Đối tượng là Nông Ngọc T, quê ở Lạng Sơn, nhập ngũ năm 1970, chiến đấu ở Mặt trận Cánh Đồng Chum, Xiangkhouang (Lào). Năm 1971, bị địch bắt, T đầu hàng và được Mỹ-ngụy huấn luyện gián điệp rồi đưa tới hoạt động ở khu vực tỉnh Savannakhet. Cuối năm 1972, T được địch đưa đi tập huấn 3 tháng để chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến. Sau Hiệp định Paris năm 1973, T được địch đưa trở lại miền Bắc qua con đường trao trả tù binh. Sau đó, T phục viên về quê. Nhưng do sợ bị phát giác, T đã bí mật đến tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên), xin vào công tác tại bưu điện một huyện miền núi của tỉnh. Đầu tháng 2-1985, một người mặc quần áo bộ đội đeo quân hàm trung úy đến gặp và giao cho T nhiệm vụ tìm mọi cách chuyển thư tới một người ở thị trấn Noọng Hét (Xiangkhouang).
Hơn 10 năm kể từ khi được trao trả tù binh, T đã bí mật chuyển chỗ ở và công tác, không một ai trong gia đình và bạn bè biết. Y đinh ninh rằng, cả địch và ta không thể tìm được. Vì thế, khi có người đến móc nối, nói đúng tín, ám hiệu, T hết sức hoang mang, lo sợ. Biết không còn con đường nào khác là phải thực hiện nhiệm vụ nên T lấy lý do về thăm quê, xin nghỉ việc cơ quan, bí mật tới thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An hiện nay) rồi đi bộ 18km lên cửa khẩu và tìm người đưa qua biên giới. Tại thị trấn Noọng Hét, T gặp người nhận thư, nghỉ lại đến tối thì có người đi xe máy đến đưa T ra biên giới. Theo đường cũ, T vượt qua biên giới rồi định đi bộ về thị trấn Mường Xén mới nghỉ nhưng bất ngờ gặp đội công tác của đồn biên phòng đi tuần tra hỏi giấy tờ và y đã bị bắt giữ. Qua khai thác sơ bộ, thấy có vấn đề nghiêm trọng, đồn biên phòng đã nhanh chóng dẫn giải T về Cục Trinh sát, sau đó đưa tiếp sang Cục Phản gián (Bộ Nội vụ)...
Sau khi nghiên cứu kỹ lời khai của T, cấp trên nhận định có một đường dây hoạt động gián điệp từ nội địa Việt Nam qua Đường 7 sang Lào nằm trong kế hoạch hậu chiến của Mỹ, cần lập án đấu tranh với các đối tượng ở cả nội và ngoại biên. Tháng 5-1985, Chuyên án NC58 được xác lập. Đối tượng chính gồm: Tên dẫn đường cho T qua biên giới, ký hiệu A1; tên nhận tài liệu T giao tại thị trấn Noọng Hét, ký hiệu là A2. Nhiệm vụ của chuyên án được vạch ra là: Điều tra xác minh về đối tượng A1, A2; phát hiện các đối tượng trong đường dây gián điệp và âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của chúng. Đấu tranh ngăn chặn và bóc gỡ đường dây hoạt động gián điệp này.
Ban chuyên án gồm một số đồng chí lãnh đạo, chỉ huy từ cơ sở đến cấp chiến lược, được phân công đảm nhiệm công việc cụ thể. Kết thúc bước 1 của chuyên án, trinh sát khẳng định: Đối tượng A1 là Hầu Nó N, 37 tuổi, dân tộc Mông ở bản Tiền Tiêu (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn), có một vợ và hai con, nghề nghiệp chính làm nương nhưng là người thường xuyên vượt biên, buôn bán hàng cấm. Còn đối tượng A2 ở thị trấn Noọng Hét, một Việt kiều, là chủ hiệu phở Thành Vân. Nhưng khi trinh sát đến xác minh thì cả gia đình đã chuyển đi nơi khác, không ai biết là đi đâu, chỉ biết là mới chuyển. Điều tra nghiên cứu, trinh sát phát hiện thêm một người dân tộc Mông thuộc dòng họ Cư, tên là Cư Sua P, 36 tuổi, ở cùng bản Tiền Tiêu với A1, nhà ở cùng trên một sườn đồi với nhà A1, nhưng ở phía sau và chếch về bên phải, cao hơn so với nhà của A1, có thể ngồi trong nhà của Cư Sua P vẫn quan sát được mọi hoạt động của gia đình A1. Cư Sua P đã có một vợ và hai con, nghề nghiệp chính là làm nương. Giống như A1, Cư Sua P thường vượt biên buôn lậu, y đã bị Trạm Công an Cửa khẩu Nậm Cắn bắt và tạm giữ một số hàng buôn lậu khi vận chuyển từ Lào về qua cửa khẩu.
Cuối tháng 6-1985, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nậm Cắn Nguyễn Văn Tân cùng hai cán bộ đi thăm một số gia đình người Mông ở bản Tiền Tiêu, ghé thăm gia đình họ Cư, chúc mừng gia đình có con gái lớn học giỏi được cử đi dự trại hè thiếu nhi của tỉnh. Với thái độ không vui vẻ, chủ nhà cho biết con gái họ sẽ không đi dự trại hè vì gia đình rất khó khăn. Đồn trưởng Tân động viên: Cháu học giỏi, được đi dự trại hè là niềm tự hào với mọi người xung quanh, nên tạo điều kiện cho cháu. Còn khó khăn của gia đình, Đồn sẽ bàn thêm và tìm cách giúp đỡ.
Ngày hôm sau, tổ công tác địa bàn đến gia đình Cư Sua P tặng gạo và tiền giúp đỡ cháu đi dự trại hè; đồng thời đưa cho chủ nhà giấy báo của trạm công an cửa khẩu, yêu cầu đến giải quyết việc giữ hàng. Theo giấy báo, Cư Sua P đã đến trạm công an cửa khẩu. Tại đây, đồng chí trạm trưởng vui vẻ tiếp Cư Sua P. Đồng chí phân tích rõ việc vượt biên buôn lậu là trái pháp luật, trạm tịch thu là hoàn toàn đúng với quy định nhưng được biết hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trạm chiếu cố trả lại toàn bộ số hàng đã tịch thu.
Khi con gái gia đình họ Cư đi dự trại hè về, Đồn trưởng Tân lại đến thăm gia đình. Trước khi ra về, đồng chí nói với Cư Sua P: Nếu việc buôn bán hàng từ Lào về có thể giải quyết được khó khăn cho gia đình thì cứ lên Đồn trình bày cụ thể. Đồn sẽ tìm cách giúp cho qua lại biên giới để buôn bán, chỉ cần trước khi đi báo cho Đồn trưởng biết.
Cuối tháng 8, Cư Sua P tìm gặp Đồn trưởng Tân biếu một chiếc ô Thái Lan và một cây thuốc lá A Lào. Đồn trưởng từ chối nhưng P không đồng ý với lý do yêu quý và cảm ơn mới tặng quà. Lúc này, Đồn trưởng thân mật nói: “Có chút việc muốn nhờ, nếu Cư Sua P yêu quý Đồn trưởng thì cố gắng giúp cũng coi như quà cảm ơn”. Nghe vậy, Cư Sua P nhận lời ngay. Và khoảng một tháng sau, Cư Sua P báo tin: Ở nhà A1 có một người lạ mặt xuất hiện, ăn cơm và ngủ ở đó, sáng dậy sớm đi ra hướng biên giới, nghi là người Lào. Cư Sua P muốn đến tận nơi xem là ai, nhưng nghe lời dặn của Đồn trưởng, sợ lộ nên không đến.
Một vấn đề mới nảy sinh cần tháo gỡ là: Làm thế nào để Cư Sua P có thể xuất hiện ở nhà A1 bất kỳ lúc nào mà không bị nghi ngờ. Vậy là Đồn trưởng Tân lại bí mật gặp Cư Sua P giao nhiệm vụ: Ngay tối hôm đó đến nhà A1 nhờ hắn ta bán hộ ít hàng đã mua từ lâu mà chưa bán được. A1 nhận lời giúp. Từ đó, Cư Sua P thỉnh thoảng đến rủ A1 vượt biên qua Lào mua hàng hoặc lại nhờ A1 tiêu thụ giúp. Quan hệ hai bên ngày càng trở nên thân thiết, Cư Sua P đã có lý do để xuất hiện trong nhà A1 bất kỳ lúc nào mà không sợ bị nghi ngờ. Đến đây, Đồn trưởng chính thức đặt vấn đề kết nạp Cư Sua P vào mạng lưới đặc tình chuyên án và mang bí số C1.
Tối 7-12-1985, C1 bí mật báo tin: Nhà A1 đang có người lạ mặt (là người lần trước C1 đã báo). Ban chuyên án liền hội ý và triển khai kế hoạch. Sáng sớm hôm sau, tổ mai phục bắt được người vượt biên trái phép. Đây chính là người lạ mặt ở nhà A1 tối qua, tên là Lầu Nhia L, dân tộc Mông, trú tại bản Phà Vén (Noọng Hét, Xiangkhouang). Khám ba lô của đối tượng, trinh sát thấy có 100 viên đạn súng AK và 30 viên đạn súng đại liên. Qua đấu tranh, L khai vượt biên đến nhà A1 để lấy tin tức và đạn, chuyển về cho Lầu Bá D ở thị trấn Noọng Hét.
Ban chuyên án quyết định tổ chức bí mật bắt A1 để khai thác tài liệu và khống chế phục vụ cho kế hoạch đấu tranh lâu dài. Ngày hôm sau, khi A1 đang đi một mình trên Đường 7 về hướng biên giới, trinh sát đã áp sát và đưa lên xe ô tô chở về Đồn, bí mật khai thác. Đầu tiên A1 không khai nhưng khi thấy L bị dẫn giải đi qua sân, lại thấy trinh sát đưa ra túi đựng đạn đã thu khi bắt L thì A1 hoàn toàn khuất phục. Y khai: Cuối năm 1971, A1 quen một người Lào tên là Bul Thăn ở thị trấn Noọng Hét. Thỉnh thoảng A1 sang Noọng Hét mua hàng, Bul Thăn đến gặp và rủ đi uống rượu, có lần cho tiền. Sau vài lần như thế, Bul Thăn nói với A1 về mua các loại đạn quân dụng mang sang sẽ mua lại với giá cao. Thấy A1 thực hiện yêu cầu một cách dễ dàng nên đầu tháng 2-1972, Bul Thăn yêu cầu A1 làm hai nhiệm vụ. Một là nắm tình hình hàng hóa xuất nhập cảnh và quá cảnh từ Việt Nam sang Lào qua Cửa khẩu Nậm Cắn. Hai là, nắm chắc tình hình hoạt động của đồn Biên phòng và Trạm Công an cửa khẩu.
Khoảng tháng 7-1973, Bul Thăn gặp A1 ở Noọng Hét. Sau khi hỏi han tình hình xong, Bul Thăn dặn: Nếu có người (chính là Nông Ngọc T) đến nhà nói đưa qua biên giới để gặp Bul Thăn thì làm theo. Đầu năm 1979, Bul Thăn giới thiệu Lầu Nhia L với A1. Từ đây A1 không gặp Bul Thăn nữa, Lầu Nhia L sẽ trực tiếp nhận mọi thứ từ A1 chuyển sang. Lầu Nhia L khai: Từ năm 1980, Bul Thăn giới thiệu Lầu Bá D với Lầu Nhia L và nói: Từ nay các thứ từ A1 chuyển đến thì chuyển tiếp cho Lầu Bá D, còn Lầu Nhia L không gặp Bul Thăn nữa rồi rời khỏi Noọng Hét, không ai rõ đi đâu. Nhận định Bul Thăn là một đầu mối quan trọng, muốn tiếp cận y thì phải tiếp cận được Lầu Bá D. Và thế là kế hoạch được Ban chuyên án vạch ra, để Lầu Bá D và A1 “bất ngờ” gặp nhau tại nhà Lầu Nhia L vào tháng 3-1986. Để rồi sáng 18-4-1986, khi Lầu Bá D theo lời hẹn sang thăm nhà A1, Trạm Công an Cửa khẩu Nậm Cắn đã bắt giữ y vì có hành vi hoạt động gián điệp.
Ngày 28-4-1986, ta thông tin cho bạn về các hoạt động của Bul Thăn, Lầu Bá D và Lầu Nhia L. Ngày 14-5-1986, Ban giám đốc Công an tỉnh Xiangkhouang thông báo: Đã bắt được Bul Thăn (lúc này đang trú tại bản Ban). Bul Thăn khai: Y làm gián điệp cho Mỹ từ trước khi ký Hiệp định Paris, với nhiệm vụ điều tra nắm tình hình xuất nhập cảnh, quá cảnh từ Việt Nam sang Lào trên trục Đường 7; nắm tình hình đồn biên phòng và bí mật móc nối vào nội địa Việt Nam để mua súng, đạn quân dụng chuyển qua biên giới trang bị cho tổ chức phỉ ở Mường Mộc (Xiangkhouang). Bạn đề nghị ta chuyển hồ sơ cho phía bạn xử lý. Vì vậy, ta quyết định kết thúc Chuyên án NC58 để chuyển sang lập án khác đấu tranh với phỉ. Toàn bộ tài liệu trong nội địa, Ban chuyên án đã chuyển sang cho Cục Phản gián.
ĐÌNH SƠN