Đầu năm 1972, đang học ở Trường Phổ thông cấp 3 Tĩnh Gia 2 (nay là Trường THPT Tĩnh Gia 2, Thanh Hóa), tôi nhận được giấy báo nhập ngũ.

Sau 3 tháng huấn luyện, tôi cùng đồng đội hành quân vượt dãy Trường Sơn để vào chiến trường. Tại chiến trường Quảng Trị khói lửa, tôi được bổ sung vào Trung đội Thông tin của Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Sau nhiều tháng bám trụ điểm chốt Chợ Sãi áp sát Thành cổ Quảng Trị ở hướng Đông Bắc, tháng 11-1972, đơn vị tôi được điều ra tuyến chốt phía Nam cảng Cửa Việt.

10 giờ 30 phút ngày 31-1-1973, cùng với các đơn vị bạn, Trung đoàn chúng tôi đã bẻ gãy cái gọi là “Cuộc hành quân Tangocity” của quân ngụy Sài Gòn. Sau trận đánh, tôi sực nhớ ra chỉ còn 3 tuần nữa là mình tròn 19 tuổi và hôm đó đã là ngày 28 tháng Chạp, sắp đến Tết Quý Sửu.

Trước đó, từ 5 giờ sáng, tôi được giao nhiệm vụ duy trì thông tin giữa sở chỉ huy Tiểu đoàn và một khẩu đội súng 12,7mm đặt trên một ụ cát cách cụm xe tăng địch khoảng 400m nên chiều muộn mới được ăn bữa đầu tiên trong ngày. Mặc dù đã có lệnh ngừng bắn theo Hiệp định Paris nhưng toán xe tăng địch này vẫn cố tình lấn chiếm vi phạm nên bị Quân giải phóng bao vây rồi dồn dập tấn công mấy ngày liền.

Cũng đêm hôm đó, tôi và anh Thái Duy Tráng quê ở Nghệ An, anh Lại Văn Luyên quê ở Thái Bình ngủ chung trong một căn hầm chữ A ở chân cao điểm 4. Dù không còn nghe tiếng súng, tiếng đại bác, đêm đó tôi hầu như không ngủ, luôn nghĩ tới ba mẹ, chị gái và các em trong nhà, hồi tưởng lại đêm Giao thừa của những năm trước đó khi cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Hy vọng tràn ngập trong tôi vì thẳm sâu trong suy nghĩ là niềm tin miền Nam sắp được giải phóng, đất nước thống nhất và tôi được trở về đi học tiếp.

Sáng mồng Một Tết, Trung đội chúng tôi về đóng quân tại một bãi cát ở phía Bắc thôn Hà Tây, nơi có hố bom lớn đầy nước trông như cái ao làng. Tại đây, chúng tôi dựng những chiếc lều có mái che làm bằng các tấm tôn do Mỹ sản xuất. Ở bãi cát của huyện Triệu Phong này, chúng tôi khổ sở vì rất nhiều bọ chét cát và các bệnh ngoài da. Vì vậy, sau hơn 10 ngày không đánh răng, rửa mặt, gội đầu, việc làm đầu tiên để đón chào năm mới của chúng tôi là xuống hố bom tắm rửa.

Khẩu phần ăn trong những ngày Tết không có gì khác, vẫn cơm trắng ăn với chút thịt hộp, cá hộp hay ruốc bông. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi tặng quà Tết mỗi chiến sĩ 2 điếu thuốc lá, 3 chiếc kẹo do Nhà máy Bánh kẹo Hà Nội sản xuất. Kẹo chỉ to bằng đầu ngón tay cái mà tôi thưởng thức như của ngon vật lạ, lúc ấy mới sực nhớ rất lâu không được ăn kẹo, rất thèm đồ ngọt.

Cũng vào Tết Quý Sửu 1973, có một sự kiện tôi không thể nào quên là Đội thanh niên xung kích của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị vào phục vụ tại khu vực chúng tôi đóng quân. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày khoác lên mình bộ quân phục, tôi được thưởng thức nhạc sống của những nghệ sĩ mặc áo lính. Đó là một cảm xúc thật khó tả, một không khí mới lạ sau những ngày giao tranh đẫm máu vừa mới xảy ra trên mảnh đất này, nơi toàn bộ cây cối và nhà cửa, chùa chiền, nhà thờ bị tàn phá hoàn toàn.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Hồ Ngọc Thắng (thứ ba, từ trái sang) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa, năm 2013. Ảnh: THẮNG NGÔ 

Tết Nguyên đán tiếp theo vẫn là Tết chiến trường, Tết Giáp Dần 1974.

Lúc đó, tiểu đoàn bộ của Tiểu đoàn tôi đóng quân đã gần một năm ở Triệu Trạch, Triệu Phong. Ở đó, bên một con kênh nhỏ, mỗi tiểu đội sống trong một cái lán. Ngoài thời gian luyện tập, chúng tôi trồng rau tăng gia. Vì vậy, trong bữa ăn ngày Tết có rau xanh tươi ngon.

Vào thời điểm đó, việc tiếp tế từ ngoài Bắc vào cũng tốt hơn nhiều nên chúng tôi có thịt lợn tươi, mỗi người được phát vài lạng đường kính, một số người dùng đường để chế biến kẹo, bỏng cốm. Đời sống tinh thần cũng được cải thiện rất nhiều, có các loại báo để đọc, mọi người thích đọc nhất là Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Phong trào làm báo tường được phát động, cá nhân tôi cũng hăng hái tham gia với những bài thơ tự sáng tác. Tôi được giao thêm một nhiệm vụ hoàn toàn mới là cùng các đồng đội tham gia dạy học cho lực lượng du kích địa phương. Lúc đó, tôi mới 20 tuổi và có trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông, hệ 10/10 (bằng tốt nghiệp đặc cách). Tuy vậy, tôi đảm nhận một lớp khoảng 15 người, toàn bộ là nữ du kích địa phương. Đây là một việc làm quá táo bạo, nhưng tôi đã thành công vì ý thức được trách nhiệm cao cả của người chiến sĩ Quân giải phóng ở vùng mới giải phóng.

Sau hơn nửa thế kỷ nhớ lại, tôi nhận ra trong những ngày tháng chiến đấu ác liệt ấy, dù gian khổ thế nào, tôi cùng đồng đội vẫn nỗ lực, sẵn sàng hy sinh để vượt qua. Chính những kỷ niệm về một thời hoa lửa đó đã trở thành điểm tựa tinh thần giúp tôi tiếp tục nâng cao nhận thức, luôn đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

HỒ NGỌC THẮNG