Tháng 2-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Pác Bó (Cao Bằng) sang Côn Minh (Trung Quốc) với sứ mệnh đặc biệt quan trọng, đó là mở cuộc vận động cho Phong trào Việt Minh có chân trong phe Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít. Ở Côn Minh lúc bấy giờ đang là “Đại bản doanh” của các lực lượng Đồng minh như: Không đoàn 14 (Mỹ), Cơ quan trợ giúp căn cứ Không quân (AGAS), Cơ quan phục vụ chiến lược (OSS)... Tại đây, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với nhiều sĩ quan chỉ huy các lực lượng, trong số đó có Charles Fenn, một trung úy làm việc trong OSS và tướng Claire Lee Chennault-Tư lệnh Không đoàn 14, biệt danh “Hổ Bay”. Trong cuốn sách có tựa đề “Leaders of Modern Thought-Ho Chi Minh, A biographical introduction” (Những nhà lãnh đạo tư tưởng hiện đại-Hồ Chí Minh, một chân dung) xuất bản tại Anh tháng 1-1973, Charles Fenn đã kể lại những ấn tượng của mình về con người Hồ Chí Minh cũng như việc kết nối Hồ Chí Minh và tổ chức Việt Minh với tổ chức OSS.

Theo Charles Fenn, các cuộc trao đổi xoay quanh sự hợp tác trong việc chống phát xít Nhật. Qua trao đổi, hai bên thỏa thuận Việt Minh đồng ý bảo đảm địa bàn hoạt động cho quân Đồng minh, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động của quân Nhật trên đất Việt Nam. Đổi lại, phía Đồng minh sẽ cung cấp cho Việt Minh một số vũ khí hạng nhẹ, thuốc men, một số khí tài quân sự và đào tạo nhân viên vô tuyến điện. Sự hợp tác bước đầu tuy còn khiêm tốn nhưng quan trọng hơn là tạo được sự thân thiện và tôn trọng cần thiết về một lãnh tụ của Phong trào Việt Minh trong con mắt những sĩ quan cao cấp Mỹ thuộc lực lượng Đồng minh chống phát xít.

Đầu tháng 4-1945, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử kết nối với Đồng minh, Hồ Chí Minh rời Côn Minh trở về Pác Bó. Người trực tiếp chỉ đạo công tác chuẩn bị để tiếp nhận lực lượng Đồng minh. Đích thân Người lựa chọn những du kích Cao Bằng thông thạo địa bàn sang biên giới hộ tống Frank Tann (F.Tann) và Mac Shin, hai sĩ quan Đồng minh đầu tiên được phái sang Việt Nam cùng với một số thiết bị thông tin. Với sự giúp đỡ của hai viên sĩ quan vốn có nhiều ấn tượng tốt đẹp và thiện cảm với Hồ Chí Minh mà những thiết bị thông tin này sớm được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Qua đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh lần đầu tiên có thể liên lạc trực tiếp bằng sóng vô tuyến điện ra nước ngoài, nắm bắt những chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, kịp thời đưa ra những chỉ thị, quyết sách phù hợp chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.

Ngày 4-5-1945, Hồ Chí Minh cùng với đoàn tùy tùng, trong đó có F.Tann và Mac Shin rời Pác Bó theo đường hành lang chính trị quần chúng về Tân Trào. Theo ông Đặng Văn Cáp, người được giao chỉ huy “cuộc hành quân” thì trong suốt chặng đường từ Pác Bó về Tân Trào, qua làn sóng vô tuyến điện, Bác vẫn giữ liên lạc thường xuyên với cơ quan chiến lược Mỹ ở Hoa Nam. Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Bình Dương (Hòa An), Hồ Chí Minh gửi một bức điện (ghi ngày 9-5-1945) trong đó có lời thăm tướng Chennault và bày tỏ: “Hy vọng một ngày gần đây nhất sẽ hân hạnh được đón tiếp các ông tại khu căn cứ của chúng tôi”(1).

Đặt chân tới Tân Trào, một trong những chỉ thị đầu tiên của Người là phải khẩn trương mở trường đào tạo cán bộ và chuẩn bị đón tiếp lực lượng Đồng minh. Đầu tháng 6-1945, Hồ Chí Minh điện sang Côn Minh báo tin cho chỉ huy lực lượng Đồng minh biết mọi công việc đã chuẩn bị sẵn sàng. Một tuần sau đó, Người được phía Đồng minh thông báo: Một toán quân Mỹ do một sĩ quan cao cấp chỉ huy sẽ được thả dù xuống Tuyên Quang, đồng thời yêu cầu phía Việt Minh chuẩn bị tiếp nhận. Nhận được tin đó, Người đã đích thân đến Lũng Cò (nay thuộc xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) khảo sát địa hình, chọn địa điểm để đón quân Đồng minh. Người còn trực tiếp đốc thúc việc xây dựng sân bay dã chiến Lũng Cò để có thể đón máy bay cỡ nhỏ của Đồng minh lên xuống.

