nhớ lại.
Sau ngày giải phóng một thời gian, trước yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới, Sư đoàn 571 có quyết định giải thể. Nhưng những cán bộ, chiến sĩ từng có mặt trong đội hình Sư đoàn vẫn luôn hướng về nhau. Đến nay, hàng nghìn hội viên đã cùng tụ họp dưới mái nhà chung mang tên Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 571, hoạt động từ ngày 15-5-1995 với mục đích giữ gìn, phát huy truyền thống và tri ân đồng đội. 30 năm qua, Ban liên lạc thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động về nguồn, gặp mặt truyền thống, xuất bản sách, giúp đỡ hội viên, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn...
VĂN TÁM - HƯỚNG NAM