Cụ Vũ Kim Ngân (1919-2017), cán bộ lão thành cách mạng của ngành ngân hàng, nguyên chuyên viên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một trong những cán bộ đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia khu Tả ngạn sông Hồng kể lại: Khi chúng ta mới giành được chính quyền, tình hình tài chính-tiền tệ của chính quyền cách mạng gặp vô vàn khó khăn. Kho bạc chỉ còn hơn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó một nửa là tiền rách. Ngân hàng Đông Dương vẫn nằm trong tay tư bản thực dân và luôn tìm cách phá hoại ta về tài chính-tiền tệ; các nguồn thu ngân sách quá ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu của chính quyền... Trước tình hình đó, Chính phủ đã kêu gọi nhân dân quyên góp tài chính dưới các hình thức như: “Quỹ độc lập”, “Tuần lễ vàng”, đồng thời gấp rút chuẩn bị phát hành tiền.

Ngày 1-12-1945, đồng tiền 2 hào với chất liệu nhôm đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được phát hành. Tiếp theo đó, ngày 21-1-1946, nước ta phát hành đồng tiền nhôm loại 5 hào; ngày 31-1-1946 phát hành tiền giấy gọi là “giấy bạc Việt Nam” đầu tiên ở miền Trung; ngày 13-8-1946 phát hành giấy bạc trên toàn miền Bắc và sau kỳ họp Quốc hội lần thứ hai vào tháng 11-1946, Chính phủ đã cho phép Bộ Tài chính tiếp tục phát hành giấy bạc Việt Nam trên phạm vi toàn quốc. Để phù hợp với chủ trương “tự cấp, tự túc, toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến và địa phương tự lập”, Chính phủ đã cho hình thành một chế độ tiền tệ đặc biệt: Vừa tập trung vừa phi tập trung.

Cụ thể, trên toàn quốc, nơi nào có điều kiện (chủ yếu là vùng tự do) thì lưu hành tiền tài chính (giấy bạc Việt Nam), nơi nào thuộc vùng địch kiểm soát thì tiêu đồng thời cả tiền Đông Dương, cả tiền tài chính địa phương do Chính phủ Trung ương ủy quyền cho chính quyền cách mạng địa phương phát hành và gồm cả “tiền Việt Nam hóa” bằng cách đóng dấu của ủy ban kháng chiến địa phương lên tiền địch để lưu hành... Đây không chỉ là thời kỳ đấu tranh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự với địch mà thuật ngữ “đấu tranh tiền tệ với địch” cũng trở thành một khẩu hiệu hành động trong chỉ đạo chiến lược của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bên cạnh đó, nhiều biện pháp được áp dụng để tạo nguồn thu cho ngân sách như phát hành Công phiếu kháng chiến, Công trái quốc gia... Ngày 3-2-1947, Nha Tín dụng sản xuất-tổ chức tín dụng đầu tiên ở nước ta được thành lập với nhiệm vụ giúp vốn cho nhân dân phát triển sản xuất, hạn chế cho vay nặng lãi ở nông thôn, làm hậu thuẫn cho chính sách giảm tức và hướng dẫn nhân dân đi vào con đường làm ăn tập thể.

leftcenterrightdel

Đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng "Tuần lễ vàng". Ảnh tư liệu

 

Tháng 5-1951, Ngân hàng Quốc gia (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) thành lập. Tháng 7-1951, Ngân hàng Quốc gia Liên khu 3 thành lập, đồng chí Vũ Kim Ngân là một trong những cán bộ đầu tiên của ngân hàng. Cuối năm 1952, Khu ủy và Ủy ban Kháng chiến-Hành chính khu Tả ngạn sông Hồng chỉ đạo thành lập Ngân hàng Quốc gia khu Tả ngạn sông Hồng. Cụ Vũ Kim Ngân được Ngân hàng Quốc gia Liên khu 3 điều động về Ngân hàng Quốc gia khu Tả ngạn sông Hồng công tác. Cụ Ngân kể: Đợt đầu phát hành tiền ngân hàng xuống các khu du kích ở hầu hết tỉnh Tả ngạn sông Hồng đều rất thuận lợi. Tiền ngân hàng được tiêu xen kẽ với tiền Đông Dương ở các tỉnh hậu địch. Tất cả tiền Đông Dương đổi được đều phải tập trung về khu. Ở khu đã hình thành cơ quan tài chính, thuế vụ, công thương... Tại các cửa khẩu ở Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình... người ra vào vùng địch hậu và căn cứ của ta đều phải đổi tiền Đông Dương theo tỷ giá được quy định. Nhờ hoạt động tài chính, ngân hàng, khu đã có tiền để mua các thứ cần thiết phục vụ cho kháng chiến như thuốc nổ, máy chữ, các loại thuốc chữa bệnh, kể cả vàng đưa ra khu tự do, việc chi cho cán bộ hoạt động trong vùng địch có nhiều thuận lợi.

Trong khói lửa chiến tranh, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã nhanh chóng thiết lập được một nền tiền tệ độc lập, tự chủ, tạo thế đứng vững chắc trên mặt trận tài chính-tiền tệ, sử dụng tiền tệ làm công cụ phục vụ đắc lực công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Hoạt động của Ngân hàng Quốc gia và ở các khu, liên khu trong thời kỳ này đã góp phần rất quan trọng trong việc củng cố hệ thống tiền tệ độc lập, tự chủ của đất nước, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa, tăng cường lực lượng kinh tế quốc doanh, phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi cuối cùng.

ANH VIỆT