Ngày 17-7-1945, nhóm quân Mỹ mang mật danh Đội “Con Nai” do Thiếu tá Allison Thomas chỉ huy nhảy dù xuống Tân Trào. Mặc dù bộn bề công việc, song lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian tiếp Đội trưởng Thomas. Người nói rõ với Thomas rằng mục đích đấu tranh của Mặt trận Việt Minh là nhằm đánh đổ ách thống trị nước ngoài giành độc lập, tự do cho đất nước. Người cũng thông báo cho Đội trưởng “Con Nai” biết địa bàn hoạt động của họ là trong khu vực dọc Đường số 3 Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng. Cũng thông qua viên chỉ huy Đội “Con Nai”, Hồ Chí Minh nhờ phía Mỹ thông báo cho Pháp biết là Người sẵn sàng nói chuyện với đại diện Pháp ở Côn Minh hoặc Bắc Kỳ.

leftcenterrightdel
 Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng nhóm tình báo “Con Nai”, năm 1945. Ảnh tư liệu

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8-1945, mặc dù đang ốm nặng nhưng Bác vẫn chỉ thị lựa chọn 200 chiến sĩ để Đội “Con Nai” huấn luyện sử dụng vũ khí và thiết bị vô tuyến điện mà Đồng minh đã tiếp tế cho ta. Đây chính là lực lượng nòng cốt cho sự ra đời của “Đại đội Việt-Mỹ”, kết quả của sự thỏa thuận giữa Hồ Chí Minh với tướng Chennault ở Côn Minh mấy tháng trước đó.

Trong những ngày đó, Hồ Chí Minh vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với “Đại bản doanh” của Đồng minh ở Côn Minh, đặc biệt là với Fenn và F.Tann, những người đã nhiệt tình giúp đỡ Người trong thời gian ở Côn Minh. Thông qua hai viên sĩ quan này, ngày 25-7, Hồ Chí Minh gửi thông điệp cho Đồng minh, đồng thời nhờ chuyển cho Chính phủ Pháp một Bản đề nghị 5 điểm nêu rõ lập trường của Mặt trận Việt Minh trong quan hệ với Pháp(2).

Những người lính Đồng minh từng có dịp gặp gỡ Hồ Chí Minh ở Côn Minh, Pác Bó và Tân Trào, kể cả có người trước đó không mấy thiện cảm và tỏ ra cảnh giác với người cộng sản Hồ Chí Minh, thì sau khi được gặp gỡ, trao đổi đều có chung nhận xét, ấn tượng tốt đẹp về Người. Trong mắt họ, Hồ Chí Minh là một con người giản dị, dễ gần, suốt đời phấn đấu cho tự do, độc lập của đất nước và niềm tin không lay chuyển vào thắng lợi của dân tộc mình. Trong một bức điện từ “Đại bản doanh” Tân Trào gửi về cho chỉ huy ở Côn Minh, Trung  úy Dan Phelan khẳng định: Hồ Chí Minh là một người yêu nước đáng được tin cậy và đáng được ủng hộ hoàn toàn. Và ở một bản tường trình về Hồ Chí Minh mà Phelan gửi cho Robert Shaplen, chỉ huy AGAS ở Côn Minh cũng nêu nhận xét: Ông Hồ là một người rất đáng mến. Nếu tôi phải chỉ ra một đức tính của ông già nhỏ bé kia đang ngồi trên đỉnh đồi trong rừng rậm thì đó là sự dễ mến của Người. 

Ấn tượng Hồ Chí Minh trong con mắt những người Mỹ thuộc lực lượng Đồng minh chống phát xít còn được thể hiện ở tấm lòng nhân hậu, sự quan tâm tận tình đến mọi người xung quanh, kể cả những cử chỉ, những việc làm nhỏ nhất, điều mà họ chưa từng thấy ở một vị lãnh tụ. F.Tann, người Mỹ gốc Hoa từng có nhiều thời gian gần gũi Hồ Chí Minh kể lại rằng, trước lúc rời Việt Nam, anh muốn có món quà lưu niệm để tặng bạn bè nhưng vì lệnh từ sở chỉ huy ở Côn Minh yêu cầu anh phải lên đường ngay nên không kịp thực hiện. F.Tann đành phải gửi lại một số tiền nhờ Hồ Chí Minh mua giúp rồi gửi qua Côn Minh cho anh. Tuy nhiên, vì lý do khách quan mà những món quà lưu niệm F.Tann yêu cầu đã không đáp ứng được đầy đủ. Trong bức thư gửi cho F.Tann kèm mấy thứ đồ lưu niệm đã mua được, Hồ Chí Minh viết: “Thưa ông, người bạn được giao nhiệm vụ mua những vòng xuyến cho ông bị ốm và anh ấy đã trao công việc đó cho người khác. Nhưng người này lại nhận công tác xa Hà Nội, nên anh ấy đã trao công việc đó cho người thứ ba. Người này không thực hiện đúng mà chỉ mua được một số cái mà ông muốn. Tất cả giá 440 piastres. Tôi gửi lại ông những gì mà họ chuyển cho tôi và số tiền còn lại là 2.560 piastres. Chúc ông sức khỏe và may mắn. Và chúc ông sớm gặp người bạn đời tốt”...(3)

Có thể thấy, những người Mỹ từng tiếp xúc, làm việc với Hồ Chí Minh năm 1945 đều hiểu được những ý tưởng tốt đẹp của Người. Hình ảnh vị lãnh tụ của Mặt trận Việt Minh, người cộng sản Hồ Chí Minh đã gieo vào lòng họ những ấn tượng tốt đẹp với sự kính trọng, cảm thông và sẻ chia, sự thiện cảm đối với cả mặt trận Việt Minh.

(1), (2, (3): Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, tập 2, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, H.1994

TRẦN VĨNH THÀNH