Sở chỉ huy tiền phương Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4 chúng tôi đóng quân ở ngoại ô Phnom Penh (Campuchia). Bên kia sông chếch lên phía Bắc một chút là Hoàng cung, còn lui xuống dưới phía gần cầu Monivong là trận địa pháo cao xạ 37mm ở ngay bãi bồi khá rộng, cỏ mọc xen lẫn những cây bí ngô cằn. Đại quân giải phóng Phnom Penh ngày 7-1-1979 thì ngày hôm sau, các đơn vị được lệnh về đóng ở các vị trí chiến lược, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mới. Chỉ còn hai mươi ngày nữa năm cũ sẽ hết, mùa xuân lại về. Ở nơi đất bạn xa lạ, chưa kịp quen thì Tết Nguyên đán Kỷ Mùi ập đến. Cái Tết đầu tiên trên đất bạn cũng rất lạ. 

Trong cuộc giao ban đầu tuần, Chính ủy Lữ đoàn quán triệt: Đơn vị vừa chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot, vừa củng cố nơi đóng quân và bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ xa Tổ quốc ăn Tết với điều kiện tốt nhất. Trước Tết khoảng một tuần, xe tải của hậu cần Lữ đoàn từ trong nước lần lượt chở hàng hóa, quà Tết sang. Cũng may không xe nào bị phục kích dọc đường. Tranh, ảnh, sách, báo Tết; gạo tẻ, mì gói, lương khô và cả gà, lợn sống, rau xanh tăng gia từ doanh trại ở Đồng Dù được chở sang. Còn gạo nếp, lá dong, hành củ tươi, bia, mộc nhĩ, nấm hương, rau thơm... mua ở chợ Củ Chi. Áp Tết thì có thêm vài chuyến xe nữa chở bia, thuốc lá, bánh kẹo, mứt Tết, bánh tét... nghe nói đó là quà của nhân dân Củ Chi, TP Hồ Chí Minh gửi tặng, được Ban Vận tải của Lữ đoàn chở sang cấp tốc.

leftcenterrightdel
Nhà văn Sương Nguyệt Minh (thứ hai, từ trái sang) cùng đoàn nhà văn Quân đội trong một lần đi thực tế, năm 2006. Ảnh do tác giả cung cấp 

Chiều Ba mươi Tết còn được phát thêm quà muộn. Tôi được cử đi lĩnh, vai vác thùng bia, tay xách một chùm bánh tét, bánh ú Tây Ninh và tập thư từ trong nước gửi sang. Lúc trở về, đi qua bếp anh nuôi, thấy lỉnh kỉnh thịt lợn ba chỉ, hành tươi, đậu xanh, lá dong... và một toán chiến sĩ đang xúm vào gói bánh chưng. Đi một đoạn nữa thì thấy khăn krama sọc trắng xám, váy sarong nhiều màu, hoa văn rực rỡ phấp phới ở hiên nhà sàn đội phiên dịch. Còn nhà sàn bên kia thì Chuẩn úy Nguyễn Văn Hiệp đang bò ra vẽ thiếp “Chúc mừng năm mới Kỷ Mùi 1979” có cây đào hoa đỏ thắm, gốc cổ thụ to sần sùi, cành lớt phớt những lá xanh non trên tờ giấy roki trắng. Về vai vế trong họ, tôi phải gọi là chú Hiệp. Chú Hiệp học cùng lớp phổ thông, ở cùng làng, đi bộ đội cùng ngày, về cùng đơn vị, cùng sang chiến trường K với tôi. Chú Hiệp có hoa tay cả mười ngón nên có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Ba năm trước, chú đang là lính dưới đại đội, kẻ khẩu hiệu đẹp, vẽ tranh cũng đẹp nên được điều lên tuyên huấn Lữ đoàn.

Đêm cuối năm, Phnom Penh thật yên tĩnh, bởi thành phố sau giải phóng rỗng dân. Người dân đi làm nông nghiệp ở khắp các tỉnh chưa kịp về, còn một ít công chức thì lính Pol Pot xua chạy hết từ trước ngày 7-1. Nội đô chủ yếu là một số đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam với Quân đội cách mạng Campuchia bảo vệ chính quyền.

leftcenterrightdel

Tác giả (bên phải) trước khi ra biên giới Tây Nam, năm 1977. Ảnh do tác giả cung cấp

Khu ngoại ô chúng tôi ở càng yên tĩnh. Cả phum chỉ lác đác vài nhà dân có người mới tìm về ở, còn lại là các nhà sàn để hoang, cỏ mọc um tùm, rêu phong kín cả cầu thang gỗ. Chúng tôi chọn những căn nhà trống còn ở được trú quân tạm. Nhà nọ cách nhà kia những khoảnh vườn kín đầy cây cối lưu niên um tùm. Đi khỏi phum khoảng cây số là thấy rừng lẫn ao chuôm, đầm hoang. Chẳng thấy không khí Tết ở cái phum đìu hiu này, cứ như nơi này xuân mới chưa muốn về.

