1. Nền tảng lý luận để Đảng định vị, khởi phát thông điệp về “kỷ nguyên vươn mình”

Việc xuất hiện của “kỷ nguyên phát triển mới” không bao giờ do ý chí của cá nhân hay chính đảng mà luôn là yêu cầu từ thực tiễn khách quan. Từ xưa tới nay, đổi mới là cách mạng, cách mạng là đổi mới. “Kỷ nguyên vươn mình” thực chất là cuộc cách mạng, mà cách mạng thì phải đúng thời cơ.

Sinh thời, Hồ Chí Minh là người hết sức nhạy cảm về thời cơ cách mạng. Người luôn chọn đúng thời điểm để thành lập Đảng (năm 1930), Mặt trận Việt Minh (năm 1941), Quân đội (năm 1944) để tiến hành Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) và ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1946), chống đế quốc Mỹ (năm 1966). Người luôn nhấn mạnh, “làm cách mệnh phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chắc thắng”.

Kế thừa quan điểm của Hồ Chí Minh, việc đưa ra thông điệp về “kỷ nguyên vươn mình” của Đảng ta đã dựa trên việc tính toán kỹ lưỡng các điều kiện quốc tế, trong nước và yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam. Về tình hình quốc tế, Đảng ta luôn khẳng định, tính chất của thời đại vẫn không thay đổi; hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn của nhân loại; thế giới đang ở trong giai đoạn hình thành trật tự mới-trật tự đa cực và thời điểm kết thúc cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn có thể vào năm 2030. Việt Nam cần tăng tốc phát triển để định vị được vị thế của mình trong trật tự thế giới mới. Về tình hình trong nước, Việt Nam là nước có vị trí giao thương quan trọng; dân số đứng thứ 15 trên thế giới và đang ở thời kỳ “dân số vàng”; có quy mô nền kinh tế đứng thứ 32, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới; có một hệ thống chính trị hết sức ổn định; có quan hệ quốc tế hữu hảo với 194 quốc gia và số nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam không ngừng gia tăng. Vì thế, đây chính là thời điểm Việt Nam có đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để bước vào giai đoạn phát triển bứt tốc. Đánh mất thời cơ, bỏ qua vận hội là có tội với lịch sử và dân tộc. Chỉ dẫn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thời cơ cách mạng đã giúp Đảng định vị và quả cảm khởi phát về kỷ nguyên phát triển mới của đất nước.

leftcenterrightdel

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ cách mạng ở Quảng Châu, Trung Quốc. Tranh minh họa: Bảo tàng Cách mạng Việt Nam

2. Cơ sở để Đảng xác định rõ mục tiêu của “kỷ nguyên vươn mình”

Hồ Chí Minh là người đã hiến trọn đời mình cho hạnh phúc của nhân dân và sự tiến bộ của nhân loại. Tâm nguyện ấy thể hiện rõ trong Di chúc, rằng “điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Thực hiện tư tưởng của Người, Đảng ta đã xác định mục tiêu của đổi mới và đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Trong quan hệ quốc tế thì Việt Nam cam kết là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần tích cực vào việc xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác. Trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên hàng đầu trong “kỷ nguyên vươn mình” là phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao để nhân dân được sung sướng, hạnh phúc. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Mục tiêu chủ nghĩa xã hội là “bất biến” nhưng con đường đến đó phải linh hoạt, phù hợp với thời cuộc. Những mục tiêu phát triển rất cao, rất khác thường trong “kỷ nguyên vươn mình” mà Đảng đề ra như chuyển đổi số, phát triển xanh, Chính phủ thông minh, nền hành chính phục vụ... thực chất là cách thức để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh mới.

3. Truyền cảm hứng, quyết tâm thay đổi vận mệnh dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu

Hồ Chí Minh là người có hoài bão lớn và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám-thời điểm Nhà nước cách mạng phải đối đầu với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Hồ Chí Minh vẫn khao khát cái ngày dân tộc Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Người rất tin rằng, Việt Nam là “một dân tộc đã có một nền văn hóa lâu đời, nhưng lại có đủ khả năng để trẻ lại” và sẽ trở thành một dân tộc văn minh, có đóng góp vào văn minh nhân loại. Niềm tin của Hồ Chí Minh vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam thực chất là lòng tin vào nhân dân anh hùng và Đảng chân chính cách mạng.

Trong việc xác định “kỷ nguyên vươn mình” của dân tộc Việt Nam, Đảng đã hướng tới mục tiêu được đứng trong hàng ngũ của các nước phát triển. Vượt qua nghèo nàn đã khó, nhưng vươn tới thịnh vượng, phát triển còn khó hơn rất nhiều. Lúc này, việc xác định mục tiêu, lựa chọn chiến lược và quyết tâm của người đứng đầu, của Đảng cầm quyền là vô cùng quan trọng. Trước đây, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh “dám đánh, quyết đánh và quyết thắng”. Nay, lợi ích, lòng tự tôn của một dân tộc anh hùng không cho phép Việt Nam lùi bước hay an phận với vị thế hiện có. Tư tưởng Hồ Chí Minh, khát vọng Hồ Chí Minh đã truyền cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân niềm tin, quyết tâm lớn lao đó.

