Kể từ sau hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975, quyết tâm chiến lược của Đảng nhanh chóng biến thành hành động thực tiễn từ cơ quan Tổng hành dinh cho đến các chiến trường. Một trong những vấn đề mà các cơ quan Tổng hành dinh cũng như Bộ tư lệnh Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định quan tâm nhất và cũng sớm đạt sự đồng thuận cao nhất, đó là việc vận dụng nghệ thuật quân sự làm sao để vừa đạt được mục tiêu của chiến dịch là đập tan được cơ quan đầu não của địch, giải phóng Sài Gòn một cách nhanh nhất, vừa phải hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá, đổ nát của Sài Gòn trong thời điểm quyết định của chiến tranh.

Tổng hành dinh xác định rõ: “Kế hoạch tiến công toàn diện cần bảo đảm một khi đã phát động thì phải tiến công thật mạnh mẽ và liên tục, dồn dập đến toàn thắng, vừa phát động tiến công ở ngoại vi, vừa có lực lượng sẵn sàng nắm thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng, thực hiện từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy”.

Theo Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thì “hạ tuần tháng 4-1975, các lực lượng đều đã vào vị trí triển khai: Ở hướng Bắc, Quân đoàn 1 đã có mặt ở Nam sông Bé. Ở hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 đã đến Dầu Tiếng. Ở hướng Tây, Đoàn 232 áp sát tuyến sông Vàm Cỏ Đông và Hậu Nghĩa. Ở hướng Nam, các lực lượng của ta áp sát Đường 4. Ở hướng Đông, Quân đoàn 4 áp sát Trảng Bom; Quân đoàn 2 tiến sát Long Thành, Vũng Tàu, Bà Rịa, Nước Trong. Tất cả 6 trung đoàn đặc công và hàng chục đội biệt động đã sẵn sàng từ vùng ven đến nội thành. Các phi đội không quân của ta ở sân bay Thành Sơn đã sẵn sàng cất cánh. Tại Tổng hành dinh, trên tấm bản đồ Chiến dịch Hồ Chí Minh, các mũi tiến công lớn màu đỏ vít chặt lấy hang ổ cuối cùng của địch”.

Ngày 22-4, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua lần cuối và chính thức phê duyệt “Kế hoạch tiến công Sài Gòn-Gia Định”. Theo đó, ta chủ trương hình thành thế bao vây, cô lập các lực lượng của địch trong thành phố; sử dụng lực lượng thích hợp trên từng hướng để chia cắt, tiêu diệt quân địch ở vòng ngoài; đồng thời tổ chức những mũi đột kích mạnh thọc sâu tiến thẳng vào nội đô Sài Gòn, nhanh chóng đánh chiếm 5 mục tiêu quan trọng được xác định là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dinh Tổng thống ngụy, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Do yêu cầu về mặt thời gian, tình hình chiến trường và cả trên chính trường Sài Gòn biến động khá nhanh nên quá trình hoàn chỉnh kế hoạch tiến công chiến lược cuối cùng cũng là quá trình bàn bạc, trao đổi, thảo luận căng thẳng và dân chủ trong Bộ tư lệnh chiến dịch. Rất nhiều vấn đề không chỉ đơn thuần là quân sự mà có quan hệ đến nhiều mặt như chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa và cả về mặt tâm lý... đã được đặt ra và được Bộ tư lệnh chiến dịch cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

Theo Đại tướng Văn Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thì hai vấn đề nổi bật nhất của toàn bộ kế hoạch đánh Sài Gòn là cách đánh và mục tiêu đánh. Hơn 3 triệu đồng bào Sài Gòn-Gia Định lúc bấy giờ sống dưới chế độ thực dân kiểu mới, đang có nhiều tâm tư trước thời cuộc. Họ suy nghĩ, lo lắng cho số phận của mình và người thân trước sự lung lay, tan rã của ngụy quyền Sài Gòn. Do ảnh hưởng bởi bộ máy tuyên truyền của địch nên nhiều người chưa phân biệt được đúng, sai, lo lắng về số phận của cá nhân và gia đình. Họ sợ xảy ra các cuộc “tắm máu”, “khổ sai”, tàn sát, trả thù. Họ lo sợ Sài Gòn sẽ bị tàn phá và chịu cảnh đổ nát trong thời khắc cuối của chiến tranh. Cùng với đó, nhiều người dân thành phố chưa hiểu rõ về cuộc kháng chiến chính nghĩa cùng các chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và chính quyền cách mạng...

leftcenterrightdel
 Xe tăng Quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập. Ảnh: TRẦN MAI HƯỞNG (TTXVN)

Đại tướng Văn Tiến Dũng từng kể: “Chúng tôi trăn trở rất nhiều về cách đánh. Phải đánh vào Sài Gòn như thế nào để thành phố ít bị tàn phá nhất; giải phóng được mấy triệu đồng bào không dẫn tới chỗ làm cho đồng bào bị thiệt hại nhiều về tính mạng, mất mát nhiều về tài sản; thành phố ít bị đổ nát, tàn phá và cuộc sống mau trở lại bình thường”.

Ý định ban đầu của Bộ tư lệnh chiến dịch là sẽ nổ súng mở màn vào ngày 30-4-1975. Tuy nhiên, Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 đều nhận thấy “ngày N” như vậy là muộn, tạo cơ hội cho địch củng cố và phòng thủ khu vực nội đô, vì vậy Tư lệnh cánh Đông, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã mạnh dạn đề nghị lên Bộ tư lệnh chiến dịch cho được nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 26-4. Đề nghị đó đã được Bộ tư lệnh chiến dịch chấp thuận.

Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn 2 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cho biết: “Trong mệnh lệnh của Bộ tư lệnh chiến dịch có 2 việc chúng tôi chưa thông. Việc thứ nhất: Mở màn chiến dịch vào ngày 30-4 chúng tôi cho là chậm. Việc thứ hai: Mục tiêu vào Dinh Độc Lập đã giao cho Quân đoàn 4, nhưng nếu Quân đoàn 2 vào sớm có được chiếm mục tiêu ấy không? Cả hai việc chưa thông đều đã được giải tỏa. Chúng tôi được nổ súng mở màn chiến dịch vào ngày 26-4. Còn việc chiếm Dinh Độc Lập, như anh Tấn trả lời: Nếu các cậu vào sớm tại sao lại không chiếm”.

Có thể nói, việc giữ cho Sài Gòn-Gia Định ít bị tàn phá, đổ nát trong thời khắc cuối của chiến tranh đã được các cơ quan chiến lược, chiến dịch đặt ra và tính toán, cân nhắc hết sức cụ thể. Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, cho biết: “Trong kế hoạch của Bộ tư lệnh chiến dịch gửi ra báo cáo Tổng hành dinh có điểm cần phải điều chỉnh, đó là xác định nhiệm vụ cụ thể của lực lượng đặc công trong chiến dịch này. Theo kế hoạch thì các đơn vị đặc công được phân công đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong nội thành như đài phát thanh, kho xăng dầu, nhà máy điện... Do lối đánh sở trường của đặc công “đã đánh là phải phá”, mà ta thì cần bảo vệ các mục tiêu đó, nên cơ quan Tổng hành dinh đã gợi ý Bộ tư lệnh chiến dịch chuyển toàn bộ lực lượng đặc công ra chiếm giữ trước, hoặc kiềm chế không cho địch phá các cây cầu quan trọng trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, bảo đảm cho chủ lực vượt sông. Trên thực tế chiến đấu, các lực lượng đặc công của Miền và Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này”.

leftcenterrightdel
 Nhân dân Sài Gòn đón chào Quân giải phóng. Ảnh tư liệu

Nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng có nhiều phát triển mới. Ta không tổ chức đội hình thê đội, không chia bước, chia đợt như các chiến dịch trước đó mà giao khu vực và mục tiêu tiến công cho các cánh quân trên từng hướng. Để có thể vừa đạt được ý đồ chiến lược và chiến dịch, vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tàn phá, đổ nát của TP Sài Gòn-Gia Định trong thời khắc cuối của chiến tranh, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phải thực hiện chia cắt chiến lược, phong tỏa các tuyến đường bộ, đường không, đường thủy; khống chế cầu hàng không, bến cảng; ngăn chặn chủ lực địch từ vòng ngoài co cụm về Sài Gòn; bao vây, cô lập trung tâm đầu não Sài Gòn. Tổ chức các binh đoàn binh chủng hợp thành, từ nhiều hướng, nhiều mũi đánh địch trong hành tiến nhằm thẳng vào nội đô; kết hợp chặt chẽ với đặc công, biệt động, các lực lượng tại chỗ bên trong và sự nổi dậy của quần chúng, thực hiện ngoài đánh vào, trong đánh ra... nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan các cơ quan đầu não chính trị và quân sự, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch trong nội đô.

Với cách đánh táo bạo và bất ngờ đó, chỉ sau 5 ngày, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Không có “những cuộc trả thù”, không có cảnh “tắm máu” nào diễn ra như bộ máy tuyên truyền của địch rêu rao trước đó. Sài Gòn-Gia Định đã không bị tàn phá, đổ nát như nhiều thành phố khác trên thế giới vào thời khắc cuối của chiến tranh. Có được điều này, trước hết là do đòn tiến công quân sự thần tốc, táo bạo, bất ngờ và dũng mãnh đã đè bẹp mọi sự phản kháng của ngụy quân Sài Gòn; kịp thời ngăn chặn và đập tan những mưu toan và hành động phá hoại cơ sở hạ tầng, gây rối loạn đời sống chính trị trong thành phố của những đơn vị, tổ chức và phần tử hiếu chiến. Đồng thời, đòn tiến công “bất ngờ, táo bạo và chắc thắng” đó cũng đã kịp thời ngăn chặn được những sự dàn xếp, tính toán, âm mưu can thiệp của nước ngoài vào hồi kết cuộc chiến.

Cùng với đó cần phải nhắc tới vai trò của mũi đấu tranh binh vận. Đúng như công trình Tổng kết công tác binh vận trên chiến trường Sài Gòn-Gia Định của Thành ủy TP Hồ Chí Minh (tháng 9-1998) đã đánh giá: “Binh vận đã góp phần thúc đẩy thời cơ chiến lược trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần giải phóng nhanh, gọn chiến trường trọng điểm, giành thắng lợi ít đổ máu, hoàn thành nhiệm vụ chiến lược tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ ngụy quân, ngụy quyền từ Trung ương đến cơ sở ngay tại trung tâm đầu não của địch”.

PGS, TS TRẦN NGỌC LONG