Những ngày tháng 5 lịch sử, thành phố cảng ngập tràn trong sắc đỏ cờ hoa. 70 năm đã qua kể từ ngày giải phóng, thành phố hoa phượng đỏ thay đổi từng ngày với những công trình đô thị, cầu đường bề thế, những cao ốc, chung cư hiện đại. “Hải Phòng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì mức tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ở mức 2 con số trong 10 năm liên tiếp, xứng tầm là thành phố đứng vị trí thứ hai vùng Đồng bằng sông Hồng”, Thượng tá Nguyễn Văn Dư, Trợ lý Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ CHQS TP Hải Phòng, vừa dẫn chúng tôi đi thăm thành phố, vừa tranh thủ giới thiệu.
    |
 |
Bến Nghiêng (ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng). Ảnh: KHÁNH AN |
Anh cho biết: Năm 2024, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng 11,01%, đứng thứ ba cả nước. Cùng với sự phát triển, đi lên của Hải Phòng, những di tích từ thời Pháp thuộc vẫn được các cấp chính quyền và người dân thành phố lưu giữ. Đâu đó trong thành phố, trên những con phố tấp nập người, xe qua lại, ở những nơi đã trở thành điểm “check-in” nổi tiếng của giới trẻ như nhà hát, nhà ga thành phố... vẫn thấy những dấu xưa hiển hiện. Và hơn cả, trong những con người gắn bó với Hải Phòng thì 70 năm qua đã có những mốc son rạng ngời mà mở đầu chính là ngày giải phóng thành phố 13-5-1955.
Chúng tôi được anh Dư đưa tới thăm các nhân chứng từng trực tiếp về tiếp quản và ở lại xây dựng thành phố mấy chục năm qua.
Ông Nguyễn Ngọc Hiên, hiện trú tại đường Phạm Phú Thứ, quận Hồng Bàng (Hải Phòng), đón chúng tôi trong bộ quân phục chỉnh tề với những tấm huân chương, huy chương phủ dày trên ngực áo-dấu ấn của một thời tuổi trẻ sôi nổi, đầy tự hào. Ở tuổi 93, ông Hiên hiện vẫn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Thanh Huyền và tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội-từ thiện. Những kỷ niệm của 70 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông...
    |
 |
Ông Nguyễn Ngọc Hiên kể chuyện những ngày tiếp quản TP Hải Phòng. |
Sau Hiệp định Geneva năm 1954, Hải Phòng trở thành địa phương cuối cùng ở miền Bắc còn nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Ban chỉ đạo khu 300 ngày, phong trào đấu tranh chống địch diễn ra rộng khắp trên địa bàn thành phố. Với bản chất ngoan cố, quân Pháp một mặt tìm cách dụ dỗ và cưỡng bức quần chúng di cư vào miền Nam, nhất là với quần chúng tôn giáo, mặt khác tiến hành những hoạt động phá hoại trên các mặt kinh tế, văn hóa... trước khi chúng rút đi. “Chính vì thế, cuộc đấu tranh để thi hành hiệp định, tiếp quản Hải Phòng tuy là không có tiếng súng, không phải chiến đấu vũ trang như trước đó, nhưng cũng hết sức cam go. Ta tăng cường cán bộ và các đội vũ trang xuống từng cơ sở vận động, tuyên truyền không nghe theo địch, xây dựng các đoàn thể cứu quốc, dân quân tự vệ để làm nòng cốt đấu tranh với các hành động vi phạm hiệp định của địch”, ông Hiên cho biết.
Theo ông Hiên, trước khi vào tiếp quản, đã có nhiều đồng chí ở đơn vị ông về Hải Phòng trinh sát, thâm nhập thực tế. Họ đã có những tháng ngày lăn lộn, nắm bắt tình hình tại nhà máy xi măng, nhà máy nước, nhà máy điện, sân bay Cát Bi, các công xưởng... để tìm cách tiếp cận, lựa chọn những công nhân có tư tưởng tiến bộ vận động, hướng dẫn đấu tranh, bảo quản máy móc, tài sản của nhà máy, không cho địch phá hoại hay chuyên chở vào Nam. Chỉ một thời gian ngắn, ta đã khôi phục lại hầu hết cơ sở cũng như lực lượng tự vệ ở các nhà máy, xí nghiệp... Họ cũng theo sát nhân dân, cổ vũ các phong trào đấu tranh, cùng người dân xuống đường, kéo đến các vị trí tập kết của địch vừa vận động, lôi kéo, vừa đòi con em trở về, làm nảy sinh tư tưởng hoang mang, chán chường, làm tan rã thêm hàng ngũ địch... “Cuộc đấu tranh 300 ngày cho đến khi tiếp quản thành phố thể hiện sự khéo léo, bản lĩnh chính trị của Đảng, kết hợp đấu tranh ngoại giao, quân sự và quần chúng để buộc Pháp rút lui trong hòa bình, bảo toàn nguyên vẹn cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân”, ông Hiên nhấn mạnh.
Sau khi ổn định cơ bản tình hình, tháng 5-1955, Đại đoàn 320 đã chia lực lượng theo các hướng về tiếp quản TP Hải Phòng. Ông Hiên kể: “Năm đó, tôi được giao phụ trách Đại đội 103, Tiểu đoàn 17 trực thuộc Đại đoàn 320 theo hướng Thủy Nguyên hướng về Hải Phòng. Từ tối 12-5, tôi đã có mặt ở khu vực sông Cấm (đoạn gần cầu Bính ngày nay) chỉ huy bộ đội rải dây thông tin. Ở bên này, có thể nhìn thấy quân địch lố nhố trong doanh trại. Chúng tôi bảo nhau tuyệt đối cảnh giác, sẵn sàng đối phó với quân địch, nhưng rút cuộc không thấy chúng có hành động gì. Sáng hôm sau, trên đường hành quân tiến về thành phố, chúng tôi cứ đi đến đâu là lính Pháp trao lại quyền canh gác cho bộ đội và lầm lũi rút lui. Vui nhất là đường phố tưng bừng với cờ hoa và những tiếng reo hò cổ vũ. Nhiều người đã không kìm được niềm vui, chạy lại tặng hoa, quà bánh cho bộ đội”.
Cũng nằm trong đoàn quân hướng về thành phố, nhưng ở phía Bắc, hướng Đường số 5 tiến về Hải Phòng, Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm, 91 tuổi, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng (hiện ở tại đường Ngô Gia Tự, quận Hải An), nhớ lại: “Lúc đó tôi là Trung đội phó kiêm Quản trị trưởng Đại đội 27, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Đại đoàn 320. Đêm 12-5, đơn vị tôi đóng quân ở khu vực Nhà máy Xi măng Hải Phòng để sáng hôm sau vào tiếp quản thành phố. Đêm ấy, tôi và đồng đội đã ra gần chân cầu Ngô Quyền (nay là cầu Lạc Long) hướng về thành phố để ngắm nhìn hàng trăm ngọn đèn điện thi nhau tỏa sáng. Cuộc đời bộ đội chủ yếu ở rừng, nằm sương nên được ngắm nhìn thành phố trong ánh sáng cũng là niềm hạnh phúc vô bờ với chúng tôi. Tôi vẫn nhớ cảm giác hãnh diện khi sáng hôm sau được cầm súng đi đầu bảo vệ cờ của Tiểu đoàn trong đoàn quân diễu hành, biểu dương lực lượng”.
    |
 |
Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Dư, cán bộ Phòng Chính trị Bộ CHQS TP Hải Phòng. |
Các đơn vị ngay sau khi vào tiếp quản thành phố đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để nhân dân yên tâm lao động sản xuất. “Chúng tôi đi thành tổ 3 người, mang theo bi đông nước, vào từng nhà rồi ra chợ hỏi thăm, trò chuyện với mọi người, giải thích cho nhân dân hiểu những tuyên truyền sai lệch của địch trước kia. Sau đó, chúng tôi vừa huấn luyện quân sự, vừa xây dựng các đội tự vệ để ổn định tình hình, bảo vệ nhân dân, sẵn sàng đối phó khi có tình huống...”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm cho biết.
Theo bước đoàn quân chiến thắng năm xưa, chúng tôi về thăm Bến Nghiêng (ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn), nơi những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hải Phòng ngày 15-5-1955. Năm 1950, thực dân Pháp cho xây dựng bến tàu quân sự tại đây để tập kết, vận chuyển các phương tiện chiến tranh từ “tàu há mồm” ngoài biển vào. Đứng nơi bến tàu, tôi hình dung về những bước chân lầm lũi của những tên lính Pháp cao to, lực lưỡng cúi đầu bước đi dưới sự giám sát của chiến sĩ ta, như lời Thiếu tướng Nguyễn Duy Khâm kể lại. Năm 2009, nơi đây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bến Nghiêng buổi chiều tà bình yên trong gió lộng và những đoàn thuyền đánh cá tấp nập về bến. Bóng dáng những ngư dân với nước da nâu sậm đậm màu biển cả trong một ngày bội thu như điểm tô thêm cảnh sắc bình yên nơi đây.
    |
 |
Bộ đội ta tiến về tiếp quản Hải Phòng, ngày 13-5-1955. Ảnh tư liệu |
Ông Đinh Xuân Sỹ (ở phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn), 61 tuổi, vừa bước lên bờ với bao hàu nặng. Ông cho biết, với số hàu này, vào mùa cao điểm du lịch, ông có thể kiếm 5-6 triệu đồng/ngày. Ông Sỹ có hơn 30 năm gắn bó với nghề đã nuôi sống gia đình cũng như giúp con cái ăn học, trưởng thành. “Nơi đây hiện đã trở thành địa điểm sản xuất, đánh bắt hải sản của ngư dân và là bến tàu du lịch đưa du khách đi tham quan Hòn Dáu, Cát Bà, Hạ Long... Thời ông bà, bố mẹ tôi thì khổ lắm, vì đi đâu, làm gì cũng bị quản thúc, xét hỏi. Dù không được tận mắt chứng kiến khoảnh khắc lính Pháp rút đi nhưng tôi hiểu lắm giá trị của độc lập, tự do và luôn trân trọng những tháng ngày hòa bình, ấm no hôm nay”, ông Sỹ bộc bạch.
THU THUỶ - BẢO CHÂU