4. Gợi mở các động lực phát triển để thúc đẩy sự “vươn mình” của dân tộc Việt Nam

“Vươn mình” để phát triển có nghĩa là phải vượt qua tầm vóc, hành động thông thường để đạt tới một “chiều kích” mới. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ động lực phát triển của chủ nghĩa xã hội Việt Nam rất phong phú. Trước hết là động lực con người xét trên cả hai bình diện là cá nhân và cộng đồng. Đó là động lực chính trị mà cụ thể là vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý nhà nước và vai trò tập hợp lực lượng của Mặt trận Dân tộc thống nhất, trong đó, sự lãnh đạo của Đảng là động lực “hạt nhân” trong toàn bộ hệ động lực phát triển. Đó còn là động lực kinh tế được khai thông bằng việc xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, phát huy tinh thần làm chủ của người lao động và thực hiện tốt phong trào 3 xây (nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật) và 3 chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). Đó còn là động lực quốc tế với sức mạnh của sự hợp tác và phát huy các thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Kế thừa, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về hệ động lực phát triển trong bối cảnh mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định 7 định hướng chiến lược để đưa đất nước vào “kỷ nguyên vươn mình”: (1). Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; (2). Tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; (3). Tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; (4). Chuyển đổi số; (5). Chống lãng phí; (6). Cán bộ; (7). Kinh tế. Với mỗi định hướng nói trên, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục gợi mở các giải pháp hữu hiệu.

Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng thì Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn rõ ràng về cách “lãnh đạo đúng”: Là quyết định mọi điều cho đúng, là tổ chức thi hành cho đúng và kiểm soát đúng. Người cũng nhấn mạnh, Đảng muốn thực thi tốt quyền lãnh đạo của mình thì phải thực sự “là đạo đức, là văn minh” và phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Những chỉ dẫn quan trọng này của Người chính là “kim chỉ nam” để thực hiện chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay.

Việc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì cần khắc ghi lời dặn của Hồ Chí Minh, rằng “phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” và phải “tham khảo hiến pháp của các nước bạn và của một số nước tư bản có tính chất điển hình”. Do đó, trong công tác hoàn thiện luật pháp, cần đề phòng việc “cài cắm lợi ích nhóm” và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lập hiến, lập pháp của nhân loại để tạo sự tương thích về “hành lang pháp lý” khi Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu rộng.

Tiến hành tinh gọn bộ máy, cần vận dụng sáng tạo chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: “Tinh là năng suất lên cao, làm cho mau cho tốt, giản là vừa phải, không kềnh càng, tránh hình thức”. Tức là việc tinh giản không chỉ hướng tới mục tiêu giảm cơ học, giảm “đầu mối” mà phải nâng cao năng suất, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy. Lời căn dặn của Hồ Chí Minh rằng “phải hợp tác với những người ngoài Đảng” cũng rất đáng suy ngẫm, vì việc xây dựng đường lối, chính sách là trách nhiệm của Đảng nhưng việc thực thi chính sách rất cần những nhà kỹ trị, các chuyên gia thực thụ ở từng lĩnh vực khoa học chuyên sâu. Việc sử dụng cán bộ theo hướng đó tuyệt đối không làm giảm đi vai trò lãnh đạo của Đảng mà ngược lại, vì lẽ, tài năng lớn nhất là dùng được người tài.

Về “chuyển đổi số” thì vấn đề này chưa xuất hiện trong thời Hồ Chí Minh đã sống nhưng Người luôn đánh giá rất cao vai trò của khoa học. Người từng nói, “chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”. Ngày nay, khoa học là “chìa khóa phát triển”, là nhân tố quyết định vị thế quốc gia nên ngày 22-12-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Lúc này, cần học tập, vận dụng kinh nghiệm của Hồ Chí Minh để phát động thành công “phong trào bình dân học vụ số” vì muốn có Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số thì phải có “công dân số”.

Công tác phòng, chống lãng phí phải được thực hiện với một tinh thần quyết liệt không kém chống tham nhũng, bởi không phải ai cũng có cơ hội để tham nhũng nhưng ai cũng có thể lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội và ở nước ta thì lãng phí đang diễn ra dưới nhiều hình thức, ở mọi quy mô. Về lâu dài, phải kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm trong Đảng và trong nhân dân, để nó trở thành nhu cầu tự thân, thói quen hằng ngày như biểu hiện của nếp sống văn minh.

Về công tác cán bộ thì đổi mới công tác cán bộ là trách nhiệm của Đảng. Trong giai đoạn hiện nay, cán bộ ngoài đạo đức trong sáng, lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, gắn bó mật thiết với nhân dân, còn phải có óc đổi mới, tinh thần “7 dám” và có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. Để thực hiện tốt công tác cán bộ, phải có chế tài kiểm soát để buộc người có quyền sử dụng cán bộ giữ được sự công bình, chính trực, tuyệt đối không “đưa người tư vào làm việc công”.

Tăng cường phát triển kinh tế là phương hướng trọng yếu bởi chủ nghĩa xã hội thì không thể nghèo khổ, lạc hậu. Hơn nữa, nghèo thì hèn, dễ thành “khí cụ trong tay của kẻ khác”. Sự thịnh vượng về vật chất sẽ giúp Việt Nam nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, khả năng phòng vệ đất nước và vị thế quốc tế.

Sau gần 40 năm đổi mới, dù có bước tiến lớn nhưng Việt Nam vẫn đứng trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế và “chưa giàu đã già”. Muốn trở thành nước phát triển vào năm 2045, Việt Nam cần tăng trưởng ở mức hai con số trong một thời gian dài và do đó, cần khai thông các nguồn lực, trước hết là điểm nghẽn về thể chế. Tuy nhiên, đây phải là sự tăng trưởng bền vững khi gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội và công tác bảo vệ môi trường.

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT