Bước chân vào Sài Gòn, tôi đến ngay Bộ tư lệnh tiền phương Hải quân. Nhiệm vụ của tôi là phải có mặt ở Quân cảng Cam Ranh để đi Trường Sa cùng đoàn phái viên Bộ Tổng Tham mưu. Chuyến công tác là dịp để đoàn phái viên có những tư liệu giúp cho việc khảo sát, hoạch định những vấn đề phòng thủ, giữ vững quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.
Bộ tư lệnh tiền phương Hải quân trả lời có xe mà không có người lái nên tôi phải tự xoay xở mặc dù không biết lái. Sau một hồi loay hoay, tôi cũng làm chủ được chiếc xe Kawasaki 250 phân khối và cùng anh Nguyễn Thắng đi thẳng ra Cam Ranh. Chúng tôi nghỉ qua đêm với anh em Đại đội 1, Đoàn 126 Hải quân. Mờ sáng hôm sau, biên đội 3 tàu xuất phát. Tôi đi với tàu kỳ hạm của biên đội, hướng thẳng ra Biển Đông.
Thượng tá, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái là phái viên đặc biệt của Bộ Tổng Tham mưu làm Trưởng đoàn giao nhiệm vụ cho từng người. Riêng phần chụp ảnh, để giữ tuyệt đối bí mật, Thượng tá Hoàng Hữu Thái nhắc nhở tôi một số điều cần chú ý: Không được chụp toàn cảnh đoàn tàu và quân cảng xuất phát; không chụp hệ thống bố phòng trên đảo cũng như cảnh bốc dỡ hàng lên đảo; không chụp chân dung cán bộ, chiến sĩ trên đảo và cảnh có thể suy đoán ra quân số trên đảo mà chỉ tập trung vào những gì nêu bật chủ quyền của Việt Nam (cột mốc chủ quyền, Quốc kỳ, bộ đội luyện tập, tuần tra...).
    |
 |
Bộ đội Hải quân giải phóng quần đảo Trường Sa, năm 1975.
|
Ra khỏi phao số 0, đoàn tàu gặp cơn dông rất lớn. Sóng cấp 7, cấp 8 trùm lên ca bin tàu, gió xoáy giật cấp 9, cấp 10. Những con tàu chống chọi quyết liệt với dông lốc. Lúc đầu, biên đội tàu còn thông báo với nhau qua vô tuyến điện nhưng sau đó mất liên lạc hoàn toàn. Tàu kỳ hạm mà tôi đi cùng chết máy, vật lộn với dông tố, con tàu dạng đánh cá trở nên quá mỏng manh. Bộ đội thấm mệt. Đúng lúc đó có một tàu viễn dương rất lớn, mũi tàu có dòng chữ Vladivostok. Thấy tàu ta gặp nạn trôi tự do, họ ném 2 dây, 1 dây buộc đuôi tàu ta với mũi tàu của họ và 1 dây buộc đuôi tàu của họ với mũi tàu của ta.
Sóng đánh ầm ầm hất tàu ta lên cao, đập rất mạnh vào sườn tàu lớn. Tình thế vô cùng nguy hiểm vì tàu ta chở đầy ắp vũ khí, đạn dược, va đập quá mạnh có thể làm nổ tung cả hai tàu. Thuyền trưởng và tôi tìm được chiếc rìu chặt ngay dây phía lái tàu mình, chỉ để dây buộc mũi tàu vào cuối tàu của họ. Trước đó, thuyền trưởng lấy hải đồ dân sự đánh dấu khoanh tròn cảng Nha Trang rồi buộc vào túi ni lông, dùng sào dài đưa lên cho tàu lớn. Khi cắt dây, tàu ta trôi dần về phía sau. Rồi tất cả chìm vào giấc ngủ.
Mờ sáng hôm sau, thấy dây còn lại thả nổi trên mặt nước, mọi người nhìn ra thì tàu viễn dương đã tháo dây và đi xa. Tàu ta không kịp có hồi còi cảm ơn. Trong sương mờ thấp thoáng ngọn núi chỉ hướng vào cảng Nha Trang. Cả ngày hôm đó, hai trực thăng của Không quân nhân dân Việt Nam bay lượn tìm kiếm hai tàu còn lại. Nhá nhem tối thì thấy hai tàu cùng về. Công việc sửa chữa được tiến hành gấp trong đêm để kịp ngày hôm sau lại lên đường...
    |
 |
Nhà báo Nguyễn Khắc Xuể (giữa) tại đảo Nam Yết, tháng 5-1975. Ảnh tư liệu của tác giả
|
Đảo đầu tiên chúng tôi đến là Song Tử Tây. Bước chân lên đảo là đoàn phái viên làm việc ngay với cán bộ đảo. Đảo trưởng Nguyễn Ngọc Quế giao cho các phân đội triển khai các bài tập đánh chiếm đảo để tôi ghi lại hình ảnh. Thời gian gấp gáp, công việc hối hả, phải tranh thủ từng giây, từng phút, từng chút ánh sáng thuận lợi để chụp ảnh. Tôi nhanh chóng ghi lại được hình ảnh ấn tượng: Hai lá cờ, lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột thông tin và lá cờ sao vàng nửa đỏ, nửa xanh phấp phới trên nóc Bia chủ quyền, rất đúng với biểu tượng chiến thắng của quân dân miền Nam và cả nước. Từ Song Tử Tây, đoàn tiếp tục đến đảo Sơn Ca, rồi đi tiếp đến Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, An Bang và các bãi đá ngầm. Điểm cuối cùng chúng tôi dừng chân là đảo chỉ huy Nam Yết.
Đầu tháng 5-1975, chỉ có 3 đảo có cây cối. Song Tử Tây có vài chục cây dừa và cây sâm nam (sâm đất) bò lan khắp đảo. Sơn Ca có khá nhiều cây bàng vuông và rùa biển. Nam Yết có nhiều dừa, bàng vuông và một ít phi lao. Đảo Trường Sa không có cây cao, chỉ có sâm đất lưa thưa nhưng rất nhiều chim hải âu đẻ trứng la liệt. Sinh Tồn có vài cây phi lao cao khoảng 1m. An Bang không hề có cây, chỉ có Bia chủ quyền dựng giữa đảo cùng với hàng trăm con ó biển (loại đại bàng biển to như con ngỗng). Khi tàu đến An Bang thì trời sắp tối, mưa phùn nhưng anh em chúng tôi vẫn xuống xuồng chèo vào đảo. Hàng chục đảo san hô chúng tôi đi qua, lúc thủy triều lên cao thấy san hô xâm xấp mặt nước. Bãi san hô có chỗ kéo dài đến hơn nghìn mét. Đảo nào không có người thì tôi được chụp toàn cảnh...
Bộ đội Đặc công Hải quân anh nào cũng hiền hậu, điềm tĩnh, vóc dáng săn chắc. Họ đều được huấn luyện rất thuần thục các động tác kỹ thuật, chiến thuật nên bất cứ một yêu cầu nào họ đều làm rất nhanh, chính xác, mệnh lệnh ngắn gọn. Trừ bữa ăn, đoàn phái viên làm việc không ngơi nghỉ. Về phần mình, tôi đã tận dụng từng phút để chụp ảnh tất cả những gì có thể. Anh Nguyễn Thắng thì ghi chép liên tục để sau này đăng phóng sự dài kỳ mang tên “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” trên Báo Quân đội nhân dân.
NGUYỄN KHẮC XUỂ