Thành phố Phnom Penh xa lạ chẳng có không khí Tết bởi vắng người và bởi người Khmer ăn Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của họ vào khoảng giữa tháng tư dương lịch. Cái Tết Nguyên đán bên ngoài Tổ quốc đến chậm chạp chứ không nhộn nhịp như ở đất mẹ. Nhưng đến gần Giao thừa thì khác. Anh nuôi vớt bánh chưng ra, mang đến chia cho mỗi bộ phận mấy cái. Và thế là tưng bừng không khí Tết. Một đống lửa to cháy rừng rực ở sân nhà sàn đội phiên dịch. Tiếng đàn accordion, tiếng guitar thùng cùng tiếng hát dân ca “Oh svay chanty” vang lên. Hát xong lời Khmer thì chuyển sang lời Việt: “Ơi cô em yêu giống như hoa xoài làm anh yêu mến/ Anh mong ước có ngày nào đó đưa em về/ Em xinh em tươi da em trắng hồng làm anh ngất ngây/ Em xinh em tươi da em trắng hồng làm anh ngất ngây/ Tình ta tay trong tay hòa quyện trời mây thiết tha sum vầy”.

Bài hát nọ nối tiếp bài hát kia. Cứ một bài dân ca Khmer thì lại một bài hát Việt Nam. Chuẩn úy Nguyễn Văn Hiệp ôm đàn accordion kéo mải miết, còn Thượng sĩ Trần Văn Thắng thì khoác đàn guitar bập bùng đắm say. Mọi người vừa hát múa, vừa đi theo vòng tròn không dứt, ở giữa đốt đống lửa to cháy rừng rực. Mấy anh lính đại đội thông tin, công binh không phải trực chiến ở gần chúng tôi và mấy gia đình trong phum cũng đến cùng múa hát. Tôi nhìn thấy Thiếu tá Nguyễn Nho Chân, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn và anh trợ lý dân vận cũng đi trong vòng tròn hát múa.

Thì ra, các chị em ở đội phiên dịch của Ban Dân vận tổ chức đón Tết Nguyên đán cổ truyền của Việt Nam. Đội phiên dịch của Lữ đoàn có 9 chị em người Khmer. Người nhiều tuổi nhất là chị Rêu, 27 tuổi, còn lại Sa Ly, Sa Von, Dên... sàn sàn trên dưới hai mươi tuổi. Lúc gặp Quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội cách mạng Campuchia, họ cùng gia đình đang chạy loạn, hoặc đang trên đường tìm về quê, người nào cũng đói, gầy, mặt mũi hốc hác. Họ được chọn về Ban Dân vận của Lữ đoàn. Chỉ sau một thời gian rất ngắn được ăn ở, sinh hoạt, làm việc trong điều kiện mới, cô nào cũng đầy đặn hơn, da dẻ hồng hào trở lại. Hằng ngày, các cô cùng các tổ công tác tỏa xuống tận các phum giúp người dân bầu phum trưởng và làm việc với cán bộ xã thành lập đội dân phòng, hướng dẫn vệ sinh nhà cửa, kêu gọi tàn quân Pol Pot quay về với chính quyền cách mạng và nhân dân.

leftcenterrightdel
 Tác giả (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội tại Thủ đô Phnom Penh, năm 1979. Ảnh do tác giả cung cấp

Đêm ngoại ô Phnom Penh huyền hoặc dưới ánh lửa ấm áp. Các cô gái Khmer mặc váy sarong, áo cộc khoe tay trần, múa như những vũ nữ Apsara tạc vào đá...

Trong khi vòng tròn múa hát lúc co lại, lúc giãn ra thì tôi lặng lẽ ra bến sông ngồi. Sóng nước ì oạp vỗ. Sau lưng, tiếng hát, tiếng đàn vui nhộn. Trước mặt là mênh mông sông đêm. Bỗng dưng nhớ Tết quê nhà da diết. Trong đầu, hình ảnh cha mẹ, anh chị và các cháu, rồi cảnh đánh cá ao sáng 23 tháng Chạp, cảnh đêm Giao thừa cả nhà ngồi quanh bếp lửa đỏ luộc nồi bánh chưng... cứ lần lượt hiện về.

Tôi kịp quay trở về trước Giao thừa. Đi qua Sở chỉ huy, thấy Chính ủy đang ở tổng đài thông tin đọc thư chúc Tết các đơn vị qua bộ đàm. Khoảnh khắc năm cũ đi qua, năm mới đến thiêng liêng quá. Mấy anh em chúng tôi quây quần phá cỗ Giao thừa. Hương vị quê nhà đã ngấm sâu vào ký ức lại hiện diện ở một nơi xa lắc bên ngoài Tổ quốc. Anh lính trẻ nào đó ở trung đội cảnh vệ chợt ngân nga mấy câu thơ: “... Giã từ năm cũ bâng khuâng/ Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường!”. Nỗi nhớ quê nhà lại trào lên da diết. Cùng thời gian này, như thường lệ hằng năm, cha tôi và anh cả đã ra điếm đầu thôn cúng tạ ơn thổ thần rồi trở về nhà. Mưa xuân chắc cũng lất phất như rắc bụi. Cây vườn nhà chắc cũng lao xao đón năm mới đến.

Giao thừa đón năm mới ở Sở chỉ huy tiền phương Lữ đoàn trôi đi trong bình yên. Nhưng chừng vài chục phút sau thì điện thoại ở Ban Tác chiến reo. Sau đó thì chúng tôi biết tin lính Pol Pot bất ngờ tập kích vào trận địa của Đại đội 3, Tiểu đoàn 19. Bị đánh trả, chúng rút luôn. Đơn vị không có thương vong. Mừng quá! Mừng, nhưng đêm Giao thừa năm ấy, chúng tôi cũng không ngủ. Các vọng chốt quanh Sở chỉ huy và đại đội công binh được tăng cường thêm người. Tết đầu tiên của tôi ở chiến trường K trôi qua vừa yên ả, vừa thấp thỏm lo và da diết nỗi nhớ nhà!

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH