Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng đang sống trong con ngõ nhỏ ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Đã hẹn trước nên khi chúng tôi đến, trong căn phòng chưa đến 10m2 vừa là phòng khách, vừa là phòng làm việc của ông đã bày sẵn các tập ảnh khổ lớn được bao gói cẩn thận. Ông bảo, nhiếp ảnh với ông không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, là đam mê và dấn thân suốt cả cuộc đời. Thế nên, ông muốn giữ gìn những tài sản vô giá này để truyền lại cho con cháu.

leftcenterrightdel

Những đứa trẻ bên Hồ Gươm, sáng 10-10-1954. Ảnh: QUANG PHÙNG

Nói rồi ông rút trong số những tập ảnh trên bàn một phong bì dày, đề ngày 10-10-1954, đưa từng tấm ảnh cho chúng tôi xem và chậm rãi kể chuyện. Ông sinh năm 1932, trong một gia đình quan lại ở Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Một tuổi, ông theo mẹ ra ở nhà bà ngoại tại phố Hàng Gai. Suốt thời niên thiếu, ông say mê hoạt động nội thành. Trong những năm đầu thập niên 1950, ông thường đi đầu đoàn học sinh, sinh viên biểu tình phản đối chiến tranh và chế độ cai trị của thực dân Pháp ở Hà Nội. Hăng say hoạt động cách mạng nên khi cả gia đình di cư vào Nam, ông đã xin phép được ở lại. Chiếc máy ảnh đầu tiên ông có được cũng là do người anh họ đã tốt nghiệp trường luật ở Pháp mua về “bàn giao” lại cho em trước khi đi. Đó cũng là cơ duyên để ông đến với nhiếp ảnh và đã nối dài tình yêu Hà Nội của ông suốt nhiều năm qua.

Vốn thông thạo ngoại ngữ và đã tốt nghiệp cao đẳng về nhiếp ảnh, năm 1954, ông được chọn vào công tác tại Ủy ban Quốc tế về Giám sát và Kiểm soát tại Việt Nam. “Trong những ngày 8, 9, 10 tháng 10 lịch sử ấy, tôi được giao 10 cuộn phim với nhiệm vụ đi chụp tất cả các điểm có quân Pháp đóng ở Hà Nội. Tôi đã lang thang khắp các con phố, chụp hết 10 cuộn phim rồi về giao lại cho cấp trên”-ông nhớ lại.

6 giờ sáng 10-10-1954, cùng nhân dân chờ đón đoàn quân tiếp quản, đeo máy ảnh trên vai, ông đã có mặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm. Ông thấy một nhóm thiếu nhi đang nô đùa bên hồ. Ông dừng lại rất lâu trò chuyện cùng các em. Các cậu bé, cô bé hồn nhiên nô đùa trong buổi sớm yên bình. Một nhóm thì huyên náo với trò chơi nhảy ngựa, nhóm khác thì leo trèo bên cành phượng già sát mép hồ. Ông đã chớp lấy những khoảnh khắc đầu tiên của hòa bình. Ông kể: “Buổi sớm mùa thu ấy, không khí của hòa bình, độc lập, tự do đã len lỏi khắp nơi trong thành phố. Trên gương mặt các nam thanh nữ tú cho đến người già, con trẻ đều biểu lộ sự mừng vui, rạng rỡ. Chỉ một lúc sau, đường phố đã trở nên đông đúc với những dòng người như thác đổ trong niềm hân hoan của ngày giải phóng”.

leftcenterrightdel

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng bên bức ảnh kỷ niệm về Hà Nội. Ảnh: THỦY TIÊN 

Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng có nhiều bộ ảnh nổi tiếng về Hà Nội, như: Bộ đội về tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954; Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước; Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972... Suốt nhiều năm qua, ông vẫn say mê với những bộ ảnh thú vị về Hà Nội. Ông đã thực hiện nhiều bộ ảnh về Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội, những gánh hàng rong... nói lên sự đổi thay của Hà Nội qua nhiều giai đoạn lịch sử. Các bức ảnh của ông không chỉ là những câu chuyện kể về Hà Nội, đôi khi còn là tiếng nói phản biện, ghi lại những hành động chưa đẹp cần thay đổi, sửa chữa.

Năm 2013, nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng được trao tặng Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Giải thưởng Lớn “Vì tình yêu Hà Nội” cho cuốn sách ảnh “Dạo quanh Hồ Gươm”, in song ngữ Việt-Anh. Dịp kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 / 10-10-2022), ông vinh dự được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô” năm 2022.

KHÁNH AN