Cuối năm 1953, Đại đội 243 (Tỉnh đội Bắc Giang) có nhiệm vụ phối hợp với dân quân du kích chiến đấu bảo vệ vùng tự do, chống các trận càn, vây lấn của giặc ở khu vực vành đai. Giặc Pháp khi đó đóng quân ở đồi Từ Xuyên, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Chúng lập đồn tổng và các bốt kiểm soát tuyến đường từ Bắc Giang lên Lạng Sơn. Khu vực bốt Từ Xuyên là bốt tiền tiêu có lính Pháp, phản động, biệt kích, thám báo. Hằng ngày, địch đi tuần tiễu, càn quét, lùng sục khu vực vành đai, có sự chỉ điểm của bọn Việt gian, phản động, chúng phá phách, cướp bóc. Ta nhiều lần chiến đấu với địch tại khu vực này.

Được sự chỉ đạo của Tỉnh đội Bắc Giang, Đại đội 243 tổ chức lực lượng đánh địch, không cho chúng lấn sang các vùng của ta. Lực lượng bố trí theo từng trung đội đảm nhiệm tuần tra khu vực đã kiểm soát được. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vỵ kể: “Trung đội 2 (Đại đội 243) do tôi làm Trung đội trưởng, quân số chưa đến 30 đồng chí, hằng đêm đảm nhiệm hành quân tuần tra nhằm củng cố địa bàn quản lý, kịp thời phát hiện và đánh trả các hành động lấn chiếm của địch. Vào một đêm trung tuần tháng 12-1953, trời mùa đông rét mướt, tối đen, Trung đội tổ chức hành quân bí mật nên không có đèn đuốc. Với tinh thần chủ động tìm địch mà đánh, thấy địch là diệt, Trung đội luôn nêu cao cảnh giác, có phương án bố trí đội hình tiến công, yểm hộ nếu gặp địch”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Vỵ (thứ ba, từ trái sang) trong dịp gặp mặt đồng đội. Ảnh: VŨ DUY 

Thế rồi tình huống bất ngờ xảy ra. Khi đội hình của Trung đội 2 hành quân đến gần bờ sông Lục Nam thì đồng chí Nguyễn Văn Quyền đi trinh sát trước thấy có bóng người liền quay lại báo cáo. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vỵ nhận định đó là toán lính Pháp cùng những tên phản động đi lùng sục. Nắm chắc địa hình có lợi, một bên là vùng ta quản lý, một bên là bờ sông tạo thành thế thắt nút cổ chai, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vỵ liền ra lệnh cho một nhóm vòng cơ động tắt về phía sau khóa đuôi, khi bố trí xong sẽ hô lên làm tín hiệu xung phong, một bộ phận chặn đầu, một nhóm tiến vào bên sườn.

Phương án đã hiệp đồng xong, tất cả nhanh chóng triển khai vị trí. Khi địch lọt vào đúng nút thắt, bộ phận khóa đuôi phát tín hiệu, Trung đội trưởng Nguyễn Văn Vỵ liền hô lớn: “Trung đội 1, Trung đội 2 bao vây. Trung đội 3 bắt sống. Xung phong!”. Nghe khẩu lệnh, tất cả cùng hô vang và xông lên. Từ 3 phía đều nghe thấy tiếng hô, toán lính địch bị bất ngờ, tưởng lực lượng quân ta đông nên không dám phản kháng, nằm bẹp xuống đất. Thừa cơ lúc đó, quân ta xông tới thu vũ khí và trói địch lại. Toàn bộ toán lính 12 tên được dẫn về vị trí tập kết của ta. Trung đội báo cáo Đại đội, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.

Vậy là một trận “tao ngộ chiến” diễn ra hết sức bất ngờ và được giải quyết nhanh chóng. Ta bảo đảm an toàn tuyệt đối, thu được vũ khí của địch. Được hỏi tình huống khi đó sao không nổ súng, ông Vỵ kể: “Khi đó, ta chỉ được trang bị súng trường mút-cơ-tông với lựu đạn, số lượng cũng rất hạn chế, nếu đối kháng trực tiếp thì không đủ. Trong khi đó, vũ khí của địch hiện đại và nhiều hơn. Vì thế, lợi dụng địa hình không có đường rút, tôi nghĩ ra cách nói tăng số trung đội lên để địch nghe tưởng quân ta đông, hoảng sợ nên đầu hàng. Biện pháp lừa địch đã phát huy hiệu quả, buộc chúng phải hạ vũ khí và không dám chống cự”.

Thành tích bắt sống 12 tên giặc của Trung đội 2 (Đại đội 243) được cấp trên biểu dương về tinh thần mưu trí, dũng cảm trong chiến đấu. Sau chiến công đó, đồng chí Nguyễn Văn Vỵ được biên chế riêng một khẩu súng chiến lợi phẩm và vinh dự được kết nạp Đảng. Trận đánh không tiếng súng nhưng bắt gọn địch sau này được ghi lại trong lịch sử cách mạng xã Phượng Sơn. 70 năm sau trận đánh đó, năm 2023, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vỵ cùng đồng đội có dịp về thăm xã Phượng Sơn, được chính quyền và nhân dân đón tiếp nồng nhiệt. Những chuyện chiến đấu trên địa bàn xã năm xưa được kể lại đã tiếp thêm lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

ĐỨC NAM