Gặp Đại tá Đào Duy Hùng, sinh năm 1950, tại nhà riêng ở tổ 10, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi được nghe ông kể về những kỷ niệm chiến trường, tham gia chiến đấu góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ông kể: “Tôi nhập ngũ năm 1968. Sau một thời gian huấn luyện, tôi được biên chế về Tiểu đoàn Đặc công 20 thuộc Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên. Tháng 3-1970, lần đầu tiên tôi tham gia chiến đấu cùng đơn vị là trận đánh vào Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào). Sau gần hai năm chiến đấu tại Lào, đầu năm 1972, Tiểu đoàn Đặc công 20 được lệnh rút về tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Cuối năm 1974, Tiểu đoàn Đặc công 20 nằm trong đội hình Trung đoàn Đặc công 198.

leftcenterrightdel

 Đại tá Đào Duy Hùng.

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn Đặc công 198 có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Hòa Bình, khu kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột) và một số mục tiêu của Sư đoàn 23 ngụy. “Khoảng 2 giờ ngày 10-3-1975, khi có hiệu lệnh chiến đấu, Đại đội 2 (Tiểu đoàn Đặc công 20) của tôi tiến công đánh chiếm kho Mai Hắc Đế. Với cách đánh luồn sâu, áp sát, đến 5 giờ, đơn vị đã tiêu diệt phần lớn sinh lực địch và làm chủ được kho. Song sau đó, địch cho xe tăng, xe bọc thép ra phản kích hòng chiếm lại kho. Đơn vị tôi đã đánh bại nhiều đợt phản kích của địch. Đến 14 giờ cùng ngày, quân ta đã làm chủ trận địa và chiếm toàn bộ kho vũ khí Mai Hắc Đế. Đại đội 2 chúng tôi ở lại làm công tác bảo đảm an ninh trật tự, thu dọn chiến trường, chống địch phản kích”, ông Hùng kể.

Sau khi Quân đoàn 3 thành lập, Trung đoàn Đặc công 198 nằm trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 3. Trên đường tiến công vào Sài Gòn trên hướng Tây Bắc, Trung đoàn Đặc công 198 có nhiệm vụ luồn sâu đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, mở đường cho Quân đoàn 3 tiến vào đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu ngụy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. “Quá trình hành quân hướng về Sài Gòn, chúng tôi được quán triệt về Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi rất phấn khởi. Và trưa 30-4-1975, giây phút nghe trên loa phát thanh lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh, anh em chúng tôi vui mừng rơi nước mắt, ôm nhau hô vang: “Chiến thắng rồi!”. Ai cũng mong khi đất nước thống nhất sẽ được về quê, gặp lại gia đình và thực hiện những ước mơ còn dang dở... Khi ấy tôi mới 25 tuổi, mang quân hàm thiếu úy, là cán bộ Đại đội 2”, ông Hùng nhớ lại.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hùng được trên cử đi học và đến cuối năm 1978 về nhận công tác tại Bộ tư lệnh Đặc công. Từ năm 1979 đến 1986, ông tham gia công tác, chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, sau đó về nhận công tác tại Bộ CHQS tỉnh Bắc Thái (nay là Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn và Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên). Ông đảm nhiệm các chức vụ: Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Bạch Thông (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn), Chỉ huy trưởng Ban CHQS thị xã Bắc Kạn cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu theo chế độ.

Bài và ảnh: LINH HÀ