Giai đoạn 1967-1969, tuyến Đường 20 Quyết Thắng (nối tỉnh Quảng Bình với tỉnh Khăm Muộn, nước bạn Lào-tuyến đường trục ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn) là một trong những trọng điểm địch dùng máy bay đánh phá ác liệt nhằm chia cắt sự chi viện của ta từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn.

“Đơn vị tôi làm nhiệm vụ từ ngầm Ta Lê về cua chữ A (Đường 20 Quyết Thắng), đây là một trong những trọng điểm địch sử dụng máy bay ném bom đánh phá, lửa cháy suốt ngày đêm. Để đánh máy bay địch, Đại đội Công binh 6 chúng tôi được trang bị một khẩu súng máy phòng không 12,7mm, do đồng chí Lại Xuân Mạo làm Khẩu đội trưởng, bố trí cơ động sát địa bàn, nhiệm vụ chiến đấu”, CCB Nguyễn Đình Lâu kể.

leftcenterrightdel

 Đường 20 Quyết Thắng trong kháng chiến

chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Khoảng cuối tháng 12-1967, đồng chí Nguyễn Văn Tiếp, Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 25 dẫn đội văn nghệ xung kích từ miền Bắc mới vào biểu diễn phục vụ bộ đội, thanh niên xung phong trên tuyến Đường 20 Quyết Thắng.

Để tránh máy bay địch đánh phá, các đơn vị phải tổ chức đóng quân phân tán để vừa thực hiện nhiệm vụ bảo đảm đường giao thông, vừa tổ chức chiến đấu bảo vệ cầu đường và ngụy trang, vận tải bộ phục vụ tác chiến. Vì vậy, các buổi biểu diễn văn nghệ của đội văn nghệ xung kích được tổ chức linh hoạt tại trận địa của từng đơn vị, có khi ngay cạnh những hố bom lởm chởm. Thường thì trong mỗi buổi biểu diễn văn nghệ, số người biểu diễn và số người xem xấp xỉ nhau. Các ca sĩ đều mặc trang phục chiến sĩ đã bạc màu, chân đi dép lốp, mặt không son phấn nên khó phân biệt được ai là thành viên đội văn nghệ xung kích và ai là cán bộ, chiến sĩ công binh.

CCB Nguyễn Đình Lâu nhớ lại: “Đêm biểu diễn tại trận địa Đại đội Công binh 6, khi biểu diễn ca khúc “Bài ca người săn máy bay”, đồng chí Quý Dương say sưa hát, đến từ “bắn” đanh rắn, như phản xạ tự nhiên, đồng chí liền bước nhanh đến khẩu súng 12,7mm, hai chân dang rộng bằng vai, hai tay ghì chặt vào hai càng súng trong tư thế bắn, làm nòng súng vươn cao và có dấu hiệu chuyển động quay tròn.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Nguyễn Đình Lâu. Ảnh: DUY NGUYỄN

Thấy vậy, Khẩu đội trưởng Lại Xuân Mạo vội lao lên, một tay ghì chặt càng súng, một tay đè giữ để nòng súng đứng yên theo hướng vươn chếch lên cao, bởi khẩu súng 12,7mm đạn đã được lên nòng, sẵn sàng bắn khi có máy bay địch tới. Vì lính chiến đã dày dạn chiến trường, quen với súng đạn nên lúc ấy lính công binh chúng tôi miệng vẫn hát, tay vẫn vỗ và chân vẫn giậm theo nhịp khí thế hào hùng của bài hát.

Còn đồng chí Quý Dương vẫn ghì hai tay vào càng súng và say sưa hát: “Nào nhắm cho trúng đầu máy bay/ Ta bắn cho chúng nhào lăn quay, lăn quay...”. Ở Trường Sơn ngày ấy, mặc dù chiến tranh gian khổ, ác liệt song hoạt động văn hóa, văn nghệ vẫn được tổ chức đều đặn, sôi nổi ở tiểu đội, trung đội hay hội diễn văn nghệ ở cấp đại đội, tiểu đoàn. Chiến tranh ác liệt, súng bất ly thân, vì vậy, khi tham gia hoạt động văn nghệ, hội diễn, chúng tôi vẫn thường phải mang súng bên mình trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Lúc ấy, có đồng chí còn mang cả súng có đạn lên sân khấu biểu diễn. Nói là sân khấu nhưng thực ra chỉ là bãi đất ven rừng hay cửa hầm ở chân đồi ngay tại trận địa sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Sau này, chúng tôi mới biết quy định khi lên sân khấu biểu diễn chỉ được mang súng giả mà thôi”.

Kể lại chuyện sinh hoạt văn nghệ ở Trường Sơn, CCB Nguyễn Đình Lâu mong muốn, nếu các đồng chí: Quý Dương, Nguyễn Văn Tiếp, Lại Xuân Mạo... đọc được bài viết này, xin hãy hồi âm để cùng ôn lại những kỷ niệm khó quên trên Đường 20 Quyết Thắng trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

DUY HIỂN