Chúng tôi đến gặp cựu chiến binh, Đại tá, TS Cao Phương Giang, nguyên Phó chủ nhiệm Bộ môn Bảo đảm kỹ thuật binh chủng, Khoa Chỉ huy-Tham mưu kỹ thuật, Học viện Kỹ thuật Quân sự, người tham gia trận đánh Buôn Hồ trong Chiến dịch Tây Nguyên.
Ông kể: “Để phối hợp với hướng tiến công chủ yếu ở Buôn Ma Thuột, phía Bắc, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 có nhiệm vụ tiến công quận lỵ Buôn Hồ (nay là thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Thời điểm đó, tôi là chiến sĩ thông tin vô tuyến điện của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64.
Theo kế hoạch tác chiến của Trung đoàn 64, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 cùng tiến công các hướng vào quận lỵ Buôn Hồ. Riêng Tiểu đoàn 9 có nhiệm vụ tác chiến độc lập tại khu vực quận Thuần Mẫn ở phía Bắc. Trong trận đánh mở màn này, tổ máy vô tuyến điện 2W của tôi và anh Huyền người Hà Bắc (trước đây) được phân công đi cùng Đại đội trưởng Đại đội 5 trên hướng tiến công chủ yếu của Tiểu đoàn.
Mờ sáng 10-3-1975, có lệnh nổ súng, Tiểu đoàn 7 được xuất kích trước. Từ hướng quận lỵ Buôn Hồ, chúng tôi nghe rõ đạn pháo cối và đại liên, tiểu liên của cả hai bên nổ dồn dập.
Cùng với đó, từ trận địa phục kích của Tiểu đoàn 8, đối diện Đường 14, chúng tôi thấy từng tốp đủ các sắc lính bảo an, dân vệ, địa phương quân chạy ra chạy vô; mấy chiếc xe bọc thép, xe tải quân sự GMC nổ máy khói mù mịt... Chờ mãi mà chưa nhận lệnh nổ súng, sốt ruột quá! Tình hình diễn ra nhanh thế này, chắc không thể xảy ra trận phục kích trên Đường 14 mà trung đoàn tôi đã chuẩn bị suốt mấy tuần qua. Kể cũng tiếc công chuẩn bị thật, nhưng tiết kiệm xương máu cho cả hai bên và cuối cùng quân ta vẫn chiến thắng là được.
    |
 |
Cựu chiến binh, Đại tá, TS Cao Phương Giang. Ảnh: THÁI KIÊN |
Khi có lệnh xuất kích, chúng tôi vọt lên khỏi công sự. Tôi bám theo Đại đội trưởng Đại đội 5 Nguyễn Văn Tòng, vượt qua một trảng đồi lúp xúp, nhấp nhô, rồi băng qua một khoảng vườn cà phê, tiến ra Đường 14. Đại đội trưởng Tòng lệnh cho anh em giá súng, nã vài loạt vào điểm chốt phía trước, không thấy địch phản ứng. Trinh sát kiểm tra mới biết đây là một điểm chốt vòng ngoài để bảo đảm an ninh, lực lượng cỡ một trung đội bảo an, lúc đó đã “vườn không nhà trống”. Đại đội trưởng Tòng truyền lệnh cho tôi liên lạc báo cáo về Tiểu đoàn, chờ nhận lệnh tiếp. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 Dương Văn Niên (sau này là Đại tá, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân đoàn 3) ra lệnh cho chúng tôi hành tiến theo Đường 14 vào thị trấn quận lỵ và nhắc đơn vị chú ý, cách khoảng 1km có đồn địch án ngữ ngay bên đường.
Đội hình đại đội chúng tôi cứ hai bên đường mà tiến theo kiểu sâu đo. Cứ một tiểu đội tiến thì các tiểu đội còn lại bảo vệ, nhưng hầu như không gặp phải sự chống cự nào... Chúng tôi áp sát một cứ điểm trên mỏm cao thì dừng lại.
Chợt vài quả cối ngay trên đỉnh đồi bắn vào giữa đội hình, nên chúng tôi nhanh chóng cơ động vào trong vườn cà phê ven đường. Có một căn nhà dân kiên cố để trú ẩn tạm. Tôi thấy có cái giếng và nghĩ thầm đây có thể là nơi trú ẩn. Cẩn thận, tôi lấy hòn đá mài để cạnh ném xuống thăm dò độ sâu thì không nghe tiếng chạm đáy, chắc giếng sâu. Tôi chợt giật mình, thấy ánh mắt một người đàn ông... Ông ta lắc đầu và có ý mời tôi vào trú trong hầm của gia đình họ. Hóa ra cả một gia đình đang trú trong hầm cạn để toàn cà phê và hồ tiêu... Tổ đài tôi trú ở đó để liên lạc, mặc cho bên ngoài súng nổ. Ít phút sau im tiếng súng. Chúng tôi làm chủ căn cứ nhưng không có ai bị thương vong. Đối phương cũng không có ai thiệt mạng, kết quả là gần một đại đội bảo an bị chúng tôi bức hàng.
Sang đầu giờ chiều, chúng tôi bắt liên lạc được với Tiểu đoàn 7. Thị trấn quận lỵ rộng quá, Tiểu đoàn 7 phải để lại một bộ phận ở mấy buôn có bà con đang sinh sống nên đang dừng lại củng cố. Lệnh của Trung đoàn là Tiểu đoàn 8 phải nhanh chóng làm chủ Chi khu quân sự Buôn Hồ.
Chi khu quân sự Buôn Hồ nằm ở phía Đông thị trấn, cách khoảng 1km. Cả trung đoàn chia thành nhiều mũi tiến công chi khu quân sự. Tiểu đoàn chúng tôi gần như không phải nổ súng. Đến 17 giờ, chúng tôi tràn vào cả thị trấn quận lỵ và chi khu quân sự. Buôn Hồ được giải phóng mà hầu như cả hai bên đều không đổ máu thêm”.
Kết quả, sau một ngày chiến đấu tiến công quận lỵ Buôn Hồ, Trung đoàn 64 (thiếu Tiểu đoàn 9) cùng các lực lượng tăng cường đã tiêu diệt, bắt và làm tan rã toàn bộ quân địch ở đây gồm một tiểu đoàn bảo an, một đại đội cảnh sát dã chiến, thu 3 khẩu pháo 105mm, hơn 10 xe quân sự các loại cùng nhiều vũ khí, trang bị của địch, giải phóng hoàn toàn quận lỵ Buôn Hồ.
THÁI GIANG